'Mù tịt' về định giá công ty nên đưa ra mức offer cao ngất ngưởng, nhà khoa học với sản phẩm phát hiện chất cấm trong thực phẩm đành ra về trắng tay

31/12/2017 08:14 AM | Kinh doanh

Chưa đăng ký sở hữu trí tuệ, định giá công ty quá cao là những điểm trừ khiến startup về các sản phẩm thử chất cấm trong thực phẩm phải ra về tay không.

Kêu gọi 10 tỷ đồng cho 40% cổ phần công ty

Trong tập 8 của Shark Tank, nhà khởi nghiệp “không còn trẻ” Ngọc Lan - người phụ nữ đã khá nổi tiếng trong giới sản xuất các chế phẩm sinh hóa và môi trường. Startup - Công ty TNHH Sinh hóa môi trường Bình Lan, mang đến Shark Tank sản phẩm kiểm tra nhanh chất cấm trong thực phẩm (test kit) dành cho người tiêu dùng trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn đang là điều mà xã hội quan tâm.

Nhà khoa học Ngọc Lan kêu gọi 10 tỷ đồng cho 40% cổ phần công ty.

Theo trình bày của founder, công ty thành lập được 2 năm rưỡi. Năm thứ nhất doanh thu 150 triệu đồng. Năm thứ 2 là 300 triệu đồng. Năm thứ 3 là 500 triệu đồng. Công ty chỉ có 2 nhân viên và 'Sinh hóa môi trường Bình Lan' là nghề tay trái của founder, bên cạnh việc dạy học và nghiên cứu khoa học.

Mù tịt về định giá công ty nên đưa ra mức offer cao ngất ngưởng, nhà khoa học với sản phẩm phát hiện chất cấm trong thực phẩm đành ra về trắng tay - Ảnh 1.

Sản phẩm chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ

Một trong những điểm trừ mà Shark Phú phát hiện ra là sản phẩm của Bình Lan chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Khi hỏi ra, các cá mập mới rõ rằng sản phẩm kiểm tra chất cấm của Bình Lan chưa đăng ký sở hữu trí tuệ.

- Shark Phú: Nếu chị chưa đăng ký sở hữu trí tuệ mà giả sử em đầu tư rồi, rồi chị ghét tôi, chị chuyển sang cho người khác sản xuất thì sao?

- Founder Ngọc Lan: Chuyển giao là như thế nào?

- Shark Phú: Là chị chuyển giao công nghệ cho người khác và thu lợi từ đó.

- Founder Ngọc Lan: Chuyển thì tôi cũng bị thiệt luôn.

Sau đó Shark Phú giải thích thêm rằng, phải đăng ký bản quyền thì mới cộng vào giá trị công ty. Còn khi vẫn nằm trong đầu founder thì chưa có giá trị gì cả.

Founder “mù tịt” về định giá công ty, nên kêu gọi mức đầu tư quá cao

Shark Phạm Thanh Hưng nhận xét rằng sản phẩm có thị trường nhưng thực sự có vấn đề về việc đưa ra mức tiền cần kêu gọi. Và con số đó khiến nhà đầu tư và founder không gặp được nhau. Vậy nên Shark Vương không đầu tư.

Cá mập Thái Vân Linh rất hứng thú với sản phẩm của nhà khoa học Ngọc Lan nhưng shark này chưa thấy khả năng bán hàng. Để huấn luyện khách hàng, không phải khó nhưng không phải dễ và con đường cho marketing còn xa. Nên nhà đầu tư Linh Thái không đầu tư.

Nhà đầu tư Trần Anh Vương cho rằng tại thành phố, bà nội trợ đã hướng đến các sản phẩm an toàn và có truy xuất nguồn gốc. Đây là trở ngại khi thị trường thực phẩm an toàn phát triển mạnh hơn. Nên shark Vương không đầu tư.

Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Egroup, chung ý kiến với Shark Hưng rằng sản phẩm có thị trường nhưng founder đề nghị 10 tỷ đồng với gần nửa cổ phần công ty là chưa hợp lý nên Shark Thủy không đầu tư.

Shark Phú cũng cho rằng nhà sáng lập đã định giá công ty không đúng nên dù muốn nhưng ông Phú không thể đầu tư.

Thương vụ kết thúc với việc nhà khoa học Ngọc Lan không gọi được vốn. “Về định giá, tôi mù tịt. Tôi nghĩ, đưa ra giá sẽ ở nhiều giai đoạn khác nhau. Nói về quyền sở hữu trí tuệ thì tôi thấy vấn đề này rất quan trọng”, founder Ngọc Lan nói.

Về Công ty TNHH Sinh hóa môi trường Bình Lan

- Mô tả: sản phẩm kiểm tra nhanh chất cấm trong thực phẩm (test kit) cho người tiêu dùng trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang được quan tâm.

- Doanh thu: Năm thứ nhất doanh thu 150 triệu đồng. Năm thứ 2 là 300 triệu đồng. Năm thứ 3 là 500 triệu đồng.

- Nhân sự: 2 người.

- Kêu gọi 10 tỷ cho 40% cổ phần công ty.

- Kết quả: Không gọi được đầu tư.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM