Muốn biết sống thế nào cho phải, hãy hỏi những người đang gần đất xa trời

12/06/2017 19:13 PM | Sống

Trái ngược với những lầm tưởng về nỗi buồn, sự sợ hãi và tiếc nuối, những gì người sắp lìa xa cõi đời chia sẻ trước khi chết có phần tươi sáng và là bài học lớn cho những người ở lại.

Nếu yêu cầu người ta tưởng tượng về những gì họ sẽ nói khi biết mình sắp lìa xa trần gian, bạn chắc hẳn sẽ được nghe về nỗi buồn, sự sợ hãi và những tiếc nuối.

Nhưng một nghiên cứu mới đây lại ủng hộ điều mà những người làm công việc phải tiếp xúc thường xuyên với người sắp qua đời đã biết từ lâu: Quá trình hồn lìa khỏi xác là một quá trình phức tạp, với rất nhiều khoảnh khắc sâu sắc và sáng suốt bên cạnh sự sợ hãi và bóng tối.

Trong một loạt các thử nghiệm được ghi lại trong tạp chí Psychological Science, các nhà nghiên cứu đã so sách các bài post trên blog của những bệnh nhân ốm nặng và những lời cuối cùng của các tử tù với những lời nói của người khỏe mạnh bình thường nhưng được yêu cầu tưởng tượng bản thân mình sắp chết.

So với những người phải tưởng tượng mình sắp chết, những người sắp chết thật hóa ra lại sử dụng nhiều từ ngữ tích cực hơn và ít khi dùng các từ tiêu cực để mô tả cảm xúc của mình. Trong các bài post trên blog của những người sắp chết, cảm xúc lại trở nên tích cực hơn khi cái chết đến gần.

Đây không phải là một nghiên cứu hoàn hảo, nhưng có một số lý do tại sao cái chết, nếu là sự hư vô xa vời, lại đáng sợ hơn nhiều so với sự thật hiển hiện trước mắt.

Theo nghiên cứu từ nhà tâm lý học Daniel Gilbert của Đại học Harvard, người ta thường có xu hướng bỏ qua hoặc coi nhẹ khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới của tinh thần khi tưởng tượng về tương lai. Vì chúng ta không đánh giá đúng được sự kiên cường của chính minh khi nghĩ về những tai họa trong tương lai, nên ta thường nghĩ mình sẽ thấy buồn hơn và dai dẳng hơn so với thực tế.

Ngay cả trong những khoảnh khắc khó chịu của quá trình tiến gần đến cái chết, tâm trí con người cũng có thể thích nghi để tìm được sự thư thái. Và khi ta tin rằng mình còn ít thời gian sống hơn, ta vô thức điều chỉnh thái độ và ưu tiên những gì gần gũi với gia đình nhất.

Nghiên cứu cho thấy người già, người trẻ nhưng mắc bệnh hiểm nghèo, và những người sống trong cảnh đất nước bất ổn nhìn chung đều muốn dành thời gian cho gia đình và bạn cũ chứ không phải những mối quan hệ và trải nghiệm mới. Sự sâu sắc của những mối liên hệ này mang lại ý nghĩa cho những ngày cuối của một đời người, và những người khỏe mạnh rất khó có thể hiểu được ý nghĩa này.

“Chúng ta chết theo cách mà mình đã sống”, Barbara Karnes – một y tá – nói về quá trình lìa xa nhân thế của con người. Cái chết khiến chúng ta tập trung vào những gì mình quan tâm nhiều nhất. Nhưng chúng ta đừng nên đợi đến khi sắp nói lời vĩnh biệt mới sống như thể mỗi ngày đều có ý nghĩa.

“Nếu có sự khác biệt lớn nào giữa những người biết mình sắp chết và những người mình thường như chúng ta, thì đó chính là: Họ biết thời gian của mình sắp hết”, Kerry Egan – một giáo sĩ – đã viết như vậy trong cuốn sách “On Living” của mình.

“Họ có thêm động lực để làm những việc muốn làm, để trở thành người mà mình luôn muốn trở thành…. Nhưng chẳng có gì ngăn cản bạn sống theo đúng cách mà những người sắp chết cảm nhận được”.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM