Nắm vững những 'bí kíp' làm ma mới sau nếu bạn đang có ý định ra tết nhảy việc

13/01/2017 15:59 PM | Xã hội

Có một ranh giới rõ ràng giữa việc là một nhân viên chăm chỉ và một nhân viên để lợi dụng. Sau đây là những điều bạn nên làm khi là một nhân viên mới.

Năm hết tết đến không ai tính đến chuyện nhảy việc vì còn mong chờ lương thưởng cho một năm phấn đấu. Thế nhưng bước sang năm mới khá nhiều người muốn bắt đầu một công việc mới. Là nhân viên mới, bạn sẽ cần lưu ý một vài điều khi bắt đầu tại môi trường mới.

Khiêm tốn

Đừng tiếp cận sếp với ý nghĩ bạn được quyền làm như vậy, dù họ là người chịu trách nhiệm thúc đẩy nghề nghiệp của bạn. Thay vào đó, tập trung vào việc tìm hiểu bạn có thể làm gì để khiến công việc của nhóm dễ dàng hơn, đóng góp vào mục tiêu của công ty, tạo hình ảnh tốt đẹp cho sếp bạn trong mắt cấp trên.

Thực tế

Nhớ rằng sếp bạn cũng là con người và họ có thể mắc sai lầm. Họ không cố ý gây khó dễ cho cuộc sống của bạn. Hai người làm việc trong cùng một nhóm, vì vậy đừng quá nhạy cảm hay phê phán. Lắng nghe mà không phán xét, cố gắng hết sức để hiểu vị trí của sếp bạn, và kiên nhẫn giải thích ý kiến của bạn. Nếu chưa rõ điều gì, hãy yêu cầu giải thích lại thay vì mong đợi sếp đọc được ý nghĩ của mình.

Tôn trọng thời gian của sếp

Xuất hiện ở văn phòng của sếp với một bản danh sách những nhiệm vụ bạn cần thực hiện, đừng dành quá nhiều thời gian vào một vấn đề cụ thể. Sếp sẽ muốn gặp bạn nếu họ thấy bạn nhanh nhẹn mỗi khi ra vào phòng làm việc của họ.

Tự giải quyết

Chỉ hỏi ý kiến sếp về một vấn đề sau khi bạn đã tự tìm mọi cách để giải quyết. Trước khi gặp sếp, hãy chuẩn bị một giải pháp khả thi cùng với sự giúp đỡ của sếp. Sáng suốt lựa chọn vấn đề tranh luận, quyết định cẩn thận về việc đặt ra vấn đề này với sếp hoặc bỏ qua nó.

Thân thiện

Nếu sếp bày tỏ ý kiến về một vấn đề chính trị nhạy cảm hoặc đưa ra lời khuyên về cuộc sống riêng tư của bạn, hãy gật đầu và mỉm cười. Bạn không đồng ý, nhưng cũng không cần phản đối. Luôn luôn bảo vệ cảm xúc của sếp. Nếu có thể, hãy nhận xét tích cực về chiếc cà vạt hay bài thuyết trình của sếp. Giúp đỡ sếp trong những việc cá nhân của họ, và đảm bảo bạn làm điều đó thật chân thành. Nếu sếp không phải là người bạn muốn kết bạn, hãy chỉ chú ý tới những tính cách mà bạn thích ở sếp, và cố gắng hết sức để thiết lập mối quan hệ tích cực trong công việc.

Là một nhân viên hiệu quả

Khi sếp yêu cầu bạn làm việc nào đó, hãy giúp đỡ họ nếu có thể. Bạn không bao giờ nên nói: "Tôi không có thời gian." Nếu biết cần thực hiện một việc gì đó, hãy làm mà không cần đợi chỉ bảo. Nếu sếp bạn cần sự giúp đỡ trong một buổi họp nhóm, hãy là người đầu tiên xung phong. Sếp bạn sẽ nhanh chóng coi bạn là một tài sản quý giá đối với cả nhóm và là một người họ có thể tin tưởng. 

Tuy nhiên, bạn phải thiết lập giới hạn hợp lý với sếp mới. Có một ranh giới rõ ràng giữa việc là một nhân viên chăm chỉ và một nhân viên để lợi dụng. Nếu việc gì bạn cũng nhận làm thì chẳng mấy chốc, bạn sẽ lãng phí quá nhiều thời gian vào những việc ngớ ngẩn thay vì làm những công việc thực sự của mình. Bạn cũng đừng áp đặt cho mình những tiêu chuẩn công việc bạn không thể đạt được.

Tìm hiểu đồng nghiệp − những người cùng chịu sự quản lý của sếp bạn

Nhờ đó, bạn có thể nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu, sở thích và kỳ vọng của sếp. Hãy cẩn thận khi đặt câu hỏi về sếp. Ngoài ra, nhờ một đồng nghiệp chỉ dẫn những yêu cầu trong bộ phận của bạn. Sử dụng những thông tin này để giới thiệu bản thân và giải thích trách nhiệm của bạn trong công ty cho sếp của sếp và những nhà quản lý khác mà bạn sẽ phải làm việc cùng. Thiết lập quan hệ thân thiết với những người có chức vụ cao sẽ tạo ra hiệu quả kép trong việc tạo dựng hình ảnh đẹp cho sếp bạn và củng cố vị trí của bạn trong công ty.

Tìm hiểu môi trường làm việc/hoàn cảnh đồng nghiệp

Nếu muốn thực sự làm tốt công việc của mình, bạn nên kết bạn với các đồng nghiệp. Đồng nghiệp có thể cùng bạn đi ăn uống hoặc cùng tới phòng tập thể dục. Họ có thể giúp đỡ bạn trong một dự án hoặc trao đổi về chính sách mới của công ty. Tình bạn trong công việc khiến thế giới doanh nghiệp trở nên dễ chịu hơn và bạn đừng nên làm việc mà không có bạn đồng nghiệp.

Thời gian lý tưởng để tìm kiếm tình bạn nơi công sở là lúc bắt đầu một công việc mới. Khi sếp giới thiệu bạn với các thành viên khác trong nhóm, hãy chú ý tới những người trông có vẻ thân thiện ở cùng độ tuổi với bạn và tận dụng lời đề nghị giúp đỡ của họ. Nếu ai đó nhờ bạn pha cà phê, hãy vui vẻ thực hiện. Bạn cũng nên tránh việc chỉ gắn bó với một đồng nghiệp hay một nhóm. Trong tháng làm việc đầu tiên, bạn nên biết càng nhiều người càng tốt.


Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM