Năm 2020, Trung Quốc sẽ chấm điểm 1,3 tỷ công dân kể cả người nước ngoài, chơi game quá nhiều cũng bị hạ điểm uy tín!

04/12/2018 10:21 AM | Công nghệ

Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội sẽ giúp đất nước tỷ dân khôi phục lòng tin và duy trì những luật lệ cơ bản.

Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch có thể tác động đến hành vi của 1,3 tỷ công dân nước này: Phân loại con người dựa trên nhiều khía cạnh của cuộc sống để phản ánh mức độ tốt (xấu) của họ, từ đó Nhà nước sẽ có chính sách đối xử phù hợp.

Phiên bản đầu tiên của "hệ thống tín nhiệm xã hội" đã được thử nghiệm ở một số thành phố với mục đích tạo tiền đề cho mạng lưới bao trùm toàn bộ quốc gia. Những người phản đối cho rằng đây là cách quản lý không thỏa đáng trong khi người ủng hộ lại phản biện rằng điều này sẽ giúp tạo ra một xã hội văn minh và tuân thủ pháp luật hơn. Chính phủ của đất nước tỷ dân đã đưa ra cảnh báo: "Những người vi phạm pháp luật và có điểm tín nhiệm thấp sẽ phải trả giá đắt".

Điều này có thật không?

Có. Năm 2014, nội các Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng hế thống tín nhiệm xã hội trên toàn quốc vào năm 2020. Thử nghiệm ở một số địa phương trên 6% dân số đã trao thưởng cho những công dân tốt và trừng phạt những người có hành vi xấu. Thủ đô Bắc Kinh sẽ áp dụng chương trình này vào cuối năm 2020.

Từ năm 2015, một mạng lưới tập hợp thông tin chính quyền trung ương và địa phương đã được sử dụng để đưa hàng triệu người vào danh sách đen không được đặt vé máy bay và tàu cao tốc – một phần liên quan đến chương trình đánh giá tín nhiệm xã hội.

Tại sao Trung Quốc thực hiện kế hoạch này?

Tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch này là "Giữ được lòng tin là vinh quang còn phá vỡ nó là điều đáng hổ thẹn". Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã phải đối mặt với không ít vấn đề nghiêm trọng như tham nhũng tràn lan, gian lận tài chính và các vụ bê bối liên quan đến thực phẩm. Hệ thống tín nhiệm xã hội được xây dựng như một nỗ lực để nâng cao tiêu chuẩn, khôi phục lòng tin và duy trì những luật lệ cơ bản hay bị vi phạm.

Mọi người được chấm điểm như thế nào?

Điều đó thay đổi phụ thuộc vào mỗi địa phương. Ví dụ như tại một thành phố ở phía đông Hàng Châu, các hoạt động "ủng hộ xã hội" bao gồm làm tình nguyện và hiến máu. Trong khi đó, vi phạm luật giao thông sẽ làm giảm điểm uy tín của một cá nhân.

Còn ở Chu San, một hòn đảo gần Thượng Hải, những việc không nên làm bao gồm sử dụng điện thoại di động hoặc hút thuốc trong khi lái xe, phá hoại, gây ồn ào ở nơi công cộng… Bên cạnh đó, việc dành quá nhiều thời gian chơi game hoặc tung tin đồn không có căn cứ cũng được coi là yếu tố gây giảm điểm tín nhiệm.

Điều gì xảy ra khi một người có điểm uy tín thấp?

Họ có thể bị từ chối các dịch vụ cơ bản hoặc bị cấm vay tiền. Ở Nghĩa Ô, một công dân có điểm tín nhiệm xã hội thấp sẽ không thể ở trong các khách sạn cao cấp, mua xe hơi sang trọng, mua bất động sản hoặc thậm chí là cho con học ở trường tư. Theo chỉ thị của chính phủ năm 2016, những người "phá vỡ lòng tin" sẽ đối mặt với không ít hạn chế về việc làm và tài chính.

Có thể khiếu nại không?

Công dân Nghĩa Ô có 15 ngày để khiếu nại về tín nhiệm xã hội do chính quyền đưa ra, theo nguyên tắc thành phố. Dù vậy, Tổ chức theo dõi Nhân quyền cho biết không phải lúc nào người dân cũng nhận thức được rằng họ đã bị đưa vào danh sách đen và việc sửa đổi không hề đơn giản.

Quy tắc có áp dụng với người nước ngoài không?

Đối với chương trình thí điểm ở Nghĩa Ô, người nước ngoài cũng là đối tượng chấm điểm tín nhiệm. Điểm tín nhiệm thấp dẫn đến việc không được cấp hoặc gia hạn visa và giấy phép cư trú. Những người có điểm uy tín cao sẽ được hưởng một số quyền lợi như vay ưu đãi và visa nhập cảnh nhiều lần.

Công nghệ đóng vai trò như thế nào?

Những tiến bộ lớn về dữ liệu đã giúp đơn giản hóa nhiệm vụ thu thập cơ sở dữ liệu khổng lồ của công dân. "Nền tảng chia sẻ thông tin tín nhiệm quốc gia" sử dụng để đưa tên hành khách vào danh sách đen tập hợp thông tin từ các chính quyền trung ương và địa phương. Các cơ quan đang nghiên cứu cách áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định xem người tham gia giao thông có vượt đèn đỏ hay không.

Công nghệ tương tự cũng được triển khai ở Tân Cương. Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội chính là nỗ lực nổi bật nhất của chính phủ nhằm tăng cường các quy trình pháp lý, quy định và chính sách thông qua sự phát triển của công nghệ thông tin.

Phản ứng đối với hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội ra sao?

Các nhóm nhân quyền coi đây là một động thái không thỏa đáng tại một đất nước vốn bị kiểm duyệt truyền thông và mạng internet chặt chẽ như Trung Quốc. Một số người khác cho rằng đây là một công cụ đánh giá tương đối thô lỗ nhưng có thể thay đổi trong tương lai để phù hợp hơn.

Gia Vũ

Từ khóa:  trung quốc
Cùng chuyên mục
XEM