Mục tiêu đến năm 2035 trở thành nước thu nhập trung bình của Việt Nam có thể gặp khó khăn nếu không thực hiện được điều này!

13/12/2017 19:59 PM | Xã hội

“Năng suất lao động vẫn tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm”, Giám đốc World Bank tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhấn mạnh tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017 diễn ra hôm nay, 13/12.

Trọng tâm của VDF lần này là tăng năng suất. Đây được xem là đòn bẩy cho tăng trưởng bền vững trong viễn cảnh phát triển trung hạn của Việt Nam.

Nói tại diễn đàn, ông Ousmane Dione khẳng định việc thúc đẩy, nâng cao năng suất là điều kiện thiết yếu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2035 trở thành nước có thu nhập trung bình.

Trong 5 năm qua, đặc biệt sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã có sự hồi phục đáng khích lệ, tuy nhiên, theo đại diện World Bank, năng suất lao động vẫn đang ở mức thấp.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.

Như vậy, với tốc độ này, ông Ousmane Dione cho rằng Việt Nam khó lòng duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore.

“Làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam tăng được năng lực sản xuất cùng một mức đầu vào?” là câu hỏi dễ đặt ra nhưng không dễ trả lời.

Ông Oursmane cho rằng việc cải thiện hiệu quả phải được thực hiện trong từng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực, và muốn vậy cần phải có thể chế thị trường hiệu quả và sự hỗ trợ của nhà nước.

Theo ông, thứ nhất, từng lĩnh vực trong nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để sản xuất hiệu quả. Ví dụ như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, tăng cường chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp hay nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực giao thông, vận tải, kho vận hậu cần, khả năng kết nối.

Tuy nhiên ngoài việc nâng cao hiệu quả, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị cũng là một yếu tố tối quan trọng để cải thiện năng suất, theo phía World Bank.

“Liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng là một yếu tố quan trọng để Việt Nam dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để từ đó nâng cao năng suất”, ông nói.

Thứ hai, ông cho rằng cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất.

Trong quá trình này, World Bank cho rằng cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực, trong đó cần có sự định hướng thị trường nhiều hơn nữa để phân bổ nguồn lực sản xuất trên cả thị trường vốn và thị trường đất đai.

Thứ ba, Việt Nam cần hết sức chú trọng đến mục tiêu phát triển giáo dục, kỹ năng và đổi mới, sáng tạo trong các giải pháp nâng cao năng suất.

Thực tế, về giáo dục cơ sở, Việt Nam đã đạt được kết quả tốt. Nhưng Việt Nam sẽ cần phải có những kiến thức, kỹ năng mới để góp phần nâng cao năng suất, và đặc biệt là đổi mới nền kinh tế nhất là trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng hơn.

Cuối cùng, để Việt Nam huy động, sử dụng các nguồn lực công khan hiếm một cách hiệu quả để đầu tư cho các mục tiêu phát triển lớn của mình trong vòng 5 năm tới, ông Oursmane cho rằng cần tăng cường nguồn thu trong nước, cùng các giải pháp nâng cao hiệu quả chi tiêu, năng lực quản lý nợ, đặc biệt là thị trường nợ trong nước, sẽ là các yếu tố quan trọng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển mà không làm nợ tăng lên đến mức thiếu bền vững.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các giải pháp tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư có chất lượng vào hạ tầng cơ sở để đóng góp đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu cấp bách về tăng năng suất lao động.

“Tôi hy vọng Luật đối tác công tư (PPP) mới, toàn diện hơn sẽ xử lý được nhiều vướng mắc hiện nay về PPP tại Việt Nam. Một vấn đề cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nguồn lực ODA sẽ cần được sử dụng một cách hiệu quả, chiến lược để bổ sung cho nguồn lực công trong nước, cũng như hướng tới thúc đẩy đầu tư tư nhân”, ông Ousmane Dione nói.

Theo Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM