Mua lại Trần Anh, Thế Giới Di Động được gì?

23/08/2017 15:40 PM | Kinh doanh

Là ông lớn có số má nhất trong ngành bán lẻ di động và nay là điện máy, nhưng Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động vẫn còn bé nhỏ ở thị trường miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Thâu tóm Trần Anh sẽ gia tăng đáng kể thị phần của Điện Máy Xanh ở khu vực này, đồng thời góp phần giải bài toán doanh thu 10 tỷ đô la của tương lai.

Mới đây, Thế Giới Di Động cũng như điện máy Trần Anh đã chính thức xác nhận thương vụ M&A giữa 2 doanh nghiệp. Theo đó, Trần Anh sẽ trình cổ đông chấp thuận đề nghị của Thế Giới Di Động: Thực hiện các giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu của Trần Anh, dẫn đến việc sở hữu trên 25% vốn điều lệ và không cần phải thực hiện chào mua công khai theo quy định về chào mua công khai.

Động thái này trùng khớp với những tin đồn trên thị trường về thương vụ sáp nhập giữa 2 chuỗi điện máy này từ cuối tháng 7, sau khi Thế Giới Di Động xin ý kiến cổ đông tăng ngân sách thực hiện M&A trong năm nay lên 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch được phê duyệt trước đó.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, sở hữu 1.500 cửa hàng trong 3 mảng điện thoại, điện máy và bách hóa, Thế Giới Di Động khi thâu tóm Trần Anh sẽ có được những gì?

Gia tăng thị phần và sức ảnh hưởng ở miền Bắc

Tổng cả hệ thống Thegioididong và Điện Máy Xanh hiện có hơn 1.500 cửa hàng trên toàn quốc, phân bố tại hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên, có sự chênh lệch rõ ràng giữa mức độ phát triển tại khu vực miền Bắc và miền Nam. Chỉ tính riêng hai thành phố lớn đại diện cho 2 khu vực thị trường quan trọng, thì TP HCM có 208 cửa hàng, còn Hà Nội chỉ có 153.

Trong lĩnh vực điện máy, chuỗi cửa hàng Điện máy Xanh càng yếu thế hơn ở miền Bắc. Hiện nắm 22% thị phần với hơn 400 cửa hàng và có mặt ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước, nhưng Điện Máy Xanh lại không hề mạnh ở thị trường phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Theo ước tính của Công ty chứng khoán HSC, tại Hà Nội, thị phần của Điện Máy Xanh khoảng 15%, chỉ ngang chuỗi Media Mart.

Việc sinh sau đẻ muộn của chuỗi này ở miền Bắc kéo theo sự eo hẹp về khả năng mở rộng, khi các vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố đều đã bị chiếm lĩnh, không còn nhiều không gian để Điện Máy Xanh mở các siêu thị theo đúng tiêu chuẩn của mình. Với kì vọng tạo đột phá mạnh mẽ khi gia nhập một thị trường cạnh tranh khốc liệt, rõ ràng lựa chọn M&A một doanh nghiệp sẵn có nền tảng là nước đi nhanh chóng và khôn ngoan hơn nhiều so với việc xây mới từ đầu.

Trong khi đó, chuỗi điện máy Trần Anh hiện có 36 trung tâm trải rộng tại miền bắc (ngoài ra có 2 trung tâm sắp khai trương tại Cầu Giấy và Lào Cai, còn 1 trung tâm khai trương nhưng phải đóng cửa chưa hẹn ngày trở lại ở đường Nguyễn Xiển). Một nửa hệ thống này của Trần Anh được đặt tại Hà Nội giúp Trần Anh nắm thị phần dẫn đầu khu vực miền Bắc và khoảng 14% thị phần cả nước.

Những năm gần đây, Trần Anh phát triển ổn định, số lượng trung tâm tăng đều qua từng năm và dự kiến đến năm 2017 sẽ có khoảng 43 trung tâm. Các trung tâm điện máy của Trần Anh đều có quy mô diện tích lớn, thay vì quy mô nhỏ và vừa của Điện Máy Xanh.

Sở hữu các siêu thị có quy mô lớn tại Hà Nội, vị trí đắc địa nhưng thực tế hiệu quả hoạt động của điện máy Trần Anh không cao, lợi nhuận hàng năm đều ở mức thấp. Việc "lọt vào mắt xanh" của người khổng lồ như Thế giới di động sẽ là cơ hội tuyệt vời để chuỗi này cải thiện được hiệu suất hoạt động thuộc nhóm thấp nhất trong ngành điện máy suốt nhiều năm qua.

Tuy hiệu suất thấp, nhưng bù lại, Trần Anh tỏ ra khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh và uy tín đáng kể ở Hà Nội. Khi thâu tóm Trần Anh, Thế Giới Di Động sẽ có thể tận dụng độ phủ về data khách hàng của Trần Anh để tiếp cận khách hàng tại Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung, củng cố sức mạnh tại địa bàn khó tính này.

Thêm phân khúc sản phẩm

Điện Máy Xanh nhắm tới đối tượng khách hàng rất rõ ràng, là các sản phẩm gia dụng. Tuy nhiên, đối tượng của Trần Anh lại rộng hơn ở chỗ, Trần Anh bán cả đồ gia dụng và đồ cho giới văn phòng, công sở.

Ngoài các sản phẩm điện máy như tivi, tủ lạnh, máy giặt như Điện Máy Xanh, Trần Anh còn có thâm niên thương hiệu về các sản phẩm máy tính cá nhân (máy để bàn) và các linh kiện cho máy tính cá nhân, như bộ vi xử lý, ram, ổ cứng...

Đây là phân khúc mà Thế Giới Di Động hoàn toàn chưa đặt chân vào, khi mới chỉ dừng lại ở kinh doanh laptop, nhưng lại là thế mạnh lớn nhất của Trần Anh suốt nhiều năm qua. Trong khi đó, theo thống kê của GFK, thị trường các sản phẩm công nghệ thông tin (bao gồm cả laptop và máy bàn) có quy mô lên tới 20.000 tỷ đồng, ngang ngửa với thị trường các sản phẩm điện tử (tivi, đầu đĩa) hay các sản phẩm điện lạnh (tủ lạnh, máy giặt).


Thị trường sản phẩm công nghệ thông tin có quy mô gần 20.000 tỷ. Nguồn: GFK

Thị trường sản phẩm công nghệ thông tin có quy mô gần 20.000 tỷ. Nguồn: GFK

Bên cạnh đó, Trần Anh còn có các sản phẩm thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy, máy fax, thiết bị chấm công, thiết bị đếm tiền, máy chiếu... và thậm chí là cả máy ảnh.

Với việc mua lại Trần Anh, Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục có thêm các mảng kinh doanh mới, phù hợp với sở trường bán lẻ của mình.

Tìm lối ra cho bài toán tăng trưởng

Năm 2017, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu gần 3 tỷ USD và muốn hướng đến con số 10 tỷ USD vào năm 2020. Nhiệm vụ là không hề dễ dàng đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cửa hàng chủ lực Thế Giới Di Động đang tăng trưởng chậm lại.

Bắt đầu từ cuối năm 2016, tốc độ mở rộng của Thế Giới Di Động chỉ còn khoảng 10-20 cửa hàng mỗi tháng, thay vì "mỗi ngày mở 2 cửa hàng" như giai đoạn trước đó. Thậm chí trong những tháng vừa qua, số cửa hàng mở mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, doanh thu Thế Giới Di Động vẫn chỉ ở trong khoảng 2.700 tỷ đồng mỗi tháng, hiếm hoi mới có tháng vượt qua con số 3.000 tỷ đồng (là tháng cận Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao).


Chuỗi Thế Giới Di Động vẫn tăng trưởng, nhưng tốc độ đang chậm lại

Chuỗi Thế Giới Di Động vẫn tăng trưởng, nhưng tốc độ đang chậm lại

Trong khi Thế Giới Di Động đã bão hòa, chuỗi Bách Hóa Xanh do công ty mới mở vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, tỷ lệ đóng góp vào toàn công ty vẫn còn ở mức thấp.

Vì vậy, động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động năm nay trông cậy cả vào thị trường điện máy. Tại đây, chuỗi Điện Máy Xanh sau giai đoạn ồ ạt mở rộng và rầm rộ quảng cáo hồi cuối năm ngoái, đã thực sự bùng nổ. Doanh thu tháng 7/2016 khoảng 1.000 tỷ đồng thì chỉ 1 năm sau đã lên tới 2.500 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2017, Điện Máy Xanh đóng góp gần 13.400 tỷ đồng doanh thu cho toàn công ty, chiếm 43% tổng doanh thu, và đang bám đuổi sát nút doanh thu của chuỗi Thế giới di động.


Điện Máy Xanh sắp đuổi kịp TGDĐ về mặt doanh thu

Điện Máy Xanh sắp đuổi kịp TGDĐ về mặt doanh thu

Có Trần Anh trong tay, thị phần lĩnh vực điện máy của Thế Giới Di Động sẽ lên khoảng 37% và với tốc độ phát triển như hiện tại, mảng điện máy sẽ ngang ngửa tất cả các chuỗi siêu thị hay cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống cộng lại. Tốc độ tăng trưởng khi đó sẽ được đảm bảo cho 1-2 năm tới, chờ đến khi "vũ khí chủ lực" Bách Hóa Xanh xây dựng được thị trường.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM