Nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã đến lúc khởi sắc?

25/06/2019 08:15 AM | Kinh doanh

Sau nhiều năm mang tiếng ‘không làm nổi cái gì’, với những chuyển biến gần đây của các công ty cơ khí đầu ngành – như Duy Khanh ở TP. HCM, thì dường như ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang có những chuyển biến khởi sắc.

Trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp phụ trợ là một trong những ngành bị chê bai nhiều nhất, nhất là trong các bài nói chuyện của các chuyên gia kinh tế.

Mỗi khi nói về nền kinh tế Việt Nam, hầu hết họ đều cho rằng, việc có một ngành công nghiệp phụ trợ “èo uột” – mới chỉ làm được hộp đựng điện thoại của Samsung chứ chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hoặc không làm nổi cả con ốc vít ô tô, đã khiến nền kinh tế chúng ta có chiều rộng chứ không có chiều sâu. Và thêm vấn đề nữa, là trong hơn 10 năm vừa qua, ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta gần như dậm chân tại chỗ cũng như chẳng có mấy bước tiến đáng ghi nhận.

Duy Khanh là công ty cơ khí có lịch sử gần 30 năm, hiện họ sản xuất 4 lĩnh vực chính: phụ tùng chi tiết máy chính xác, thiết bị máy móc chuyên dùng, khuôn mẫu cho ngành nhựa và dập kim loại, máy tự động dập nắp chai nhựa. Họ cũng là một trong những doanh nghiệp nhập máy CNC đầu tiên vào Việt Nam năm 1997. Năm 2004, Duy Khanh có chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001 – 2000 và ISO 9001-2015 năm 2016. Sản phẩm của họ vừa tiêu thụ trong nước, xuất khẩu tại chỗ và xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, Đan Mạch, Pháp…Cụ thể, danh mục khách hàng của họ có Toshiba, Rinnai, Nutifood, Tân Hiệp Phát, Vinamilk…

Tuy nhiên, qua cuộc trao đổi gần đây của chúng tôi với người trong cuộc – ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. HCM, thì có vẻ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không hề bết bát như mọi người vẫn nghĩ, chỉ do chút vấn đề kỹ thuật mà chúng ta chưa thể cạnh tranh được về giá với người hàng xóm Trung Quốc – quốc gia có ngành công nghiệp phụ trợ hàng đầu thế giới.

Trong tương lai gần, chúng ta chắc chắn vẫn chưa thể ‘đấu’ lại được với người Trung Quốc, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể sản xuất linh kiện để phụ trợ cho họ hoặc cho các nhà phụ trợ khác; giống kế hoạch mà Duy Khanh đang triển khai sản xuất bánh răng cho mô tơ cần gạt nước

ô tô. Có vẻ, đã đến lúc ngành phụ trợ của Việt Nam đủ trưởng thành để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã đến lúc khởi sắc? - Ảnh 2.

Ông Đỗ Phước Tống đang giới thiệu về máy móc và công nghệ của Duy Khanh tại xưởng sản xuất hiện tại ở đường Luỹ Bán Bích.

Ông đánh giá như thế nào về ngành phụ trợ ô tô ở Việt Nam? Nhiều người cho rằng các công ty phụ trợ của Việt Nam chưa làm nổi con ốc vít cho ô tô.

Ông Đỗ Phước Tống: Thật ra, tại Việt Nam, chưa có những công ty phụ trợ ô tô đúng nghĩa. Việt Nam chưa có những công ty sản xuất hàng loạt lớn đủ đáp ứng những yêu cầu của nền công nghiệp phụ trợ. Ví dụ: như Trường Hải là công ty lớn nhưng ở xa, nên họ cần gì thì tự đầu tư làm luôn.

Nói chung, hiện nay, các nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam, người ta cần gì thì họ tự đầu tư dây chuyền đó. Phần Vinfast, ngoài tự đầu tư, thì họ cũng kêu gọi một số nhà đầu tư khác vô khu công nghiệp của họ đầu tư cho họ, chứ Vinfast không hề ra đặt hàng ở bên ngoài.

Vậy các nhà sản xuất ô tô cần linh kiện – chi tiết máy mà các doanh nghiệp Việt không đáp ứng được nhu cầu của họ, hay là mình đã đáp ứng được nhu cầu của họ nhưng họ lại không cần?

Ông Đỗ Phước Tống: Giữa cái cung và cái cầu nó rất là khác biệt. Để đầu tư sản xuất một sản phẩm nào đó cho một người nào đó, thì sản lượng quyết định giá cả. Nhưng hiện nay các nhà cung ứng Việt Nam chưa đạt được sản lượng đủ lớn để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất với giá tốt.

Sở dĩ nhiều thương hiệu lớn trên thế giới tìm đến với các nhà cung cấp Trung Quốc vì những doanh nghiệp Trung Quốc này đã sản xuất nhiều năm và bán cho nhiều người nên giá tốt hơn mình, mình làm ra giá không tốt bằng họ dù chất lượng rất được.

Khi sản xuất 10.000 cái và sản xuất 100 cái, cái nào cũng cần có khuôn mẫu và hệ thống thiết bị, sản lượng càng lớn thì giá càng rẻ. Cho nên, sản lượng là bài toán mà các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam cần phải giải.

Nói về vấn đề này, sau vài chục năm tích luỹ kinh nghiệm – mối quan hệ - tài lực, sắp tới Duy Khanh sẽ tham gia vào sản xuất chi tiết phụ trợ cho ngành ô tô. Chúng tôi đang xây dựng nhà máy phụ trợ cho ngành ô tô ở Khu công nghệ cao tại Quận 9.

Trước mắt, tôi chưa có ý định hướng tới thị trường phụ tùng ô tô vì chưa làm được sản lượng đủ lớn, song có rất nhiều thị trường khác có thể làm được, ví dụ như thị trường sơ cấp, phụ trợ cho những nhà làm linh kiện ô tô bán khắp thế giới, chứ không phải bán cho Vinfast hay Trường Hải.

Ông nhắm tới xuất khẩu hay thị trường Việt Nam?

Nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã đến lúc khởi sắc? - Ảnh 3.

Một vài sản phẩm mà Duy Khanh hiện đang sản xuất.

Ông Đỗ Phước Tống: Tôi nhắm tới xuất khẩu tại chỗ, cho những doanh nghiệp xuất khẩu, tức là sản lượng của Duy Khanh xuất khẩu là chính, một số trường hợp sản phẩm xuất khẩu là 100%. Thương hiệu là thương hiệu của Duy Khanh, nhưng tôi chỉ sản xuất những chi tiết để người ta mua về rồi tích hợp trong một cụm, ví dụ như bộ gạt nước.

Có những công ty sản xuất bộ gạt nước cho ô tô bán khắp thế giới, cho tất cả các hãng và điều chỉnh theo yêu cầu của các hãng, trong đó nó có những linh kiện nho nhỏ như bánh răng, Duy Khanh sẽ làm cái đó. Tôi không làm bánh răng bán cho Trường Hải hay Vinfast, mà tôi bán cho tất cả các hãng làm bộ gạt nước, cứ xem như là phụ trợ của phụ trợ.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, dù những nhà sản xuất bộ gạt nước được xem là nhà cung cấp cho các thương hiệu xe hơi, nhưng họ đã sản xuất ra những sản phẩm hoàn chỉnh; Duy Khanh sẽ là nhà phụ trợ cho họ. Đó là cách tôi định hướng cho Duy Khanh. Tất nhiên, sản lượng làm để bán theo theo cách này phải tính đơn bị trăm ngàn cái, triệu cái chứ không phải tính đơn vị vài ngàn cái.

Còn công nghệ và vốn đầu tư cho nhà máy mới thì sao thưa ông?

Ông Đỗ Phước Tống: Tôi cũng đang nghiên cứu công nghệ để chọn thiết bị. Hiện nay tôi đang nghiên cứu các thiết bị liên quan với nhau để tạo nên một dây chuyền quy trình cố định, trong đó có rất nhiều thiết bị, thì thiết bị nào là chính – quyết định chất lượng đầu tiên. Nguyên tắc thì thiết bị nào cũng quyết định chất lượng hết, nhưng thiết bị nào quyết định chất lượng cao nhất – đặc biệt nhất. Tôi đang trao đổi với các nhà cung cấp máy từ Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Nhật để có quyết định cuối cùng.

Ngoài xây dựng nhà máy và chọn công nghệ - thiết bị gì của nước nào – hãng nào, thì còn nhiều thứ phức tạp khác, song chúng tôi không định dùng máy móc – công nghệ của Trung Quốc.

Về vốn đầu tư, tổng đầu tư vào nhà máy khoảng một trăm mấy chục tỷ đồng, một phần trong đó là Duy Khanh tự bỏ ra và phần khác chúng tôi vay ngân hàng.

Khó khăn và rủi ro thì sao, thưa ông?

Ông Đỗ Phước Tống: Tất nhiên, khi chúng ta làm gì đó cũng có khó khăn và rủi ro nhất định, nhất là trong lĩnh vực như tôi đề cập phía trên. Về nguyên tắc, thương thảo ban đầu như thế này: thay vì trước đây đối tác lấy hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc, bây giờ họ sẽ lấy hàng của chúng tôi; nhưng phải sau khi sản xuất ra rồi mới biết họ có lấy của Duy Khanh hay không. Rủi ro trong đầu tư là như vậy.

Vì vậy, chúng tôi phải sản xuất như thế nào để sản phẩm vừa có chất lượng vừa có giá cả cạnh tranh nhất, còn nếu mình làm không được sẽ rất khó. Chúng tôi đã nghiên cứu thấy nguồn khách hàng có nhu cầu như vậy và với năng lực – trình độ của mình, chúng tôi có thể thoả mãn họ. Đương nhiên, phải nghĩ mình thành công thì chúng tôi mới đầu tư, nhưng trong đầu tư xác suất rủi ro luôn luôn tồn tại.

Nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã đến lúc khởi sắc? - Ảnh 4.

Duy Khanh được vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu TP. HCM năm 2018.

Sản phẩm của nhà máy mới này, anh có hướng tới phân khúc chất lượng nào đó hay không?

Ông Đỗ Phước Tống: Chất lượng tôi hướng tới là cao hơn mức bình quân. Ví dụ như, tôi đã nhìn thấy sản phẩm của các nhà máy bên Trung Quốc, tôi sẽ đầu tư cơ sở - vật chất để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, chứ không đầu tư như họ.

Còn nếu so nguồn vốn ban đầu mà chúng tôi đang đầu tư thì ngang ngửa một nhà máy của Đài Loan hoặc Hàn Quốc. Mà ngay cả Đài hay Hàn cũng có những tiêu chuẩn khác nhau và chúng tôi muốn đầu tư vào tiêu chuẩn cao, để khi mình ra sau chất lượng phải bằng hoặc tốt hơn họ.

Có thể ở giai đoạn đầu, chất lượng chúng tôi chưa cao như mong đợi, nhưng chúng tôi luôn nghĩ tới việc định vị thương hiệu, chất lượng và chuẩn mực; vì nếu chúng tôi làm làng nhàng thì sẽ chẳng tới đâu hết. Do đó, khả năng chúng tôi sẽ đầu tư máy chính của Đức, mặc dù máy Đức mắc gấp đôi máy Đài Loan.

Cảm ơn ông!

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM