NAPAS: Đối tác quan trọng tỷ phú Jack Ma tìm đến khi sang Việt Nam

08/11/2017 11:33 AM | Kinh doanh

NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Cổ đông chính của NAPAS gồm Ngân hàng nhà nước và 15 Ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.

Sáng ngày 6/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Thủ tướng kỳ vọng, Jack Ma sẽ truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam khi mà thanh niên đang rất hào hứng chờ đón Jack Ma.

Bên cạnh việc truyền cảm hứng, chuyến viếng thăm lần này của người đứng đầu tập đoàn Alibaba còn mở ra những cơ hội đầu tư. Theo nguồn tin từ tờ Người đưa tin, trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, tỷ phú Jack Ma đã ký kết hợp đồng hợp tác giữa Alipay - thuộc tập đoàn Alibaba với một công ty Việt Nam có tên NAPAS.

Vậy NAPAS là ai?

Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) được thành lập từ năm 2004, trên cơ sở đổi tên từ Công ty Cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam sau khi hoàn thành sáp nhận doanh nghiệp với Công ty CP Dịch vụ Thẻ Smartlink. Trong đó, NAPAS là viết tắt từ tên tiếng Anh là National Payment Services.

NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Cổ đông chính của NAPAS gồm Ngân hàng nhà nước và 15 Ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.

NAPAS hiện đang quản trị và vận hành một hệ thống kết nối liên thông mạng lưới 16.800 máy ATM, 220.000 máy POS, hơn 90 triệu thẻ của 43 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

NAPAS đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán thương mại điện tử kết nối với hơn 200 doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vự hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác cho khách hàng

Với nhiệm vụ hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ Quốc gia được Ngân hàng Nhà nước giao, NAPAS hiện đang triển khai xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa cho toàn bộ thị trường, xây dựng Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch bán lẻ – ACH và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS được Công ty Cổ Phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam ra mắt vào tháng 4/2016. Thương hiệu NAPAS được thể hiện ở mặt trước của tất cả các thẻ nội địa và là dấu hiệu nhận biết chấp nhận thanh toán thống nhất tại mạng lưới ATM, POS, cổng thanh toán thương mại điện tử của các ngân hàng trong lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.

Cánh cửa tiếp cận thị trường thanh toán trực tuyến của Việt Nam

Với vị thế độc tôn hiện tại tại thị trường thanh toán trực tuyến bán lẻ tại Việt Nam, NAPAS là cái tên hấp dẫn nhất dành cho các đơn vị thanh toán quốc tế muốn tiếp cận thị trường nước ta.

Trước khi hợp tác với Alipay, tháng 8/2017 vừa qua, NAPAS cũng đã hợp tác với BC Card - công ty phát hành thẻ lớn nhất Hàn quốc, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm số hóa cũng như các sản phẩm thanh toán hiện đại có tính bảo mật cao.

Tại lễ kí kết với BC Card hồi tháng 8, Phó Tổng giám đốc NAPAS cho biết: "Hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Hiện nay, thị trường Việt Nam với gần 80% người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng thẻ ghi nợ nội địa do các ngân hàng trong nước phát hành sẽ là sức ép lớn để ngành ngân hàng triển khai các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng thẻ nội địa thanh toán một cách thuận lợi hơn. Hợp tác giữa NAPAS và BC Card sẽ là cơ hội để NAPAS góp phần hiện thực hóa mục tiêu này".

Việc hợp tác lần này với Alipay cũng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho NAPAS. Đơn vị này sẽ có cơ hội nhận được hỗ trợ công nghệ, nhân lực và quy trình từ một trong những công ty mạnh nhất châu Á về thanh toán trực tuyến.

Về phía Alipay và tập đoàn Alibaba, hợp tác với NAPAS chính là cánh cửa rộng mở để tiếp cận với thị trường thanh toán trực tuyến đầy tiềm năng và đang bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam.

Trước NAPAS, Alibaba cũng có động thái kết nối tương tự tại thị trường khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, ban đầu Alibaba định hướng với các công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment, từ hoạt động trong thương mại và thanh toán điện tử bán buôn (đối với các doanh nghiệp) sau đó phát triển, mở rộng khai thác thị trường bán lẻ.

Kiến Anh

Từ khóa:  napas , jack ma , alipay
Cùng chuyên mục
XEM