Mua hoa chiều 30 Tết và suy ngẫm về nền kinh tế 'tình thương'

04/02/2019 18:19 PM | Xã hội

TS. Huỳnh Thế Du cho rằng việc mua hoa chiều 30 Tết là theo quy luật cung cầu từ thị trường, không cần nền kinh tế "tình thương" để sửa chữa cho điều không thể sửa chữa.

Bà Nguyễn Thị Tâm, quê Bình Định, chủ hàng hoa Tết ở công viên văn hóa Phú Nhuận trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP HCM nói năm ngoái, bà bán hàng tới tối 30 với giá rẻ, chấp nhận lỗ. Với một số loại hoa như cúc, cúc vạn thọ, do không thể mang về cho năm sau, bà đành bỏ. "Bán như cho mà không ai mua nên phải đập bỏ. Chuyện người mua mua hoa 'vớt' đêm 30 Tết và người bán bán rẻ như cho trước giao thừa, tôi quen rồi", bà chia sẻ.

Bên cạnh hàng của bà Tâm là hàng bán hoa giấy, hoa lan đắt tiền. Ông chủ hàng này chia sẻ năm nào ông cũng bán đến gần giao thừa. "Cơm cúng tổ tiên nhờ cả mấy đứa con chuẩn bị. Có năm vợ chồng tôi về đến nhà là đúng giao thừa, xông nhà luôn", ông nói.

Năm nay, giá hoa không tăng nhiều so với năm trước nhưng lượng bán cũng chưa được nhiều, có thể do nhiều người chưa nghỉ lễ. Với ông, việc bán hoa đến tận đêm 30 Tết đã quá quen thuộc. Song không phải đêm 30 Tết nào ông cũng thất bát. Có những năm "cháy" hàng hoa giấy nên giá bán cao ngút. Năm đó, nhà ông có cái Tết no ấm.

Chuyện mua hoa Tết đêm 30 tưởng như đã thành thông lệ với những người bán hoa và chơi hoa. Người bán mong hết hàng, giá cao. Người mua cầu được hoa đẹp mà giá phải chăng.

Chị Thủy, quê Hải Dương, nhân viên văn phòng ở quận 1, TP HCM, cho biết dù ăn Tết ở quê hay Sài Gòn, năm nào chị cũng đi mua hoa đêm 30 Tết, phần vì giá rẻ, phần vì muốn trải nghiệm cảm giác đêm cuối cùng của năm cũ với những cảnh mua bán. Hoa đẹp hay xấu cũng là chuyện hên xui, chị muốn thử vận của chính mình.

Tuy nhiên, cận Tết, mạng xã hội có lan truyền một lời nhắn: "Đừng đợi đến 30 Tết mới mua hoa". Câu nói đánh vào tâm lý nhiều người, trở thành chủ đề gây tranh cãi với hai luồng quan điểm ủng hộ hoặc phản đối.

Giống như việc "giải cứu nông sản", nhiều người cho rằng không nên ép giá những người trồng hoa đã vất vả mấy tháng ròng, thậm chí cả năm trời để chăm sóc; ngược lại cần ủng hộ họ, để họ có một cái Tết bội thu. Nhóm khác thì quan điểm, mua bán theo giá thị trường, ai được người đó hưởng.

Bình luận về cuộc chiến "mua hoa đêm 30", TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, phân tích dưới con mắt quan sát về sự vận hành của cơ chế thị trường kết hợp tính duy lý và không duy lý của con người.

Mua hoa chiều 30 Tết và suy ngẫm về nền kinh tế tình thương - Ảnh 1.

TS. Huỳnh Thế Du. Ảnh: N.Dương.

Thứ nhất, ông cho rằng đây là tình huống kinh điển của cơ chế phân biệt giá. Theo đó, trực giác mách bảo người trồng hoa khi mang ra chợ bán dịp Tết rằng để đảm bảo mức lợi nhuận yêu cầu, những ngày đầu phải bán giá cao hơn mức hoà vốn, sau đó giá thường giảm dần và khi giao thừa sắp điểm có thể cho không vì còn tốt hơn phải mang đi bỏ.

Những người mua trước chấp nhận trả giá cao hơn vì “độ sướng” hay độ thỏa dụng của họ lớn hơn số tiền bỏ ra, trong khi những người mua sau thì “độ sướng” thấp hơn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp là phi lý trí có thể đoán định khác.

TS Huỳnh Thế Du nói các hãng làm ăn chuyên nghiệp ở các nước phát triển biết cách thức nêu trên và cũng bán hàng như vậy đối với những hàng hóa theo thời vụ hoặc có tính thời trang. Cho nên, được mùa mất giá là do quy luật cung - cầu. Người trồng hoa cũng như bao cây trồng khác đều biết được điều này và mỗi người chọn như thế nào (trồng nhiều hay ít) tùy vào khẩu vị rủi ro và dự báo về thị trường sắp tới của mình. Phán đoán thì có lúc đúng, lúc sai nên cũng có khi được, khi thua.

Vì vậy, thị trường hoa ngày Tết là một thị trường thông thường và hoạt động ổn định, lặp đi lặp lại nên đa phần thường có được mức thu nhập như kỳ vọng. Chỉ có những người không biết kinh doanh hoặc rủi ro bất khả kháng mới thua lỗ và phải bỏ cuộc.

Không phải chợ hoa mà kinh doanh mặt hàng theo thời vụ nào cũng thế. Do vậy, không cần nền kinh tế “tình thương” để sửa chữa điều không thể sửa chữa (quy luật cung cầu) của thị trường.

Thứ hai, ông chỉ ra sự phi lý trí của con người. Ông lấy dẫn chứng cảnh cậu thanh niên đập chậu hoa cúc ngay trước mặt vợ chồng một mệnh phụ gần giao thừa vì cho rằng họ giàu mà keo kiệt. Hai vợ chồng ăn mặc đẹp đi xe sang mà kỳ kèo bớt một thêm hai. Nếu là một người nào đó ăn mặc bình thường đi xe máy có lẽ cậu kia đã vui vẻ bán chậu hoa kèm lời chúc mừng năm mới rồi.

Tuy nhiên, cậu thanh niên kia đâu biết rằng nếu đồng ý bán thì có thể sẽ được boa thêm một số đáng kể hơn số tiền đề nghị giảm rất nhiều. Duy lý một chút thôi là có thể cả hai đã có cái Tết vui vẻ. Song, lý do cò kè bớt một thêm hai của vợ chồng nhà kia có thể muốn mua được chậu hoa rẻ về khoe với ông hàng xóm.

TS. Du kết luận cơ chế thị trường là như vậy. Nhìn các nước phát triển sẽ thấy rằng giải pháp cho việc “mua hoa chiều 30 Tết” là để thị trường hoạt động đầy đủ theo các quy luật của nó. Nhà nước chỉ tập trung sửa chữa các khuyết tật của thị trường và đảm bảo công bằng chứ không nên cổ súy cho nền kinh tế “tình thương”.

Theo Khổng Chiêm

Từ khóa:  kinh tế
Cùng chuyên mục
XEM