Muốn thành công, đừng vội vàng tiên phong, hãy là kẻ đến sau

17/10/2017 16:43 PM | Sống

Nhiều người thành công nổi tiếng trên thế giới đều được cho là những người dẫn đầu xu hướng trên thị trường, nhưng thực ra lịch sử đã chứng minh những người đi đầu thường là những kẻ thất bại còn tỷ lệ thành công của những người theo sau lại cao hơn hẳn.

Nhiều người luôn giữ một quan niệm về những người thành công nổi tiếng thường là những người tiên phong trên thị trường. Nhưng lịch sử đã chứng minh những người đi đầu thường là những kẻ thất bại còn tỷ lệ thành công của những người theo sau lại cao hơn hẳn. Tuy là những người đi theo vết xe đổ nhưng họ biết tận dụng những tinh hoa của người đi trước để cải thiện cho từng bước chiến lược của mình.

Stanislav Dobrev, giáo sư Đại học Kinh doanh David Eccles, Mỹ và Aleksios, giáo sư Đại học Quản trị Boston, đồng tác giả của công trình nghiên cứu về mô hình kinh doanh cho biết những doanh nghiệp tiên phong trong một lĩnh vực nào đó thường phải chịu cảnh “chết yểu”. Lí do là khách hàng có tâm lí dè dặt, chưa sẵn sàng thử mô hình kinh doanh mới. Hơn nữa, những người đi đầu trên thương trường thường không có người đi trước để tham khảo, hướng dẫn khi ra quyết định nên rất dễ phải gánh chịu những kết cục bi thảm.

Hai giáo sư này đã thực hiện một nghiên cứu về số phận của 2197 hãng xe hơi ra đời tại Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 1885 đến năm 1981. Kết quả mà họ thu được đáng ngạc nhiên: không có hãng nào trong số 25 hãng đầu tiên có tuổi thọ nhiều hơn 15 năm và hiện tại, thị trường xe hơi ở Mỹ đang bị thống trị bởi 3 hãng sinh sau đẻ muộn là General Motors, Ford Motor và Chrysler.

Trong lĩnh vực công nghệ cũng tương tự, Netscape đã từng khai sáng thế giới trình duyệt web nhưng giờ đây người ta cũng chỉ còn biết đến Internet Explorer, Chrome, Firefox và Safari. Trên thị trường máy tính cá nhân, rất ít người hiện nay còn nhớ những hãng máy đầu tiên như Osborne Computer, Kaypro hay Commodore Business Machines bởi vì Dell, Asus hay Acer đều là những hãng máy tính đang chiếm lĩnh thị trường. Còn về lĩnh vực mạng xã hội thì chắc chắn những cái tên xưa cũ như Well, Friendster và MySpace không thể nào đối đầu được với Facebook, Twitter và Instagram rồi.

Theo giáo sư Dobrev, quy luật này đã diễn ra từ rất lâu rồi nhưng không mấy ai để ý bởi đó là hội chứng “sự biến mất của những kẻ đi đầu” và hầu hết đều bị lãng quên rất nhanh. Ông chia sẻ: “Sẽ rất ít khi bạn được nghe nói đến những kẻ tiên phong bởi họ đều là những kẻ thất bại và để lại rất ít dấu ấn. Bạn có thể là kẻ đầu tiên bước ra thị trường và thất bại. Vấn đề là bạn phải có một chiến lược tốt”.

Một số trường hợp ngoại lệ đã phá vỡ quy luật này, thậm chí còn bứt phá phát triển mạnh mẽ và hiện tại vẫn duy trì được dấu ấn trong lòng khách hàng, đó là Coca Cola và eBay. Tuy nhiên, những trường hợp này lại rất ít. Nhưng dù có thất bại thì vẫn có rất nhiều người vẫn muốn được là người dẫn đầu. Đơn giản là người tiên phong trên thị trường được hưởng rất nhiều điều kiện thuận lợi, đặc biệt là không phải bày mưu tính cách để đối đầu với những kẻ cạnh tranh khác.

Tuy nhiên, sự đơn độc trên thương trường không lấy gì để đảm bảo cho thành công lâu dài. Isaac Barchas, giám đốc trung tâm nghiên cứu công nghệ của trường ĐH Texas khuyên rằng các nhà doanh nghiệp muốn thâm nhập vào một thị trường mới hay thị trường mới nổi nên áp dụng chiến lược “vừa làm vừa ngó nghiêng”. "Bạn hoàn toàn có thể trở thành kẻ tiên phong thành công nhờ học tập từ chính kinh nghiệm rút ra từ những thất bại của mình”, Isaac Barchas nói.

Salescoop LLC – một website thương mại điện tử ra đời hồi tháng 10/2009, được hưởng những lợi thế của một kẻ đến sau nhờ rút ra được những kinh nghiệm từ mô hình của Goldstar, trang web chuyên bán phiếu giảm giá, khuyến mại từ cách đây cả một thập kỷ. "Bạn có thể quan sát những động thái của thị trường với lĩnh vực mà bạn đang chuẩn bị bước chân vào nếu bạn không phải là người đầu tiên. Khi bạn nhìn những kẻ tiên phong, có nghĩa là bạn đang phản ứng với thị trường”, Ambrose, người sáng lập Salescoop chia sẻ.

Nhưng Ambrose cũng nói thêm rằng, việc học tập kinh nghiệm từ thất bại của người khác hay từ những đối thủ cạnh tranh của mình là cần thiết nhưng “nếu bạn chỉ suốt ngày chăm chăm nhìn vào những người đi trước bạn sẽ quên mất việc làm thế nào để công việc kinh doanh của mình phát triển hơn”.

Ninh Linh

Cùng chuyên mục
XEM