Mùng 2 Tết, con xé toạc bao lì xì, nói 1 CÂU khiến tôi muốn "độn thổ", hối hận vì lỡ đùa dại với con

11/02/2024 22:49 PM | Sống

Nghe con cười nói, chị L. chỉ biết ước có lỗ nẻ nào để chui xuống.

Nhắc lại câu chuyện, chị L. (Tam Nông, Phú Thọ) vẫn không khỏi ngượng ngùng, xấu hổ. Tuy nhiên, chị vẫn muốn chia sẻ để các bậc cha mẹ có cách giáo dục con khéo léo, tránh rơi vào tình huống xấu hổ như của chị. 

Chị L. thuật lại, sáng mùng 2 Tết Nguyên đán, như thông lệ, chị đưa 2 cô con gái gồm 12 tuổi và 5 tuổi sang nhà họ hàng chúc Tết. Điểm tới đầu tiên là nhà ông bà. Các con của chị xúng xính váy áo, vui vẻ háo hức, suốt chặng đường đi hỏi đủ chuyện. Chị L. cũng không quên cùng con "ôn bài" về việc cư xử khi nhận lì xì. 

Đến nhà ông bà, các con ríu rít chúc Tết ông bà, cô chú, kể đủ chuyện. Đến lúc lì xì, khi vừa nhận phong bao, con gái út 5 tuổi của chị vội vàng xé toạc ra, lấy tiền để vào túi, phong bao bỏ lại trên bàn. Con còn so sánh ông bà mừng tuổi ít hơn cô chú. 

Mùng 2 Tết, con xé toạc bao lì xì, nói 1 CÂU khiến tôi muốn "độn thổ", hối hận vì lỡ đùa dại với con - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Chị Lan chia sẻ: "Lúc đó, ước gì có lỗ nẻ nào chắc tôi cũng chui xuống, xấu hổ không biết để đâu cho hết. May đó là người nhà nên mọi người cũng thông cảm, chứ nếu là bạn bè xã giao thì chắc rất ngượng, có khi họ cười mình không biết dạy con".

Nhưng chưa dừng lại ở đó, cô con gái út còn ríu rít kể chuyện: "Bố mẹ không chỉ mua túi đẹp đựng tiền lì xì cho cháu mà còn định làm kẹp tóc in mã QR để người lớn mở hàng cho tiện cơ". 

"Nghe con nói xong, tôi sôi máu, đúng là rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Nhưng tôi cũng hối hận vì ở nhà từng trêu đùa với con như vậy. Trong tình huống này, đúng là trẻ con chẳng biết gì, trẻ chỉ thuật lại lời người lớn", chị L. bùi ngùi tâm sự.

Để không rơi vào những tình huống "dở khóc, dở cười", các bậc cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa về phong tục nhận lì xì đầu năm. Đồng thời, cha mẹ cần dạy con cách ứng xử khéo léo, lịch sự, lễ phép khi được người lớn trao phong bao đỏ. 

3 điều cấm kỵ khi nhận lì xì

1. Mở ngay phong bao lì xì

Nhiều trẻ tò mò số tiền bên trong bao lì xì nên sẽ mở ra xem. Hành vi tiềm thức này thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người tặng. 

Trẻ có hành vi như vậy sẽ bị đánh giá là thiếu lịch sự, phép tắc, cảm thấy chưa được giáo dục cẩn thận. Thậm chí trong một số trường hợp còn khiến mọi người ngại ngùng, khó xử. Chẳng hạn như trẻ sẽ chê bai nếu nhận được ít tiền hay so sánh giữa các bao lì xì. 

Vì vậy, cha mẹ cần dạy con không được mở phong bao, hay nhìn vào trong, tốt nhất nên bóc lì xì sau khi về nhà. 

Mùng 2 Tết, con xé toạc bao lì xì, nói 1 CÂU khiến tôi muốn "độn thổ", hối hận vì lỡ đùa dại với con - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

2. Không bày tỏ lòng biết ơn

Khi nhận tiền lì xì, trẻ cần bày tỏ lòng biết ơn bằng cách cúi đầu, nói lời cảm ơn, đưa 2 tay nhận. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ không chú ý đến phép tắc xã giao tối thiểu, có thể do được cha mẹ nuông chiều, chưa hướng dẫn cẩn thận. Ngoài ra còn có thể do trẻ còn nhỏ, nhút nhát, không thích nói chuyện. 

Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần dạy con bày tỏ lòng biết ơn khi nhận tiền lì xì để trẻ hiểu đây là phép tắc lịch sự tối thiểu. 

3. Trẻ nhận lì xì nhưng không có mặt bố mẹ

Khi đi thăm người thân, bạn bè trong dịp Tết, cha mẹ có thể không có mặt lúc người lớn tặng lì xì cho trẻ. Điều này có thể dẫn đến một số hiểu lầm, chẳng hạn như trẻ làm mất bao lì xì do mải chơi,....

Hay khi không có cha mẹ ở đó, nếu trẻ không đáp lại một cách lịch sự, bày tỏ lòng biết ơn kịp thời thì người lớn tuổi sẽ đánh giá không tốt. Còn nếu cha mẹ có mặt sẽ kịp thời nhắc nhở con những việc cần làm, tránh việc thiếu tôn trọng. 

Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM