Nếu biết ăn mặn sẽ mắc căn bệnh này, bạn có dám nữa không?

07/11/2017 20:49 PM | Sống

Các nhà nghiên cứu giải thích điều này có thể là do natri tác động đến sự đề kháng insulin, hoặc cũng có thể là do lượng muối thừa sẽ gây tăng huyết áp và tăng cân quá mức.

Khẩu phần ăn có nhiều muối có liên quan đến bệnh đái tháo đường?

Đái tháo đường là bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến hơn 400 triệu người trên toàn thế giới. Trong đó, đái tháo đường tuýp 2 chiếm đến 95% các trường hợp được chẩn đoán. Đây là loại đái tháo đường thường gặp ở người già và trung niên.

Một rối loạn chuyển hóa khác được gọi là đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người trưởng thành ( LADA ), thường bị chẩn đoán nhầm là đái tháo đường tuýp 2, hay xuất hiện khi về già. Đái tháo đường LADA tiến triển chậm hơn, và thường không cần phải khởi đầu điều trị bằng insulin.

Các nhà nghiên cứu cho rằng lượng natri hấp thu từ khẩu phần ăn hằng ngày dưới dạng muối ăn có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển đái tháo đường tuýp 2. Họ giải thích điều này có thể là do natri tác động đến sự đề kháng insulin, hoặc cũng có thể là do lượng muối thừa sẽ gây tăng huyết áp và tăng cân quá mức.

Xét về khía cạnh tự miễn của đái tháo đường LADA, các nhà nghiên cứu đã giả thiết khẩu phần ăn chứa nhiều muối có thể thúc đẩy bệnh lý tự miễn và đóng vai trò trong bệnh sinh của đái tháo đường LADA.

Tuy nhiên, hiện dữ liệu về mối liên hệ giữa lượng natri tiêu thụ và nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 còn rất hạn chế, và chưa có nghiên cứu nào chú ý đến ảnh hưởng của lượng natri tiêu thụ lên nguy cơ gây đái tháo đường LADA.

Do đó một nghiên cứu mới được tiến hành bởi Tiến sĩ Bahareh Rasouli Học viện Environmental Medicine, Thụy Điển. Nghiên cứu này được tiến hành với mục đích xác định nguy cơ đái tháo đường LADA và đái tháo đường tuýp 2 trong mối quan hệ với lượng natri tiêu thụ.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu từ nghiên cứu ESTRID (Epidemiological Study of Risk Factors for LADA and Type 2 Diabetes), là một nghiên cứu lớn được tiến hành ở Thụy Điển.

Dữ liệu được lấy từ 355 bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường LADA cùng với 1136 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, và tiến hành so sánh kết quả phân tích này với kết quả thu được từ nhóm chứng gồm 1379 người khỏe mạnh.

Nghiên cứu sử dụng bảng câu hỏi để thu thập thông tin về khẩu phần ăn hằng ngày của những người tham gia điều này giúp nhóm nghiên cứu tính toán được lượng calo, chất dinh dưỡng, và natri được tiêu thụ.

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét đến các yếu tố nguy cơ về mặt di truyền đối với bệnh đái tháo đường, và những người tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm là "nhóm nguy cơ cao" và "nhóm còn lại" dựa theo hồ sơ về mặt di truyền.

Khi tăng lượng muối ăn, thì khả năng mắc đái tháo đường tăng theo

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng natri tiêu thụ mỗi ngày cứ tăng 1g (tương đương với 2,5g muối ăn) sẽ làm tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 lên 43%, nguy cơ đái tháo đường LADA là 73%.

(Ảnh minh họa)

Những người tham gia cũng được chia thành 3 nhóm dựa vào lượng natri tiêu thụ, bao gồm nhóm có lượng tiêu thụ "thấp" (dưới 2,4g natri hoặc không quá 6g muối ăn hằng ngày), "trung bình" (2,4g đến 3,15g natri, hoặc không quá 7.9g muối ăn), và "cao" (trên 3,15g natri hoặc hơn 7,9g muối ăn hằng ngày).

Điều đáng lưu ý là nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 ở những người thuộc nhóm tiêu thụ trên 3,15g natri mỗi ngày sẽ cao hơn 58% so với nhóm tiêu thụ natri dưới 2,4g mỗi ngày.

Những người có yếu tố nguy cơ di truyền về đái tháo đường và có lượng natri tiêu thụ hằng ngày cao trên 3,15g có khả năng phát triển đái tháo đường LADA nhiều hơn xấp xỉ 4 lần so với người có lượng natri tiêu thụ hằng ngày dưới 2,4g.

Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã xác nhận mối liên hệ giữa lượng natri tiêu thụ và đái tháo đường tuýp 2. Họ cũng lưu ý thêm rằng lượng tiêu thụ natri cao có thể là một yếu tố nguy cơ đối với đái tháo đường LADA, đặc biệt ở những người mang kiểu gen HLA (kháng nguyên bạch cầu người).

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một hạn chế lớn đó là do nghiên cứu được thực hiện dựa trên bảng câu hỏi, nên người tham gia có thể đã nhớ nhầm những chi tiết liên quan dẫn đến sai lệch.

Để giảm thiểu sai lệch có thể có, các bệnh nhân được nhận bảng câu hỏi tại thời điểm gần sát với chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên sai lệch nhớ lại là không thể loại trừ, và nếu tồn tại sai lệch này, kết quả sẽ bị đánh giá thấp hơn thay vì đánh giá cao hơn so với thực tế.

"Đây là một nghiên cứu thú vị cho thấy mối liên quan giữa lượng muối tiêu thụ trong chế độ ăn và các yếu tố di truyền trong nguy cơ của đái tháo đường LADA và đái tháo đường tuýp 2, và nếu nghiên cứu được phát triển xa hơn sẽ có thể gợi mở thêm những cách thức để phòng chống bệnh.

Và việc kiểm tra xem liệu giảm thiểu lượng natri tiêu thụ có giúp ngăn ngừa được 2 loại đái tháo đường này hay không cũng sẽ rất thú vị.", Tiến sĩ Bahareh Rasouli cho biết.

*Theo Medicalnewstoday

Theo Khánh Hưng

Cùng chuyên mục
XEM