Muốn biến thành quốc gia khởi nghiệp, Việt Nam liệu có cắn được 'miếng táo ngọt' của Apple?

27/09/2016 08:16 AM | Kinh tế vĩ mô

Nếu dự án Apple đầu tư R&D vào Việt Nam được thực hiện, đây sẽ là cú hích cho toàn ngành công nghệ cũng như tác động đáng kể đến chính sách đầu tư nguồn lực của đất nước.

Từ những tin đồn Apple đầu tư vào Hà Nội rồi Đà Nẵng

Hồi tháng 3 vừa qua, giới kinh doanh lẫn công nghệ Việt Nam xôn xao trước thông tin Apple đang ấp ủ kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD tại Việt Nam vào hoạt động R&D. Dự án này dự kiến có tên gọi “Trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực châu Á” và nhiều khả năng sẽ được đặt tại Hà Nội. Tuy nhiên sau đó trả lời hãng thông tấn Bloomberg, Apple cho biết chưa có kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam.

Sau một thời gian im ắng, giới đầu tư lại một lần nữa hân hoan khi có thông tin Apple dự định đầu tư dự án này vào Đà Nẵng thay vì Hà Nội. Thông tin này được báo giới đưa ra hồi đầu tháng 8. Thông tin này xuất phát từ các thành viên của ủy ban thành phố trong một cuộc họp tổng kết thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đà Nẵng có thể là địa điểm lý tưởng cho sự hiện diện R&D của Apple tại Việt Nam với những lợi thế cạnh tranh hơn những địa phương khác trong việc cởi mở với doanh nghiệp. Đây cũng là thành phố dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh trong 3 năm gần đây.

“Cơ sở hạ tầng Đà Nẵng được cải thiện đáng kể. Từ Đà Nẵng dễ dàng đáp những chuyến bay đến các trung tâm kinh tế trong khu vực như Hong Kong, Singapore, Bangkok, Tokyo và Seoul. Trên hết chính quyền địa phương có những thay đổi tích cực về chính sách, thủ tục để thu hút dòng vốn đầu tư vào Thành phố”, Matthew Powell, giám đốc hãng tư vấn bất động sản Savills khu vực Hà Nội cho biết.

Thành phố Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng.

Nếu thông tin này là sự thật thì đây là khoản đây là khoản đầu tư thứ 2 của Apple vào Việt Nam sau khi mở đại diện của mình là Apple Việt Nam LLC trực tiếp bán iPhones và cung cấp dịch vụ về IT hồi tháng 11 năm ngoái. Apple cũng từng cử Gene Daniel Levoff, phó chủ tịch phụ trách về luật và điều hành của Apple đến Việt Nam. Đây là nhân vật quan trọng trong việc triển khai các hoạt động ở các thị trường nước ngoài của gã khổng lồ này.

R&D vốn là hoạt động được Apple mạnh tay chi tiền bởi tập đoàn này vốn không sản xuất trực tiếp mà thuê ngoài thông qua công ty Đài Loan Foxconn. Theo báo cáo tài chính hàng năm, gã khổng lồ công nghệ này chi ra khoảng 3% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu phát triển. Năm tài chính 2015, doanh thu Apple đạt 232 tỷ USD thì R&D được chi khoảng 8 tỷ USD. Hiện Apple đã có cơ sở R&D tại Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Israel và Nhật Bản.

Ngoài ra tại Việt Nam, đối thủ của Apple là Samsung vốn đẩy mạnh công tác R&D khi đầu tư 300 triệu USD vào dự án mới tại Hà Nội và 1,4 tỷ USD khu vực hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chưa hiện diện tại Đông Nam Á trong khi đối thủ truyền kiếp nghiêm túc gia tăng hiện diện chắc Apple cũng không thể nào lơ là thị trường này. Cắn được miếng táo ngọt từ Apple chắc cũng điều không phải viển vông với Việt Nam.

Các đại gia công nghệ thế giới để mắt tới Việt Nam

Với tổng vốn đầu tư 15 tỷ USD, hiện Samsung là tập đoàn công nghệ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Những khoản đầu tư lớn của tập đoàn này có thể kể đến như tổ hợp sản xuất thiết bị di dộng 7,5 tỷ USD ở phía Bắc, tổ hợp sản xuất đồ điện tử gia dụng 2 tỷ USD ở phía Nam, Samsung Display 4 tỷ USD, Samsung Electro Mechanics 2 tỷ USD,…

Đồng hương của Apple là Intel, Microsoft, Hewlett-Packard cũng sớm rót vốn vào Việt Nam. Giá trị các khoản đầu tư của các hãng công nghệ lớn vào Việt Nam bên cạnh Samsung có thể kể đến như LG 1,5 tỷ USD, Intel 260 triệu USD, Microsoft 300 triệu USD, Bosch 1 tỷ USD.

Trong những năm qua Việt Nam được xem là trung tâm sản xuất tiếp theo của châu Á với nền kinh tế tăng trưởng, lực lượng lao động trẻ và chi phí lao động thấp. Ngoài ra Việt Nam đang xây nuôi dưỡng đề án Thung lũng Silicon Việt Nam nhằm hỗ trợ các sự án startup, gọi vốn đầu tư cho doanh nghiệp liên quan đến công nghệ.

Mới đây, Microsoft Việt Nam cũng đã ký cam kết hỗ trợ cho các startup trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Giám đốc điều hành dự án Thung lũng Silicon Việt Nam cho biết trong tương lai hai bên kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hợp tác nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nếu dự án Apple đầu tư R&D vào Việt Nam được thực hiện, đây sẽ là cú hích cho toàn ngành công nghệ cũng như tác động đáng kể đến chính sách đầu tư nguồn lực của đất nước. Trong khi những nguồn lực tài nguyên dần cạn kiệt thì việc đi vào lĩnh vực sản xuất công nghệ là hướng đi sáng sủa cho kinh tế Việt Nam.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM