Nền nông nghiệp đang bị doanh nhân Việt bỏ rơi như thế nào?

15/07/2016 08:30 AM | Kinh doanh

Tuy có lợi thế quốc gia về nông nghiệp, nhưng trong gần 10 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn đang mải mê làm dịch vụ và ngày càng bỏ lơ ngành nông nghiệp.

Mới đây, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Viêt Nam (VCCI) đã công bố những số liệu về doanh nghiệp theo các ngành tại Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015.

Trong đó đáng chú ý là thống kê về tỷ trọng các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp ở mức rất thấp, tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp vô cùng yếu và lao động gần như không tăng trong nhiều năm. Trong thống kê 6 tháng đầu năm 2016, nông nghiệp cũng ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Số doanh nghiệp ít nhất

Trong 100 doanh nghiệp, có chưa nổi 1 doanh nghiệp nông nghiệp

Báo cáo đã chỉ ra rằng tỷ trọng các doanh nghiệp Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trong những năm thống kê gần nhất chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp trong năm 2014 và 0,98% tổng số doanh nghiệp năm 2015. Điều đó có nghĩa là cứ 100 doanh nghiệp thì có chưa đến nổi 1 doanh nghiệp làm nông, lâm nghiệp hay thủy sản.

Như vậy với việc tổng số doanh nghiệp đã tăng 34.000 trong 2 năm này, có thể nói, số doanh nghiệp Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng lên rất ít.

Thậm chí tỷ trọng này đã giảm mạnh so với năm 2007 (1,61%). Như vậy, dù là nước có lợi thế về nông nghiệp và có nhiều tiềm năng phát triển ngành này, với nhiều sản phẩm xuất khẩu ở hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, nhưng nông nghiệp Việt vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Tốc độ tăng trưởng chậm nhất

Nếu mỗi ngành có 100 doanh nghiệp, thì sau 1 năm, ngành nông nghiệp có thêm 7 DN, các ngành dịch vụ có thêm… 20 DN

Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cũng có mức tăng trưởng số lượng doanh nghiệp trong gần 10 năm qua ở mức thấp áp chót, với mức 7,43% / năm, thấp hơn phân nửa so với mức trung bình nền kinh tế (hơn 14%). Con số này chỉ đứng trên Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, với mức độ tăng trưởng số doanh nghiệp hàng năm là 5,72% /năm.

Trong khi đó, các ngành dẫn đầu như Giáo dục và đạo tạo, Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, Nghệ thuật, vui chơi và giải trí hay Thông tin và Truyền thông đều có số lượng doanh nghiệp tăng hơn 5 lần trong giai đoạn 2007 -2015. Các ngành dịch vụ khác cũng đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Như vậy, nếu có 100 doanh nghiệp ở mỗi ngành thì sau 1 năm số doanh nghiệp làm nông chỉ tăng thêm khoảng 7 doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp làm dịch vụ lại tăng đến khoảng 20 doanh nghiệp.

Nông lâm nghiệp, thủy sản có số doanh nghiệp thuộc nhóm có số lượng ít nhất và tăng trưởng chậm nhất.

Đồng cảnh ngộ với ngành Nông nghiệp, các ngành Công nghiệp cũng có tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp không cao.

Lao động tăng trưởng thấp nhất, bỏ sang ngành khác

Số lượng lao động trong các doanh nghiệp nhóm ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã hầu như không tăng trong giai đoạn 2007 – 2014 (bình quân 0,55%/năm, thấp nhất trong bảng xếp hạng).

Trong khi đó, điều ngược lại lại đang xảy ra với các nhóm ngành thương mại dịch vụ (trên 15%-20%/năm).


Tăng trưởng lao động bình quân toàn nền kinh tế là 7,41%

Tăng trưởng lao động bình quân toàn nền kinh tế là 7,41%

Theo Báo cáo, cứ 4 người lao động Việt Nam thì có 3 người làm việc tại 1 trong 3 lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo, Xây dựng và Bán buôn bán lẻ, Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác. 2 trong 3 ngành trên thuộc nhóm thương mại dịch vụ.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM