Muôn nẻo cuộc đua "ngân hàng số 1"

09/12/2016 14:49 PM | Xã hội

Ngân hàng nào cũng cho rằng mình là hàng đầu và mục tiêu vẫn cứ là số 1. Có nhiều cách để họ đi đến mục tiêu này, kẻ thì “tự vỗ ngực” bằng giải thưởng, người lại đi tắt bằng M&A, nhưng cũng có những ngân hàng khẳng định bằng nội lực của họ.

Trong hệ thống hiện nay, không nhà băng nào là không đặt ra mục tiêu “trở thành ngân hàng hàng đầu”, “ngân hàng số 1”. Ngân hàng lớn, đã ở top đầu như Vietcombank, VietinBank hay BIDV rồi thì đặt mục tiêu quy mô tầm khu vực, còn các ngân hàng nhỏ hơn, đang ở top sau của nhóm G10 thì muốn trở thành ngân hàng số 1 nhóm cổ phần tư nhân, thậm chí những ngân hàng nhỏ xíu với tài sản vài chục nghìn tỷ đồng cũng “ôm mộng” trở thành số 1 hay hàng đầu, không về tổng thể cũng về một mảng chủ chốt nào đó…

Đi tắt bằng M&A

Trong cuộc đua tới ngôi vị dẫn đầu, con đường mua bán, sáp nhập (M&A) được các ngân hàng lựa chọn nhiều nhất, vì theo họ phương thức này vừa không phải tốn kém thời gian lại chẳng phải mất nhiều chi phí để đào tạo nhân sự hay xây dựng, mở rộng mạng lưới…

Những cái tên, dù là tự nguyện hay sáp nhập bắt buộc, thì cũng đã “lớn nhanh như thổi” ở một phương diện, góc cạnh nào đó có thể kể đến là SCB, HDBank, BIDV, SHB, MaritimeBank, SouthernBank, VPBank…

BIDV là điển hình, bằng việc nhận sáp nhập thành công MHB, ngân hàng này đã vượt qua VietinBank về tài sản trở thành ngân hàng lớn nhất. Hay ngân hàng Liên Việt thông qua việc sáp nhập với tiết kiệm Bưu điện trở thành Lienvietpostbank trở thành ngân hàng có dịch vụ ngân hàng được triển khai rộng khắp về tận vùng nông thôn. Sacombank bằng việc sáp nhập với Phương Nam nay trở thành ngân hàng có hệ thống mạng lưới và nhân sự đông nhất khối cổ phần.

Vươn lên nhờ kinh doanh

Cùng với M&A thì nhiều ngân hàng cũng khẳng định vị thế của mình bằng kết quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ.

Vietcombank là một điển hình trong nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước khi tình hình kinh doanh sáng sủa, được đánh giá là ngân hàng “sạch” nhất. Dù có vốn chủ sở hữu và lợi nhuận thấp song trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của ngân hàng này lại được đánh giá cao hơn gấp hai lần so với BIDV và VietinBank.

Hay như VPBank, nhờ sử dụng chiến lược công ty tài chính tiêu dùng và đánh mạnh mảng này, ngân hàng cũng đang vươn lên số 1 về lợi nhuận trong nhóm cổ phần. Techcombank thì lại phát triển mạnh mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lớn, cũng đang sánh ngang VPBank ở ngôi vị nhất nhì.

Trong nhóm ngân hàng nhỏ, Bản Việt (Viet Capital Bank) và Bắc Á cũng cho thấy sự nỗ lực vươn lên. Bắc Á đã tăng khá nhanh vốn điều lệ và mở rộng mạng lưới trong thời gian qua trong khi Bản Việt cũng kéo sự chú ý của đối thủ cạnh tranh bằng loạt các sản phẩm mới cùng sự hiện diện của thương hiệu này ở các chi nhánh, phòng giao dịch mới. Trước đó, trong năm 2014 và 2015, Nam Á cũng thu hút được sự chú ý tương tự.

Khẳng định mình bằng…giải thưởng

Xét về tổng tài sản, không kể Agribank thì BIDV đang là ngân hàng dẫn đầu hệ thống (950 nghìn tỷ), tiếp đó là VietinBank, Vietcombank. Còn xét theo vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ thì VietinBank giàu nhất (vốn chủ sở hữu 61,3 nghìn tỷ và vốn điều lệ hơn 37,2 nghìn tỷ), tiếp đến là Vietcombank, BIDV.

Loại trừ các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, các ngân hàng dẫn đầu về tài sản hiện là SCB (gần 340 nghìn tỷ), Sacombank (hơn 320 nghìn tỷ) . Tính theo vốn điều lệ thì Sacombank dẫn đầu (hơn 18,5 nghìn tỷ), tiếp theo là MB, SCB và Eximbank. Các ngân hàng VPBank, Techcombank, SHB, ACB có vốn điều lệ xấp xỉ nhau là trên dưới 9 nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng rất khó để tìm thấy ngân hàng nào không phải là “số 1”, là “tiêu biểu nhất”, là “tốt nhất” trên thị trường hiện nay…Thậm chí có vài ngân hàng tổng tài sản chưa đến 70 nghìn tỷ đồng nhưng cũng là ngân hàng có “thương hiệu tiêu biểu nhất”…

Nói vậy để thấy, trong cuộc đua tới ngôi vị số 1, các ngân hàng có nhiều cách khác nhau. Nếu chưa thể lớn mạnh bằng các con số có thể cân đo đong đếm được, thì ngân hàng cũng đua nhau khẳng định mình bằng nhiều cách. Theo lý giải của một chuyên gia, bởi kinh doanh ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm nên niềm tin là vô cùng quan trọng và điều đó khiến cho ngân hàng nào cũng muốn khẳng định mình là số 1, là nhất.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM