Nam giới Nhật đừng mơ khởi nghiệp nếu không thể vượt qua thử thách mang tên "vợ cản", "cha mẹ cấm"

04/07/2016 09:20 AM | Kinh doanh

Tại Nhật Bản, nam giới – những người đang ấp ủ ước mở trở thành doanh nhân phải đối mặt với một thách thức khác mang tên “vợ cản”, “cha mẹ ngăn cấm”.

Bất kỳ ai là doanh nhân đều phải đối mặt với rất nhiều thử thách như thuyết phục nhà đầu tư tin rằng doanh nghiệp của họ ổn và xứng đáng được nhận những khoản tiền vốn khổng lồ hay thực hiện những bước cần thiết để biến những ý tưởng lớn của họ thành hiện thực.

Tuy nhiên tại Nhật Bản, nam giới – những người đang ấp ủ ước mở trở thành doanh nhân còn phải đối mặt thêm một thách thức khác mang tên “vợ cản”, “cha mẹ ngăn cấm”.

Ý tưởng trở thành doanh nhân hoàn toàn được coi là kỳ lạ bởi sự tồn tại của “giấc mở Nhật Bản” - ý tưởng về một công việc lâu dài, ổn định suốt cuộc đời tại những công ty lớn.

Vì vậy, nếu một người đàn ông Nhật Bản nào đó có ý định tự khởi nghiệp kinh doanh và theo đuổi những ý tưởng lớn thì một điều không thể tránh khỏi là họ sẽ gặp phải sự ngăn cản từ người vợ hoặc cha mẹ của họ.

“Tại Mỹ, trẻ con có thể làm nước chanh và kiếm tiền, vì vậy chúng được trải nghiệm tinh thần doanh nhân ngay từ nhỏ. Tuy nhiên ở Nhật Bản, chúng tôi không có những mô hình mẫu hay có hiểu biết về startup nên mọi người không đủ tự tin để khởi nghiệp kinh doanh”, theo Yoshiaki Ishii – một nhân viên tại bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản nói.

Nếu để ý sẽ thấy, ở Nhật Bản không có thung lũng Silicon, cũng không có, hoặc rất ít những người như Mark Zuckerberg. Hầu hết những sáng chế vĩ đại của Nhật Bản như máy nghe nhạc Walkman hay Game Boy đều đến từ những nhân viên lão luyện của những tập đoàn lớn như Sony hay Nintendo.

Tuy nhiên, theo thời gian, môi trường cho doanh nhân tại xứ sở mặt trời mọc đang dần dần được cải thiện.

“Dù chậm nhưng văn hóa rõ ràng đang thay đổi”, theo Allan Watanabe – người khởi nghiệp công ty Fileable – một hệ thống lưu trữ dữ liệu chia sẻ.

Đây là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Nhật Bản vốn đang đình trệ trong suốt hơn 2 thập kỷ qua. Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện rất nhiều nỗ lực để kéo Nhật Bản ra khỏi khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và người tiêu dùng vẫn rất thận trọng trong chi tiêu.

Thúc đẩy tinh thần doanh nhân cũng chính là một phần trong chiến lược “Abenomics” để thay đổi tình trạng này của ông Abe thông qua các chiến dịch quảng bá quỹ đầu tư mạo hiểm và vườn ươm khởi nghiệp.

Dẫu vậy, khởi nghiệp vẫn là một phạm trù khá mới lạ ở Nhật Bản.

Cuộc khảo sát của Global Entrpreneuship Monitor đã đưa ra kết luận rằng, kể từ khi bắt đầu tiến hành khảo sát từ năm 1999, liên tiếp trong nhiều năm liền, hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản luôn đứng ở vị trí thấp. Trong lần đánh giá mới đây nhất, Nhật Bản chỉ đứng trên đất nước nhỏ bé thuộc Nam Mỹ là Suriname.

Có nhiều yếu tố dẫn đến việc này:

Thứ nhất: Tác động văn hóa, lấy ví dụ là việc “vợ cản”, “cha mẹ ngăn cấm”.

Thứ 2: Thiếu các mô hình kiểu mẫu. Vẫn có những người như Hiroshi Mikitani – nhà sáng lập của Rakuten – một hãng bán lẻ khổng lồ hay Masayoshi Son – người khởi nghiệp với Softbank – hãng viễn thông lớn nhất Nhật Bản.

Tuy nhiên, điều vẫn ám ảnh tâm trí của nhiều nam giới Nhật Bản đã, đang và muốn làm doanh nhân là cảm giác sợ hãi. Thay vì những câu chuyện khởi nghiệp thành công, người ta truyền tai nhau về thất bại của những người như Takafumi Horie – nhà sáng lập Livedoor Internet - một công ty khởi nghiệp đã phá sản vào năm 2006.

Thứ 3: Sợ rủi ro. Những hình mẫu về quỹ đầu tư mạo hiểm hay nhà đầu tư thiên thần mới chỉ vừa mới "thành hình" tại Nhật Bản. Đa phần các nhà đầu tư tiềm năng vẫn chỉ muốn rót vốn vào những công ty chắc chắn thành công. Ngoài ra, các ngân hàng Nhật Bản cũng rất thận trọng trước khi cho các công ty khởi nghiệp vay tiền.

Đó là chưa kể việc đăng ký một công ty mới ở Nhật Bản vẫn liên quan tới rất nhiều bên, nhiều thủ tục và phải qua rất nhiều phòng, ban khác nhau.

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng người Nhật Bản đang đồng thuận rằng đất nước của họ cần những ý tưởng mới, bất kể là thành lập công ty mới hay những cải tiến xuất phát từ những công ty cũ.

“Nhật Bản từng là quốc gia của những doanh nhân. Hiện những công ty lớn tin rằng họ không thể sống sót mà không có sáng tạo, cải tiến”, theo Shigeo Kagami – người đang phụ trách việc dạy về tinh thần doanh nhân tại Đại học Tokyo.

Tomohiro Hagiwara - Nhà sáng lập của Aquabit:

“Trong 2 năm qua, sự thay đổi diễn ra khá mạnh. Những tập đoàn lớn hiện rất quan trọng vấn đề cải tiến, thay đổi chính họ. Họ muốn có những sản phẩm độc đáo từ các công ty khởi nghiệp và trường học”.

Một số doanh nhân cũng thừa nhận hiện tại họ đang gặp phải ít trở ngại hơn.

“Hiện nay, Nhật Bản đã có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hơn”, theo Tomohiro Hagiwara – nhà sáng lập Aquabit Spiral – một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. “Môi trường đang thay đổi mỗi ngày – chúng tôi có nhiều nơi để gõ cửa xin đầu tư hơn và tinh thần doanh nhân cũng đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết”.

Khi một nhóm các học sinh tốt nghiệp từ trường Đại học Keio bắt đầu quảng bá cho ý tưởng của mình về việc làm sợi tơ nhện nhân tạo, “mọi người đã cười và hỏi những đứa trẻ này là ai vậy?”, theo the Kenji Higashi – CEO 34 tuổi của Spiber.

“Tại thung lũng Silicon, có một hệ thống và rất nhiều nhà đầu tư luôn sẵn sàng đầu tư mạnh tay cho những điều mới mẻ”, theo Higashi – người đã từ bỏ công việc tại Accenture – một công ty tư vấn để gia nhập công ty khởi nghiệp của một người bạn cùng lớp.

Tuy nhiên, nhờ "những đứa trẻ" như Kenji Higashi mà những sợi tơ nhện tổng hợp được tạo ra, sử dụng làm quần áo, các bộ phận của ô tô và thiết bị y tế.

Hiện công ty này đã huy động được 130 triệu USD và có 150 nhân viên, tất cả cùng làm việc trong tòa nhà mới tại Yamagata – bờ biển phía tây bắc Nhật Bản. Họ cũng đang tiến hành thỏa thuận với North Face và sẽ bắt đầu sản xuất những chiếc áo khoác bằng sợi tơ nhện tổng hợp vào cuối năm nay.

Mặc dù khá miễn cưỡng, nhưng các ngân hàng cũng đang dần dần sẵn sàng hơn trong việc giúp đỡ các công ty vay vốn và thậm chí một vài nhà đầu tư thiên thần đã xuất hiện. Tuy nhiên, môi trường tài chính vẫn chưa hoàn toàn thuận lợi đối với các startup.

Sẽ là hết sức bình thường khi những nhà đầu tư thận trọng luôn yêu cầu những bản kế hoạch kinh doanh dài hạn lên tới 5 năm trước khi họ rót vốn đầu tư vào bất cứ công ty nào. Chỉ có điều, những người này đã bắt đầu cởi mở hơn.

Tuy nhiên vấn đề lớn nhất vẫn là thiếu sự hỗ trợ.

Theo Watanabe - 40 tuổi - người đang điều hành doanh nghiệp mang tên Pipeline nhằm giúp các công ty nước ngoài đặt chân vào thị trường Nhật Bản nói rằng: “Tại thung lũng Silicon, mọi người có thể khởi nghiệp từ các quán cà phê và tham gia nhiều sự kiện kết nối. Tuy nhiên ở Nhật Bản, bạn phải tự tìm cách làm mọi thứ. Có một vài vườn ươm khởi nghiệp nhưng vẫn mang tính hình thức”.

Thậm chí với Hagiwara 47 tuổi - người đã có kinh nghiệm làm việc lâu lăm trước khi khởi nghiệp công ty Aquabit Spirals của riêng mình vẫn thừa nhận cần sự trợ giúp và anh quyết định tham gia một vài khóa đào tạo.

Trước thực trạng như vậy, những người đã, đang và muốn làm doanh nhân tại Nhật Bản phải tìm cách tự hỗ trợ mình. Watanabe mở một nhóm Facebook cho các doanh nhân đang ôm mộng khởi nghiệp - một hình thức dân giã hơn để tìm kiếm ý tưởng mới và trao đổi kinh nghiệm cùng nhau.

Một số doanh nhân thành công thì sẵn sàng giúp đỡ lớp non trẻ đi sau.

“Chúng tôi muốn trở thành những người đóng vai trò là hình mẫu. Thật tuyệt vời khi dám chấp nhận rủi ro và thử sức với những điều mới mẻ để cải tiến công nghệ. Nếu có thể trở thành hình mẫu để khích lệ tinh thần người khác, điều đó thật tuyệt vời”, theo Higashi – Tổng giám đốc của Spiber.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM