Mỹ Đình: Nỗi ám ảnh từ những vận đen trong quá khứ đến niềm hy vọng của hiện tại

06/12/2018 14:02 PM | Xã hội

Mặc dù được thi đấu trên sân nhà trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2018 nhưng thầy trò HLV Park Hang-seo không có quyền chủ quan bởi tuyển Việt Nam có một “vận đen” khác - một nỗi ám ảnh kéo dài từ rất lâu tại Mỹ Đình.

Không phải ngẫu nhiên, trước trận bán kết lượt về AFF Cup 2018, giới chuyên môn cũng như người hâm mộ tuyển Việt Nam tỏ ra lo lắng nhất định, khi "những ngôi sao vàng" được thi đấu trên sân nhà Mỹ Đình quen thuộc.

Có hay không sự hoài nghi về "vận đen" của nơi được xem là thánh địa của bóng đá Việt Nam? Hay đây là sự đồn thổi của truyền thông và sự đổ lỗi sau những thất bại đau đớn trong quá khứ?

Mỹ Đình: Nỗi ám ảnh từ những vận đen trong quá khứ đến niềm hy vọng của hiện tại - Ảnh 1.

Liệu tuyển Việt Nam có thể thoát khỏi vận đen toàn hòa và thua mỗi khi được thi đấu trên sân Mỹ Đình ở các vòng bán kết AFF Cup.


Mỹ Đình - nỗi ám ảnh từ hai chữ "vận đen"

SVĐ Mỹ Đình được khánh thành năm 2003 để phục vụ SEA Games 22 lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Trận khai sân hôm đó, U23 Việt Nam thất thủ 1-2 trước CLB Thân Hoa Thượng Hải.

Trận thua ngay hôm khai sân Mỹ Đình dường như trở thành một "điềm báo" với các đội tuyển Việt Nam. Sự không may mắn tiếp tục ập đến, họ để thua tức tưởi trước người Thái trong trận chung kết SEA Games 22, dưới sự "chết lặng" của hơn bốn vạn khán giả.

Kể từ khi giải Vô địch Đông Nam Á được đổi tên thành AFF Cup vào năm 2007 cũng như thay đổi thể thức thi đấu lượt đi - lượt về, tuyển Việt Nam đã 5 lần góp mặt vào vòng bán kết. Tuy nhiên, Mỹ Đình vẫn mang một cái gì đó rất "tâm linh" khi trong 5 lần được thi đấu trên sân nhà ấy, tuyển Việt Nam chưa từng giành bất kỳ chiến thắng nào.

Mỹ Đình: Nỗi ám ảnh từ những vận đen trong quá khứ đến niềm hy vọng của hiện tại - Ảnh 2.

2008 - kỳ AFF đầu tiên và duy nhất đến nay bóng đá Việt Nam bước lên đỉnh cao nhất của khu vực cũng không ngoại lệ. "Thầy Tô" cùng các học trò chỉ có được hai trận hòa khi được thi đấu trên sân nhà với các tỷ số 0-0 trước Singapore và 1-1 trước Thái Lan. Rất may, "những ngôi sao vàng" khi ấy lại giành những chiến thắng ấn tượng trên sân khách giúp bóng đá Việt Nam lên đỉnh khu vực.

Nhưng nỗi ám ảnh đó càng lúc càng lớn hơn. Mỹ Đình đáng nhẽ phải là chỗ dựa cho chiến thắng dần dần trở thành "gánh nặng" khi tuyển Việt Nam gục ngã trước thời khắc quyết định.

Năm 2010 là trận hòa 0-0 trước Malaysia kéo theo việc thầy trò HLV Calisto trở thành cựu vương. 4 năm sau, trận thua đau đớn 2-4 trong một ngày "ma ám" đã chấm dứt giấc mộng xưng vương của Công Vinh và đồng đội.

45 phút hiệp một ở trận bán kết AFF Cup 2014 dường như đã lấy đi hàng triệu nước mắt của người hâm mộ, 4-1 là tỷ số không thể cứu vãn và sân Mỹ Đình tiếp tục trở thành chứng tích cho thất bại của tuyển Việt Nam.

Mỹ Đình: Nỗi ám ảnh từ những vận đen trong quá khứ đến niềm hy vọng của hiện tại - Ảnh 3.

Hai năm sau, dưới bàn tay nhào nặn của HLV Hữu Thắng, đội tuyển Việt Nam rất khát khao ghi dấu ấn nhân dịp giải đấu AFF Cup tròn 20 năm. Quả thật, các cầu thủ đã chơi tốt… trước khi được trở về nhà thi đấu trên sân Mỹ Đình trong trận bán kết lượt về với Indonesia.

Vận đen lại một lần nữa trở lại, tỷ số hòa 2-2 là quá đủ để xứ vạn đảo ghi tên mình vào chung kết. Còn tuyển Việt Nam chỉ còn biết tự trách với trận thua mang dấu ấn của những sai lầm cá nhân. Một lần nữa Việt Nam lại không thắng, Mỹ Đình lại không thể ca khúc cải hoàn và 90 triệu con tim Việt Nam "tan vỡ" trong vô vọng.

Đi tìm lời giải cho "sự ám ảnh" Mỹ Đình

Trong một thời gian dài, sân Mỹ Đình trở thành "điểm đen" cho những trận cầu của tuyển Việt Nam tại AFF Cup. Điệp khúc "hòa và thua" gây ám ảnh tới mức xuất hiện cả những giai thoại xung quanh nó. Dĩ nhiên, tất cả đều được đồn đoán và thêu dệt, nhưng sự kỳ lạ về "cái dớp" không thắng của tuyển Việt Nam thậm chí khiến nhiều người hâm mộ tỏ ra hoang mang, lo lắng.

Khi được đặt câu hỏi về tính hư-thực của "vận đen" sân Mỹ Đình, thủ môn Dương Hồng Sơn cho rằng: "Định nghĩa vận đen ở sân Mỹ Đình không có bằng chứng xác thực. Muốn vô địch những giải đấu như AFF Cup xuất sắc là điều kiện cần, còn điều kiện đủ đó là yếu tố may mắn. Mặt khác, lợi thế tâm lý cùng với sự hưng phấn của các cầu thủ là điều không thể thiếu".

Mỹ Đình: Nỗi ám ảnh từ những vận đen trong quá khứ đến niềm hy vọng của hiện tại - Ảnh 4.

Thủ môn Dương Hồng Sơn nhận bàn thua trong thất bại 0-2 của tuyển Việt Nam trước Philippines.

Suy cho cùng, cá nhân tôi cho rằng 'vận đen' sân Mỹ Đình là thuật ngữ được dùng để đổ lỗi cho những thất bại. Bóng đá là cuộc chơi của tập thể, tôi hay anh không thể cứ đinh ninh rằng cứ đội mạnh sẽ giành chiến thắng hay thất bại được".

Sự phân tích của cựu thủ môn Dương Hồng Sơn đã mở ra một cuộc tranh luận mới: Phải chăng vận đen sân Mỹ Đình chỉ là sự thêu dệt để đổ lỗi cho những thất bại?

Đi tìm lời đáp cho vấn đề này, hãy cùng nhìn lại hai kỳ AFF Cup gần nhất. Việt Nam đều thi đấu hay hơn và có phần vượt trội đối thủ. Các chỉ số thống kê đều chỉ ra "những ngôi sao vàng" mới là đội bóng xứng đáng vào chung kết.

Mỹ Đình: Nỗi ám ảnh từ những vận đen trong quá khứ đến niềm hy vọng của hiện tại - Ảnh 5.

Nguyên Mạnh nhận thẻ đỏ, Quế Ngọc Hải làm thủ môn bất đắc dĩ tại AFF Cup 2014.

Nhưng các sai lầm cá nhân đã phá hỏng tất cả. Tại AFF Cup 2014 là lỗi hệ thống của hàng phòng ngự khi để thua trắng 4 bàn khi bóng mới lăn được 30 phút trước người Mã. 2 năm sau, chiếc thẻ đỏ tai hại của Nguyên Mạnh và bàn thắng phản lưới nhà của Đình Đồng lại một lần nữa kéo sập "giấc mơ" của người Việt.

Có lẽ vận đen chỉ là cụm từ dùng để "đổ lỗi" và trốn trách trách nhiệm sau thất bại của tuyển Việt Nam. "Vận đen Mỹ Đình" vẫn còn đó nhưng nguyên nhân đến từ chính bản thân con người. Nếu như không có sai lầm, nếu như Việt Nam xuất sắc hơn và nếu như may mắn hơn…

Chờ thầy Park hóa giải "vận đen" Mỹ Đình

Ở trận bán kết lượt đi tuyển Việt Nam xuất sắc đánh bại Philippines với tỷ số 2-1 ngay trên đất khách. Khá bất ngờ khi thầy trò HLV Park Hang-seo đã vượt qua ký ức buồn Bacolod, một cách không thể thuyết phục hơn.

Mỹ Đình: Nỗi ám ảnh từ những vận đen trong quá khứ đến niềm hy vọng của hiện tại - Ảnh 6.

Liệu tuyển Việt Nam có hóa giải được "vận đen" sân Mỹ Đình dưới triều đại của HLV Park Hang-seo. Ảnh: Tiến Tuấn

Có giả thuyết cho rằng, Bacolod và Mỹ Đình có khá nhiều điểm giống nhau. Vậy điều gì khiến Bacolod và Mỹ Đình tương tự nhau?

13 năm trước, Bacolod yên bình đã khiến gần 80 triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam tan vỡ, khi đại án bán độ SEA Games 25 được phanh phui. Nỗi đau gắn liền với nước mắt ấy trở thành một vết thương khó lành trong tâm trí người hâm mộ Việt Nam.

13 năm sau, tuyển Việt Nam ca khúc cải hoàn, bằng trận thắng trước chính Philippines. Dĩ nhiên, trận thắng này chưa thể đảm bảo đưa thầy trò HLV Park Hang-seo vào chung kết AFF Cup, nhưng nó đã xua tan đi "nỗi đau Bacolod".

Trở lại Mỹ Đình cùng lợi thế dẫn trước 2-1 sau trận lượt đi. Dớp hòa và thua ở sân vận động này có thể là điềm báo nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy tuyển Việt Nam đã sẵn sàng chinh phục mọi đối thủ, trước mắt là "đàn chó hoang"- tuyển Philippines.

"Nỗi ám ảnh Mỹ Đình" mang màu sắc tâm linh gắn liền với những thất bại trong quá khứ, nhưng lại có thể trở thành chứng tích ghi dấu ấn của tuyển Việt Nam trên hành trình vô địch Đông Nam Á.

Mỹ Đình: Nỗi ám ảnh từ những vận đen trong quá khứ đến niềm hy vọng của hiện tại - Ảnh 7.

Tuyển Việt Nam chỉ còn cách trận chung kết 90 phút. Tròn 10 năm kể từ lần đầu tiên bóng đá Việt Nam lên đỉnh khu vực.

Chẳng có con đường nào được trải bằng hoa hồng hay việc chẳng có thành công nào không được đánh đổi bằng khó khăn và nước mắt. "Vận đen Mỹ Đình" có thể là lời thách thức cho thầy trò HLV Park Hang-seo để cùng đứng lên và phá giải nó.

Hy vọng rằng, Mỹ Đình ngày 6/12 không còn là vận đen mà thay vào đó là cầu trường rực lửa, hân hoan của hơn 90 triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam.

Mỹ Đình: Nỗi ám ảnh từ những vận đen trong quá khứ đến niềm hy vọng của hiện tại - Ảnh 8.

Theo Đình Anh

Cùng chuyên mục
XEM