Muốn làm lớn, nông dân Việt cần bàn tay 'đại gia'

18/12/2016 21:07 PM | Xã hội

Chúng ta đã thoát cảnh phải xóa đói giảm nghèo, lo an ninh lương thực nên việc sản xuất với số lượng thật nhiều, bán giá rẻ đã hết thời. Bây giờ phải tính đến sản xuất sâu, ưu tiên vào chất lượng, giảm giá trị đầu vào. Muốn làm được thì phải hợp tác doanh nghiệp "đại gia".

Cần chuyển sang kinh doanh nông nghiệp

Chia sẻ tại diễn đàn "Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt Nam" mới đây, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam nhận định, vấn đề an toàn thực phẩm đang được toàn xã hội quan tâm. Bởi, nông nghiệp Việt Nam hiện phần lớn là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo mô hình nông hộ. Do đó, rất khó kiểm soát về chất lượng thực phẩm.

"Tôi có dịp đi một số nước, đến Singapore thấy trái cây rất quen thuộc với trái cây của Việt Nam. Ở đó cũng có xoài, cũng hồng xiêm, cũng dứa, tuy nhiên hỏi nguồn gốc thì đều là hàng Thái Lan. Trái cây của Việt Nam rất đa dạng, phong phú nhưng chưa vào được thị trường khó tính, vì sao? Đó là do chất lượng giống, do cách sản xuất của mình", bà Ánh nói.

Nguyên nhân nữa dẫn tới thực trạng trên là người nông dân chưa nắm được những thông tin cơ bản cần thiết, như làm thế nào để sản xuất an toàn, tìm được thị trường tiêu thụ để thoát cảnh được mùa mất giá,...

GS. Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dẫn báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã không còn là nước nghèo và chuyển sang hình thức phát triển nông nghiệp - nông thôn mới. Song, Việt Nam đang phải đối diện với ba vấn đề lớn: Tăng trưởng giảm, nông nghiệp bị tổn thương do khí hậu và môi trường, khoảng cách thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp đang ngày càng lớn.

"WB khuyến cáo, Việt Nam phải thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp, bởi nông nghiệp đóng góp 20% GDP và từ 25-30% tổng lao động xã hội. Thay đổi cơ cấu bằng cách thúc đẩy liên kết ngang giữa nông dân - nông dân và liên kết dọc giữa Chính phủ - nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học. Trong đó, nhà nước phải thay đổi vai trò sang làm khuyến nông, đưa ra chính sách hỗ trợ thị trường, còn cái gì của tư nhân trả cho tư nhân làm, của nông dân trả cho nông dân thực hiện", ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Viên, việc liên kết đang gặp rất nhiều vấn đề. Ví như, liên kết giữa nông dân và các nhà khoa học gần như không có ràng buộc gì về mặt pháp lý; nông dân nhiều nơi còn chưa bao giờ nghe về liên kết "4 nhà"; liên kết vùng cũng yếu kém, tỉnh nào biết tỉnh đó.

"Tôi đi vận động liên kết, về gặp lãnh đạo tỉnh Nam Định và Thái Bình để nói trong miền Nam họ liên kết vùng hay lắm, có thể học hỏi cách làm này nhưng lãnh đạo tỉnh toàn nói đang bận", ông Viên chia sẻ.

Không thể thiếu doanh nghiệp

Nói về giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn, nhận định, giờ phải tính đến sản xuất sâu, ưu tiên vào chất lượng, giảm giá trị đầu vào để cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, để bền vững và cạnh tranh được với nông sản các nước khác
Theo các chuyên gia, để bền vững và cạnh tranh được với nông sản các nước khác

Ví như, hai nước cạnh chúng ta là Thái Lan và Campuchia làm rất mạnh. Việt Nam muốn cạnh tranh được cần phải giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm. Đó là tiêu chuẩn mới thị trường đặt ra cho người nông dân.

Theo ông Tuấn, muốn làm được như vậy phải có doanh nghiệp nhảy vào bởi một mình nông dân làm rất khó.

"Rất may vừa qua có những doanh nghiệp lớn, hay doanh nghiệp "đại gia", đầu tư vào nông nghiệp nên khiến thị trường sôi động hơn", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nông sản Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ thị trường. Bởi, khách hàng cả trong nước và ngoài nước ngày càng khó tính, đòi hỏi chất lượng nông sản ngày một tốt hơn, an toàn hơn.

Thế nhưng, nông sản Việt hầu như đều xuất thô, chưa có thương hiệu, bị đặt trong vòng nghi ngờ về an toàn thực phẩm.

Theo bà Lan, hợp tác "4 nhà" là vô cùng cần thiết cho sự phát triển của nông sản Việt. Tuy nhiên, chúng ta đề ra cơ chế hợp tác này đến 10 năm rồi nhưng vẫn chưa thể thực hiện triệt để được vì một số lí do. Trong đó, nắm vai trò chủ chốt và quan trọng nhất là nhà doanh nghiệp. Bởi không ai hiểu thị trường được bằng doanh nghiệp.

Đã làm ăn chuyên nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường thì doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa mới có thể trụ vững được. Vì vậy, doanh nghiệp phải học từng ngày, học để hiểu thị trường, hiểu nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao hơn nữa. Một khi hiểu rõ thị trường, doanh nghiệp mới có thể quay lại hướng dẫn nông dân sản xuất đúng chuẩn.

"Nếu không có doanh nghiệp làm cầu nối thì nông dân bơ vơ vô cùng, bơ vơ trong sản xuất, bơ vơ trong tiêu thụ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đảm nhận vai trò giám sát chất lượng sản phẩm nữa. Gần đây, với sự tham gia của những nhà đầu tư lớn như VinEco thì tôi tin tưởng sự liên kết "4 nhà" sẽ có bước phát triển mới, tốt đẹp hơn, thành công hơn", bà Lan nói.

Bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng Giám đốc Công ty VinEco, cho biết, đơn vị này mới ký hợp tác với các hộ nông dân trong các lĩnh vực như rau, nấm, gạo, trái cây.

Theo bà Hằng, việc hợp tác doanh nghiệp với nông dân sẽ cắt giảm được tối đa khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ tổ chức đào tạo về kỹ thuật, kiến thức cho người nông dân, đồng thời thu mua sản phẩm theo sản lượng cam kết, tạo thành một quy trình khép kín.

Theo Bảo Hân

Cùng chuyên mục
XEM