Nếu bạn có nhà đẹp, vị trí tốt và còn trống, hãy thử kinh doanh dịch vụ homestay đi, có thể thu về vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng!

12/04/2017 08:30 AM | Kinh doanh

Khác với hình thức thuê nhà truyền thống, homestay (khách nghỉ tại nhà dân) có thể mang đến cho chủ nhà khoản thu lên đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Trào lưu homestay đã nở rộ tại Việt Nam trong những năm gần đây, từ vùng núi xa xôi như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình) cho đến các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng.

Nắm bắt được xu hướng du lịch ngày càng gia tăng cũng như mong muốn trải nghiệm không gian phá cách nhưng vẫn gần gũi, ấp áp như ở nhà của du khách, nhiều người đã chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ homestay và thu được kết quả bất ngờ.

Anh Trường, Hà Nội, cho biết anh đang có 4 nhà cho thuê hoàn toàn theo dịch vụ homestay, trong đó 2 nhà thuộc sở hữu của anh và 2 nhà anh đi thuê lại.

Vì khách du lịch đến Hà Nội thường ở lại khá lâu, từ 3-6 ngày, nhiều khách sau khi ở còn giới thiệu bạn bè, người quen đến chỗ anh nên tỷ lệ đặt phòng luôn dao động quanh mức 60-90%. Trừ chi phí, mỗi tháng anh cũng “bỏ túi” khoảng hơn trăm triệu đồng.

Cũng giống anh Trường, anh Thịnh đã bắt đầu kinh doanh dịch vụ homestay được khoảng 3 năm nay. Sau khi đọc báo thấy khách du lịch nước ngoài có vẻ chuộng hình thức homestay hơn là ở khách sạn, anh bàn với vợ dùng khoản tiền tiết kiệm 200 triệu để đầu tư.

Hai vợ chồng anh thuê một căn nhà trên phố với chi phí 9 tr/tháng, sau đó bỏ thêm tiền để tiến hành tu sửa, mua sắm các vật dụng cần thiết. Ban đầu, một tháng chỉ có tầm 10 - 15 ngày có khách thuê, nhưng dần dần số lượng khách ngày càng đông do anh có khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát và luôn nhiệt tình, thân thiện.

Chỉ trong năm đầu tiên, vợ chồng anh Thịnh đã thu hồi đủ vốn và sau 3 năm, vợ chồng anh đã mở rộng mô hình sang một số địa điểm khác trong khu vực Hà Nội.

Homestay, dịch vụ tiềm năng tại Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển loại hình kinh doanh homestay khi số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, những người có xu hướng thích ở homestay hơn khách sạn, liên tục gia tăng qua các năm.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy trong năm 2016, Việt Nam đã tiếp đón 10 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, tăng 26% so với năm 2015.


Số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giai đoạn 2007-2016. Đơn vị: Triệu người.

Số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giai đoạn 2007-2016. Đơn vị: Triệu người.

Tuy không có một hình mẫu cụ thể áp dụng cho tất cả homestay ở các vùng miền, song vẫn có những tiêu chí nhất định để đánh giá xem homestay nào sẽ phù hợp với khách du lịch, ví dụ như: địa điểm nhà có gần các điểm du lịch, các khu vui chơi không, phong cách thiết kế trong nhà, mức độ tiện nghi sinh hoạt thế nào…

Theo kinh nghiệm của anh Thịnh, anh Trường và một số chủ homestay, để tăng tỷ lệ thuê nhà, các bạn mới bắt đầu kinh doanh có thể đăng tin lên các trang mạng uy tín như Homestay, CouchSurfing, Home Exchange, Airbnb... Ngoài ra nên có một số dịch vụ hỗ trợ khách du lịch như tặng sim 3G, tặng bản đồ, miễn phí vận chuyển từ sân bay về nhà hay cung cấp cho khách các “tip” du lịch tại thành phố bạn sống.

Tuy nhiên kinh doanh homestay cũng đi kèm với rủi ro. Đã từng có trường hợp chủ nhà phá vỡ hợp đồng cho thuê, đòi lại nhà trước thời hạn để tự kinh doanh khi thấy dịch vụ phát triển tốt. Vậy nên trước khi thuê nhà làm homestay, nhà đầu tư cần thỏa thuận với chủ nhà mức giá ổn định với thời giam thuê tối thiểu từ 3-5 năm, có các điều khoản ràng buộc cụ thể nếu một trong hai bên phá vỡ hợp đồng, anh Trường cho biết.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM