Nạn nhân của Alibaba lên tiếng

05/07/2019 13:16 PM | Xã hội

Mới đây, ông Phùng Tiến Tài, một khách hàng tham gia mua đất ở Công ty CP Địa ốc Alibaba, cho biết đã đầu tư 1 lô đất LK5 ô 17 thuộc dự án Long Phước 5 của Alibaba vào cuối năm 2018 nhưng không được giao đúng mảnh đất cam kết.

Ông Phùng Tiến Tài trình bày: Sau khi nhận tiền, đến ngày hứa hẹn công ty không giao nền đất nên ông đến để nhận tiền lãi chậm bàn giao nền. "Lúc này công ty thông báo dừng trả lãi vì đang hoàn tất thủ tục bàn giao nền đất và yêu cầu tôi làm đơn xin nhận bàn giao đất nền gửi đến phòng quản lý đất đai và cơ sở hạ tầng" - ông Tài bức xúc.

Tuy nhiên, đến 7 tháng sau (5/6) ông làm đơn xin nhận nền thì được nhân viên dẫn xuống hiện trường chỉ một thửa đất trên cánh đồng trống, không có cơ sở hạ tầng như công ty đã cam kết, chỉ cắm tạm bợ 4 trụ đá làm ranh giới.

Ông Tài cho rằng công ty đã không thực hiện đúng cam kết là bàn giao đất đã có hạ tầng; công ty đã xâm phạm quyền lợi là không trả lãi do chậm bàn giao nền. Đồng thời, quy trình bàn giao đất nền của Alibaba không minh bạch về mặt pháp lý vì không cho khách hàng biết số tờ bản đồ, số thửa hay tọa độ của lô đất... "Việc bàn giao nền như vậy khiến tôi có quyền nghi ngờ công ty đang cùng lúc chuyển nhượng một nền đất cho nhiều người hoặc sau này có thể bàn giao một lô đất khác không đúng với vị trí thỏa thuận ban đầu giữa công ty và khách hàng, gây tranh chấp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng" - ông Tài nói.

Ngay thời điểm này, nhân viên kinh doanh của Alibaba tiếp tục chào mời khách hàng mua dự án mới tại Bình Thuận và Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhưng tất cả hầu như chào bằng cách... chỉ gửi hình.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản, cho rằng nhà đầu tư khi tham gia vào góp vốn tại Công ty Alibaba phải hiểu rõ 2 vấn đề: Thứ nhất, tham gia góp vốn để nhận lấy một sản phẩm hình thành trong tương lai chứ chưa phải sản phẩm có sẵn. Có thể ví von là đang góp tiền mua đường, đậu để "nấu chè" chứ chưa phải là góp tiền "mua chè".

Thứ hai là việc đầu tư góp vốn mua sản phẩm bất động sản này là để mua bất động sản hình thành trong tương lai nhưng để đến được giai đoạn có sản phẩm như đã thỏa thuận thì rất là nhiêu khê, mất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục. Alibaba chủ yếu áp dụng các thỏa thuận theo Bộ Luật Dân sự vì vậy hậu quả để lại sẽ rất lớn nếu Alibaba không có khả năng trả lãi hoặc không có đất để giao như thỏa thuận trong hợp đồng. Nhà đầu tư khi đó có khả năng mất tiền hoặc phải kiện tụng tranh chấp rất vất vả.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng Luật Giải Phóng, các giao dịch của Alibaba được điều chỉnh bằng hợp đồng trên cơ sở tự nguyện giao kết của khách hàng. Theo hợp đồng này, với lợi tức mang lại cho khách hàng rất cao nên người dân bất chấp các thông tin cảnh báo, lao vào giao dịch như con thiêu thân. Lãi suất mà Alibaba quảng cáo là phi thực tế, khó ngành kinh doanh bán lẻ nào mà đạt tỉ suất lợi nhuận hơn cả 38%/năm. Nếu kiểm toán số liệu tài chính của Alibaba sẽ cho thấy sự bất hợp lý khi đưa ra mức cam kết lãi suất này.

Để duy trì khả năng thanh toán, chỉ còn cách công ty này phải liên tục huy động vốn, lấy của người sau trả cho người trước, tương tự như mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng. Với mô hình này, đến một thời điểm nào đó, Alibaba không huy động được tiền của khách hàng nữa thì sẽ mất cân đối tài chính, khi đó chính khách hàng sẽ là người bị thiệt hại. Một loạt hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật như trên nếu không thể xử lý thì người dân sẽ tiếp tục bị lợi dụng.

THEO SƠN NHUNG

Cùng chuyên mục
XEM