Nền kinh tế "ì ạch" của Nhật Bản đang trông chờ vào nữ giới

18/10/2016 09:11 AM | Xã hội

Nhiều phụ nữ Nhật Bản biết chính xác được khi nào mình sẽ nghỉ việc ngay từ khi bắt đầu một công việc mới.

Nhật Bản, nhân viên khi mới được nhận vào làm ở những công ty lớn thường được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 là những người làm những công việc quản lý, còn lại nhóm 2 là những người làm giấy tờ hành chính và làm chân "sai vặt", ít có cơ hội được thăng tiến. Điều đáng buồn là phụ nữ Nhật Bản lại là những người thường xuyên phải làm những công việc thuộc nhóm 2, ngay cả khi họ có trình độ và năng lực quản lý.

Chuyên gia kinh tế thuộc trường Đại học phụ nữ Nhật Bản bà Machiko Osawa cho hay "Những phụ nữ có trình độ học vấn cao thường thà nghỉ việc còn hơn phải làm những công việc thuộc nhóm 2 bởi họ cảm thấy tài năng của họ bị lãng phí khi phải làm những công việc đó"

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản lại đang rất cần lực lượng lao động nữ để kích thích nền kinh tế đang phát triển ì ạch trong suốt những năm vừa qua. Thế nhưng sự phân biệt trong cơ cấu lao động giữa hai nhóm công việc vốn tồn tại cố hữu trong nền kinh tế "trọng nam kinh nữ" lại đang cản trở quá trình tăng trưởng của quốc gia này.

Theo số liệu thống kê chính thức, có tới 3 triệu phụ nữ Nhật Bản không có cơ hội được làm việc sau khi kết hôn mặc dù họ rất mong muốn được quay trở lại công việc cũ của mình.

Tuy vậy, tình hình có chút khởi sắc khi một số công ty lớn đang cố gắng tăng cường bổ nhiệm nữ giới vào vị trí quản lý. Điển hình như công ty sản xuất ô tô Nissan với 9.1% vị trí quản lý cấp cao do phụ nữ đảm nhiệm. Con số này cao hơn mức trung bình ở các công ty lớn ở Nhật Bản là 8.3%.

Nissan đã có những chính sách vô cùng ưu ái nhằm thu hút nhiều lao động nữ như linh hoạt giờ làm việc cho phụ nữ đã có gia đình, xây dựng khu chăm sóc trẻ em ngay trong khuôn viên công ty... Mặc dù vậy, con số 9.1% của Nissan vẫn còn là một khoảng cách rất xa so với mục tiêu đến năm 2020, 15% vị trí quản lý cấp cao là nữ mà chính phủ Nhật Bản đặt ra.

Một số công ty khác ở Nhật Bản cũng có những chính sách tương tự như Calbee và Shiseido góp phần thúc đẩy quá trình tăng cường sử dụng lao động nữ.

Theo số liệu khảo sát thống kê của Học viện kinh tế Quốc tế được thực hiện trên 22,000 công ty thuộc 91 quốc gia trên thế giới cho thấy việc tăng cường nữ giới trong ban lãnh đạo sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận của công ty.

Tuy nhiên, thực trạng ở Nhật Bản lại hoàn toàn ngược lại. Có rất nhiều phụ nữ khi được hỏi cho rằng, việc thuyết phục các công ty cho họ được làm vị trí lãnh đạo, quản lý là điều gần như là không thể mặc dù họ hoàn toàn có đủ khả năng để làm công việc đó.

Ngay cả khi được tuyển vào vị trí lãnh đạo rồi nhưng họ vẫn không được đối xử công bằng với nam giới. Chị Marimi Takahashi, 23 tuổi, từng được nhận làm quản lý ở một công thiết bị điện tử ngay sau khi tốt nghiệp đại học chia sẻ "Có một sự phân biệt đối xử lớn giữa tôi và các đồng nghiệp nam khác mặc dù họ chỉ tốt nghiệp cao đẳng. Tôi không được công ty đào tạo, hay thậm chí được hỗ trợ, giúp đỡ giống như họ. Cuối cùng, tôi quyết định nghỉ việc vì quá chán ngán với sự bất công đó."

Hơn thế nữa, sẽ là một điều vô cùng khó khăn khi phụ nữ Nhật Bản phải cùng một lúc chăm lo cho gia đình và hoàn thành công việc ở công ty đặc biệt là khi họ phải về nhà muộn do phải đi ăn tối với đối tác sau khi ký kết hợp đồng hoặc làm việc quá giờ. Những công việc đó hoàn toàn "hút" cạn kiệt sức lực của họ, khiến họ không còn hứng thú với công việc.

Chính phủ liên tục có những quy định, chính sách nhằm tái cơ cấu lao động trong các công ty điển hình là việc yêu cầu các công ty phải công khai số lượng lao động là nữ giới cũng như kế hoạch giúp đỡ họ.

Theo bà Kathy Matsui chuyên gia nghiên cứu về vai trò của phụ nữ đối với nền kinh tế cho rằng, các công ty Nhật Bản cần phải tìm ra các giải pháp lâu dài nhằm hỗ trợ phụ nữ "Hy vọng rằng, trong tương lai các công ty sẽ tự nguyện đưa ra những sáng kiến và chính sách hỗ trợ lao động nữ thay vì bị phải miễn cưỡng thực hiện những chính sách của chính phủ".

Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM