Muốn thông minh lên, hãy đặt điện thoại xuống

07/07/2017 16:15 PM | Sống

Hàng loạt nghiên cứu cũng như nhiều khuyến cáo từ các chuyên gia cho thấy tác hại của điện thoại di động với con người, không những chúng khiến con người xao nhãng mà còn là kẻ thù của trí thông minh.

Chắc chắn là bạn đã biết rằng chiếc smartphone của mình khiến bạn thức khuya mỗi đêm, làm những người xung quanh thấy khó chịu và nhiều khi còn gây nghiện như một thứ ma túy hạng nặng. Nhưng bạn có biết rằng thiết bị nhỏ bé này còn khiến bạn trở nên kém thông minh hơn?

Ở đây ta không bàn đến việc phụ thuộc vào Google và các công cụ khác khiến chúng ta ghi nhớ và xử lý thông tin kém hơn. Cái cần nói đến ở đây là một nghiên cứu mới cho thấy chỉ cần đặt chiếc điện thoại ra khỏi tầm với là khả năng nhận thức của bạn đã được tăng lên đáng kể.

Để làm bạn xao lãng, chiếc smartphone không nhất thiết phải nằm trong tay bạn

Đó là kết luận của một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Đại học Texas-Austin. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một bài test về tác động của smartphone đối với trí thông minh của người sử dụng: chia hơn 800 tình nguyện viên (TNV) thành 3 nhóm và yêu cầu họ hoàn thành các bài test tiêu chuẩn về khả năng nhận thức.

Điểm đặc biệt duy nhất ở đây là một nhóm được yêu cầu nộp toàn bộ đồ vật mình mang theo trước khi vào phòng test, một nhóm để smartphone của mình ở chế độ im lặng và úp màn hình trên bàn trong suốt quá trình làm bài test, và nhóm còn lại chỉ phải để smartphone của mình ở chế độ im lặng (tức là họ có thể đặt smartphone trong túi quần hoặc nơi đâu tùy thích). Nếu bạn nghĩ rằng thay đổi nhỏ này sẽ không có tác động nhiều lắm thì bạn đã nhầm.

Kết quả cho thấy, những người để smartphone ở phòng khác có kết quả tốt hơn hẳn so với những người để điện thoại trong tầm với của mình. Tác động này thể hiện rõ hơn ở những TNV tự đánh giá mình là phụ thuộc khá nhiều vào chiếc điện thoại.

Kết quả này cũng đồng thuận với nghiên cứu trước đó cho thấy chỉ cần một chiếc điện thoại nằm trong tầm mắt cũng có thể gây ra nhiều hiệu ứng mạnh mẽ. Chẳng hạn, chỉ cần để điện thoại của mình trên bàn (mà không động đến) trong khi nói chuyện với một người nào đó cũng khiến người ta cảm thấy ít kết nối hơn với người đang nói chuyện với mình.

Nguyên nhân của những hiện tượng này thực ra lại khá dễ hiểu và đơn giản: chính việc cố gắng không bị phân tâm bởi chiếc smartphone lại làm bạn bị phân tâm. Quá trình tương tác với điện thoại của bạn càng trở nên tự động, thì bạn càng cần phải cố gắng nhiều để chuyển sự tập trung của mình ra xa chiếc điện thoại đó.

Úp mặt điện thoại xuống vẫn là chưa đủ

Điều này có nghĩa là dù bạn có nhận ra sự tồn tại của nó hay không, thì chỉ cần để chiếc điện thoại trong tầm với của mình cũng đủ để nó lấy đi một nguồn năng lực trí tuệ đủ để bạn làm tốt những việc khác. Và bạn càng sử dụng smartphone thường xuyên thì hiệu ứng này càng trở nên tồi tệ.

Bài học rút ra ở đây khá rõ ràng – nếu bạn muốn tập trung làm việc hay có một cuộc trò chuyện thực sự và không bị ngắt quãng, hãy đảm bảo là chiếc điện thoại của mình được để ở một nơi thật xa và nằm ngoài tầm với. Chắc chắn khi đó bạn vừa thông minh hơn, vừa gây được thiện cảm với người khác hơn.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM