Năng nổ kiếm tiền ở ngôi làng ế vợ: Chỉ cần giúp đàn ông U40 kết hôn thành công, bà mối sẽ được trả công hậu hĩnh

31/01/2024 14:20 PM | Sống

Mong muốn các đấng mày râu U40 sớm cảnh thoát ế, chính quyền địa phương đã quyết định treo thưởng lớn cho các bà mối nếu giúp các cặp đôi kết hôn thành công.

Nhiều ngôi làng ở Trung Quốc đang trao thưởng tiền mặt và các ưu đãi khác cho người mai mối, một nghề cổ xưa hiện đang trở lại nổi bật trong bối cảnh lo ngại về đàn ông nông thôn lớn tuổi vẫn ế vợ.

Cụ thể, chính quyền địa phương trên khắp đất nước, từ tỉnh Quảng Đông ở phía nam đến Thiểm Tây ở phía tây bắc, đã công bố phần thưởng từ 600 đến 1.000 nhân dân tệ (84 đến 140 đô la Mỹ, ) cho người mai mối nếu họ giới thiệu phụ nữ cho những người đàn ông chưa lập gia đình từ 30 tuổi trở lên và cặp đôi này sẽ đi đến kết hôn, trang tin The Paper đưa tin.

Theo báo cáo, hầu hết các "thương vụ" sẽ bắt đầu vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm nay.

Kiếm tiền dễ mà khó ở ngôi làng ế vợ: Chỉ cần giúp đàn ông U40 có thể kết hôn thành công, bà mối sẽ được trả công hậu hĩnh - Ảnh 1.

Nghề làm mối cho các cặp đôi bỗng phát triển mạnh mẽ khi các địa phương muốn nhanh chóng gả chồng cho các cô gái

Điển hình như hội đồng thôn Hướng Gia Trang, thuộc tỉnh Thiểm Tây, cam kết từ ngày 1/1 thưởng khoảng 140 USD cho người mai mối thành công trong thôn. Thôn có khoảng 270 hộ gia đình và hơn 40 nam giới trong độ tuổi 25-40 chưa kết hôn.

Theo khảo sát dân số vào năm 2020, Trung Quốc có khoảng 722 triệu nam giới và 690 triệu nữ giới. Tình trạng cấu trúc dân số mất cân bằng giới nghiêm trọng một phần do chính sách một con kéo dài hơn ba thập kỷ (năm 1980-2015), khi truyền thống văn hóa ở Trung Quốc tạo ra áp lực sinh con trai.

Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) của Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ mất cân bằng giới trong dân số nông thôn vào năm 2021 ở mức 108 nam với mỗi 100 nữ giới. Với tỷ lệ này, giới chức Trung Quốc ước tính khoảng 30 triệu nam giới trên toàn quốc đang sống độc thân, dẫn đến những lo ngại về tác động xã hội và phát triển kinh tế.

Quốc hội Trung Quốc và cơ quan tham vấn chính sách các cấp đã đề xuất một số biện pháp thúc đẩy kết hôn ở các vùng nông thôn, trong đó có khích lệ hiện kim. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng tiền không phải giải pháp then chốt để giải quyết "cuộc khủng hoảng ế vợ" ở thôn quê.

Kiếm tiền dễ mà khó ở ngôi làng ế vợ: Chỉ cần giúp đàn ông U40 có thể kết hôn thành công, bà mối sẽ được trả công hậu hĩnh - Ảnh 2.

Ước tính khoảng 30 triệu nam giới tại Trung Quốc đang sống độc thân

"Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ đang kéo theo tỷ lệ kết hôn thấp. Nam giới trẻ tuổi không có đủ thu nhập để nuôi gia đình thì làm sao dám nghĩ đến chuyện kết hôn", Dị Phú Hiền, chuyên gia về nhân khẩu học Trung Quốc đang làm việc tại Đại học Wisconsin - Madison, Mỹ, nhận định.

Ông lưu ý những biện pháp khích lệ hiện kim còn có thể tăng gánh nặng ngân sách do tình trạng nợ công ở cấp chính quyền địa phương. "Khích lệ tăng tỷ lệ sinh con còn là công việc khó khăn cho giới chức địa phương, chứ chưa bàn đến khích lệ kết hôn", ông Dị nhận định.

Trung Quốc ghi nhận năm thứ hai liên tiếp dân số suy giảm trong hơn 60 năm qua. NBS thống kê dân số Trung Quốc cuối năm 2023 là 1,409 tỷ người, giảm khoảng hai triệu so với mốc 1,41175 tỷ người cuối năm 2022. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm qua cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1949, ở mức 6,39 trẻ em trên 1.000 dân, so với mốc 6,77 năm 2022.

Yang Zi (gần 30 tuổi), một công dân nhập cư đến từ miền trung Trung Quốc, hiện đang làm việc cho một tiệm tóc cho biết: "Tôi nghĩ ngay cả phụ nữ trẻ ở nông thôn cũng không quan tâm đến việc kết hôn bất chấp chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con từ chính quyền".

Kiếm tiền dễ mà khó ở ngôi làng ế vợ: Chỉ cần giúp đàn ông U40 có thể kết hôn thành công, bà mối sẽ được trả công hậu hĩnh - Ảnh 3.

Phụ nữ Trung Quốc không muốn kết hôn với thanh niên nông thôn

"Tôi muốn sống ở một khu vực giàu có và phát triển. Một thanh niên nông thôn không thể mang lại lối sống như tôi mong muốn", Yang Zi nói thêm.

Nhìn chung, phụ nữ thuộc thế hệ Z ở Trung Quốc không sẵn sàng kết hôn hơn so với nam giới cùng lứa. Theo một cuộc khảo sát của Đoàn Thanh niên Cộng sản năm 2021 với 2.905 thanh niên thành thị chưa kết hôn từ 18 đến 26 tuổi, 43,9% phụ nữ cho biết họ không muốn kết hôn hoặc không chắc chắn về hôn nhân, trong khi chỉ có 24,6% nam giới có phản ứng tương tự.

Thế hệ Z của Trung Quốc có sự mất cân bằng tỷ lệ giới tính lớn nhất so với mọi lứa tuổi, với số nam nhiều hơn nữ 18,27 triệu người.

Theo SCMP

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM