Năng suất lao động: Nông nghiệp chưa bằng 1/10 Malaysia, nửa Thái Lan, công nghiệp dịch vụ chưa xứng tầm động lực tăng trưởng

14/08/2019 09:16 AM | Xã hội

Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ mang tính bứt phá thì mục tiêu tăng năng suất lao động ngành công nghiệp 5,5%/năm giai đoạn 2016-2020 khó hoàn thành.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành khai khoáng là ngành có năng suất lao động (NSLĐ) cao nhất, do đây là ngành có tính đặc thù, giá trị sản phẩm khai khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước nóng, khí đốt; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Các ngành xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú ăn uống nhìn chung NSLĐ thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế.

Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đây là khu vực có tốc độ tăng NSLĐ bình quân cao nhất với 5,2%/năm giai đoạn 2011-2018, cao hơn tốc độ tăng bình quân của khu vực công nghiệp và xây dựng (3%/năm) và khu vực dịch vụ (3,1%/năm).

Năng suất lao động: Nông nghiệp chưa bằng 1/10 Malaysia, nửa Thái Lan, công nghiệp dịch vụ chưa xứng tầm động lực tăng trưởng - Ảnh 1.

Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế, đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu VND/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ. Trong các nước ASEAN, NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Ma-lai-xi-a gấp 11,9 lần mức NSLĐ của Việt Nam; In-đô-nê-xi-a gấp 2,4 lần; Thái Lan gấp 2,1 lần và Phi-li-pin gấp 1,8 lần.

Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế về quy mô nhưng NSLĐ của khu vực này chưa thể hiện rõ vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng nhanh.

Năm 2018, NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng theo giá hiện hành đạt 131 triệu VND/lao động, gấp 1,3 lần NSLĐ chung, tăng 47,4 triệu VND/lao động so với năm 2011, trong đó NSLĐ ngành công nghiệp đạt 154,1 triệu nếu không có những thay đổi mạnh mẽ mang tính bứt phá thì mục tiêu tăng NSLĐ ngành công nghiệp 5,5%/năm giai đoạn 2016-2020 khó hoàn thành.

Ngành xây dựng hiện nay có NSLĐ khá thấp, năm 2018 NSLĐ ngành này chỉ tăng 2,88%; bình quân giai đoạn 2011-2018 tăng 2,63%/năm, chỉ đạt 75,7 triệu VND/lao động, bằng 74,1% mức NSLĐ chung.

Khu vực dịch vụ có mức NSLĐ theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 118,1 triệu VND/lao động, gấp 1,2 lần NSLĐ chung. NSLĐ khu vực dịch vụ năm 2018 tăng thấp nhất kể từ năm 2013 trở về đây với 1,47% so với năm trước, tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 3,1%/năm.

Trong khu vực dịch vụ, ngành bán buôn, bán lẻ và ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống là những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực này nhưng có mức NSLĐ lần lượt là 82,3 triệu VND/lao động và 76,1 triệu VND/lao động, chỉ bằng 80,5% và 74,4% mức NSLĐ chung của nền kinh tế và ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.

Nhìn chung, NSLĐ khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ lớn hơn nhiều lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng do tốc độ tăng NSLĐ thấp hơn nên khoảng cách về NSLĐ giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với hai khu vực này ngày càng được thu hẹp. Điều này còn cho thấy các ngành công nghiệp và dịch vụ chưa được như kỳ vọng là những ngành kinh tế chủ chốt, động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM