Năng suất lao động thấp kìm hãm tăng trưởng GDP

27/09/2018 11:33 AM | Xã hội

Sáng 26.9.2018, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) với sự hỗ trợ của Viện Konrad - Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức Chương trình Đối thoại chính sách “Tăng năng suất lao động cho Việt Nam”.

Vấn đề năng suất lao động (NSLĐ) đang được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và xem tăng NSLĐ là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2019 đang được Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề xuất là năm NSLĐ.

Kinh tế tăng trưởng cao nhưng NSLĐ thấp là “có vấn đề”

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - NSLĐ trong những năm gần đây đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao: Năm 2006-2012: Tăng trưởng 3,29%/năm; 2012-2017: Tăng trưởng 5,3%/năm, trong đó năm 2015 đạt tăng trưởng cao nhất với tốc độ 6,49%/năm. Tuy nhiên, so sánh với một số nước Đông Bắc Á và ASEAN, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp. NSLĐ của Việt Nam thấp nhất khi so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia. NSLĐ của Việt Nam xếp sau Campuchia ở 3 ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi và truyền thông. “Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có NSLĐ chưa cao, ngành nông nghiệp, nông lâm thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế” - PGS-TS Nguyễn Đức Thành nhận định.

Ông Peter Girke - Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam - cũng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển một cách liên tục và đạt được những thành tựu lớn. Nhưng NSLĐ lại chưa có sự tăng trưởng tương xứng so với nhiều quốc gia trong khu vực, thì Việt Nam cần nhìn nhận lại: Đang có vấn đề về NSLĐ.

NSLĐ thấp kìm hãm tăng trưởng GDP

Theo các chuyên gia kinh tế, NSLĐ thấp dễ đặt Việt Nam trước nguy cơ mắc bẫy “thu nhập trung bình”, đây cũng là nguyên nhân làm giảm sút tăng trưởng GDP của Việt Nam. Nhìn lại quá trình, NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Tốc độ tăng trưởng bình quân NSLĐ giai đoạn 2012 - 2017 là 5,3%. Đặc biệt, năm 2015 tăng trưởng NSLĐ đạt tốc độ cao nhất với 6,49%. Tuy nhiên, năm 2015, NSLĐ ngành của VN hầu hết ở mức thấp nhất trong tương quan so với các nước so sánh. Điều đáng nói là, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam mặc dù có nhiều lợi thế phát triển, nhưng vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế. VN hiện tại vẫn đang có một khoảng cách lớn về năng suất lao động giữa các ngành, cũng như khi so sánh với các nước khác trong cùng khu vực. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động của VN năm 2016 chỉ đạt 9.894USD, tức chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% Malaysia; 36,5% Thái Lan; 42,5% Indonesia; 56,7% Philippines và 87,4% Lào. Trong khi đó, NSLĐ là một chỉ số chính của thị trường lao động, phản ánh tăng trưởng kinh tế bền vững, khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong sử dụng lao động của mỗi quốc gia. Tốc độ tăng NSLĐ vẫn còn thấp hơn khá xa so với tốc độ tăng GDP bình quân trong giai đoạn vừa qua, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng lương thực tế bình quân (khoảng 12,59%/năm).

“Trong giai đoạn 2008-2016, NSLĐ tăng trưởng thêm 22,5%, đây là con số không hề nhiều” - PGS-TS Nguyễn Đức Thành khẳng định và cho rằng, để có được các thành tựu kinh tế làm cơ sở tăng trưởng so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, VN cần cải thiện NSLĐ các ngành kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển, tăng cường thu hút lao động vào ngành có NSLĐ cao và đang tăng trưởng mạnh. Đã đến lúc VN cần xây dựng phong trào tăng NSLĐ giống như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đã từng thực hiện trong giai đoạn trước đây.

Theo Phong Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM