Năm 2018 Trung Quốc đã vỡ nợ kỷ lục nhưng năm 2019 con số được dự báo sẽ tăng gấp 3!

09/05/2019 15:30 PM | Xã hội

Thị trường trái phiếu 13 nghìn tỷ USD của Trung Quốc sẽ đối mặt với một năm có tốc độ vỡ nợ "kinh hoàng" nhất từ trước tới nay, càng thể hiện rõ những "tàn dư" của chiến dịch kiềm chế đòn bẩy mà chính phủ nước này triển khai.

Theo Bloomberg, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng vỡ nợ trái phiếu 39,2 tỷ NDT (5,8 tỷ USD) chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ vỡ nợ cũng tăng gấp 3 lần so với năm 2016, khi các vụ vỡ nợ chủ yếu xảy ra trong nửa đầu năm, khác với năm 2018. Xu hướng này thể hiện rõ rằng: nếu không có gì thay đổi, thì quy mô vỡ nợ sẽ chạm mức kỷ lục vào năm 2019 .

Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các ngân hàng mở rộng tín dụng cho khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ. Động thái này mới được đưa ra hôm thứ Hai, khi ngân hàng trung ương quyết định nới lỏng một số quy định về dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, chính quyền ông Tập Cận Bình cũng tập trung xử lý hệ thống tín dụng đen - nơi xảy ra những quyết định tín dụng không được kiểm soát chặt và đòn bẩy không bền vững dễ xuất hiện.

Động thái thắt chặt cho vay giải thích sự gia tăng số vụ vỡ nợ bắt đầu tăng mạnh vào cuối năm 2017 và vẫn tiếp tục cho tới nay. Ngược lại, 2016 lại là một câu chuyện khác, Trung Quốc chủ yếu thu hẹp công suất công nghiệp dư thừa, vốn là yếu tố gây ảnh hưởng lan truyền trong thị trường tín dụng.

Năm 2018 Trung Quốc đã vỡ nợ kỷ lục nhưng năm 2019 con số được dự báo sẽ tăng gấp 3! - Ảnh 1.

Nhà phân tích Nino Siu từ Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody nhận định: "Kỳ hạn trái phiếu ngắn đồng nghĩa với việc các công ty cần tái huy động vốn thường xuyên" và những công ty "mong manh" có thể sẽ gặp phải trở ngại. Bà phân tích thêm: "Các ngân hàng đang miễn cưỡng cung cấp khoản vay cho các công ty yếu về tài chính. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng "ngầm", nơi các công ty yếu thế dựa dẫm, sẽ tiếp tục bị giám sát gắt gao khi chính phủ Trung Quốc thắt chặt quy định."

Dưới đây là 5 công ty chứng kiến tình trạng vỡ nợ khủng khiếp nhất trong năm nay, theo Bloomberg.

Bất động sản và thủ công mỹ nghệ

Neoglory Holding Group là công ty chính của một tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực từ đầu tư bất động sản cho tới bán lẻ. Là 1 trong 3 công ty tư nhân lớn có trụ sở tại Chiết Giang, Neoglory đã không thể thanh toán khoản nợ trái phiếu 7 tỷ NDT vào năm nay, theo dữ liệu của Bloomberg.

Dù chính quyền một số địa phương, cùng với cơ quan quốc gia, đã vào cuộc để hỗ trợ các tập đoàn đang gặp khó khăn, nhưng vẫn bất lực trước tình trạng của Neoglory. Sau nhiều năm phát triển nhờ sử dụng đòn bẩy lớn, công ty mẹ và 3 công ty con của họ hiện đang trong thời điểm tái cấu trúc của giai đoạn phá sản, theo hồ sơ nộp tại Shanghai Clearing House hôm 29/4.

Sản xuất thép

Shandong SNTON Group là một trong những tập đoàn lớn nhất trong số ít các công ty tư nhân đệ đơn phá sản vào những tháng gần đây, tại phía đông tỉnh Sơn Đông. Một điểm nổi bật của nhà sản xuất thép này là quy mô họ tham gia hoạt động bảo hiểm, tức là các công ty cam kết trả nợ cho công ty khác. Điều này gây ra nguy cơ vỡ nợ lan rộng khiến chính quyền tỉnh Sơn Đông đưa ra động thái giải quyết bằng cách "chống đỡ" cho China Wanda.

Năm 2018 Trung Quốc đã vỡ nợ kỷ lục nhưng năm 2019 con số được dự báo sẽ tăng gấp 3! - Ảnh 2.

SNTON có khoản nợ trái phiếu là 4,65 tỷ NDT trong năm nay, sau khi từng cung cấp khoản bảo lãnh nợ 86 tỷ NDT - tương đương 35% giá trị tài sản ròng tính đến tháng 6/2018, theo một hồ sơ của công ty.

"Cha đỡ đầu" của khu vực tư nhân

China Minsheng Investment Group còn được gọi là phiên bản Trung Quốc của JPMorgan. CMIG do Dong Wenbia - được mệnh danh là "cha đỡ đầu" của khu vực tư nhân nước này. Các khoản đầu tư của CMIG, bao gồm cả chăm sóc sức khoẻ và hàng không, được thực hiện dựa trên nguồn tài trợ một phần đến từ tín dụng đen. Vậy nên, công ty này bỗng nằm trong chiến dịch giảm đòn bẩy của chính phủ.

Công ty có trụ sở tại Thượng Hải này đã khiến các trái chủ "shock" hoàn toàn khi tuyên bố không thể thanh toán khoản nợ phải trả cho họ vào cuối tháng 1. Dù có thể huy động đủ tiền mặt bằng cách bán các khoản lãi bất động sản để thanh toán nợ đã đáo hạn ngày 14/2, nhưng tính đến tháng 4 trái phiếu định danh bằng USD của CMIG cũng chứng kiến tình trạng vỡ nợ do một chi nhánh cũng không thể thanh toán. CMIG cũng đối mặt với vụ vỡ nợ trái phiếu nội tệ đáo hạn vào cuối tháng 4, dù đã giải quyết vào 2 ngày sau đó.

Công ty này đã phải cắt giảm 43 tỷ NDT tỷ số nợ có lãi từ đầu năm 2018 và nỗ lực giải quyết tình trạng khủng hoảng thanh khoản bằng cách thanh toán các khoản nợ và tái tổ chức hoạt động kinh doanh, đại diện của CMIG cho hay.

Nỗ lực vươn lên số 1 nhưng lại lọt top 5 vỡ nợ

Không như những công ty trong danh sách này, Citic Guoan Group lại có mối quan hệ với nhà nước, điều khiến cho các chủ nợ có thể thoải mái đôi chút. Vấn đề là công ty này thiếu lượng cổ phần đủ để kiểm soát, dẫn đến tình trạng quyền lực bị hạn chế đối với việc cung cấp hỗ trợ từ một công ty thuộc sở hữu nhà nước - Citic Group. Citic Guoan tham gia vào nhiều lĩnh vực, từ đầu tư tài chính cho tới bất động sản.

Năm 2018 Trung Quốc đã vỡ nợ kỷ lục nhưng năm 2019 con số được dự báo sẽ tăng gấp 3! - Ảnh 3.

Sau một loạt vụ việc tịch thu tài sản gây ảnh hưởng đến thanh khoản, thì công ty này đã đối mặt với vụ vỡ nợ 3 tỷ NDT trái phiếu địa phương đã đáo hạn vào tháng trước. Citic Guoan có tổng số nợ là 178 tỷ NDT tính đến cuối tháng 9 và ít nhất là 15 tỷ NDT trái phiếu trong nước. Công ty này tuyên bố trên website của mình rằng "luôn nỗ lực để vươn tới vị trí số 1", hướng tới mục tiêu gia nhập 500 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới. Giờ đây, Citic Guoan là top 5 công ty có vụ vỡ nợ lớn nhất năm 2019.

Công ty Goocoo

Có trụ sở tại An Huy, phía tây tỉnh Chiết Giang và Sơn Đông, Goocoo Investment là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của tỉnh. Họ đã phải đối mặt với một loạt rắc rối khi các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về lượng đòn bẩy cao và Goocoo cũng không thể thanh toán khoản nợ trong thời gian sớm, kết quả là công ty này phải thắt chặt tài chính.

Wang Qing, nhà phân tích kinh tế tại Golden Credit Rating, cho hay: "Các công ty yếu thế hơn đối mặt với áp lực nặng nề từ việc tái huy động vốn", điều này lý giải phần nào nguyên nhân của các vụ vỡ nợ trong năm nay. Ông nói thêm: "Các nhà đầu tư dường như vẫn thận trọng đối với những khoản nợ dài hạn của các công ty tư nhân, gây ra tình trạng mất khả năng thanh toán nợ."

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM