Một tài xế bức xúc hỏi Bộ Tài chính vì sao cải tạo đường cũng thu phí như làm mới, và đây là câu trả lời

03/06/2016 15:55 PM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều người dân bức xúc cho rằng những tuyến đường cải tạo, nâng cấp từ đường cũ nhưng lại thu phí bằng với mức đường BOT làm mới là không hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà xe.

Bên cạnh một số tuyến đường mới xây dựng bằng hình thức BOT có thu phí thì có khá nhiều tuyến đường đã và đang được cải tạo, nâng cấp bằng hình thức BOT và cũng lập trạm thu phí.

Điều đáng nói, những tuyến đường cải tạo, nâng cấp không phải tốn quá nhiều tiền vào việc giải phóng mặt bằng, đắp nền đường, mở rộng vỉa hè… như xây dựng mới nhưng lại có mức phí tương đương với các đường được đầu tư mới khiến nhiều người dân bức xúc.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các dự án BOT giao thông” do Báo giao thông tổ chức, trả lời câu hỏi một độc giả là tài xế xe khách, vì sao cải tạo đường hay làm mới đường cũng thu 35.000 đồng, có hợp lý hay không? Ai kiểm soát việc này?

Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính cho hay: Tôi chia sẻ với băn khoăn về mức phí dự án BOT từ người dân. Bộ Tài chính ban hành mức khung thu phí đối với từng dự án cụ thể dựa trên cơ sở tính toán từng chi phí đầu tư, lưu lượng phương tiện chạy qua đảm bảo phương án thu khả thi cho chủ đầu tư.

Dự án làm mới hay tăng cường (thảm mặt đường) đều là hoạt động đầu tư được tính toán trên cơ sở phí đầu tư và lưu lượng.

Bộ GTVT có trách nhiệm xây dựng kịch bản đàm phán thống nhất mức phí đối với chủ đầu tư. Theo quy trình, trên cơ sở Bộ GTVT với chủ đầu tư thống nhất xây dựng kịch bản thu phí, Bộ Tài chính sẽ ra thông tư thẩm định mức phí đối với dự án.

Trên thực tế, ngoài những dự án xây mới hoàn toàn bằng BOT như cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây; TP.HCM – Trung Lương… thì có khá nhiều dự án BOT giao thông là cải tạo, nâng cấp từ đường cũ, chỉ mở rộng thêm hoặc cải tạo mặt đường.

Có thể điểm qua như dự án cải tạo nâng cấp QL 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (45 km) sau hơn 18 tháng triển khai, với tổng vốn đầu tư 4.210 tỷ đồng đã triển khai thu phí từ 25/5 với mức phí từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt/xe (tùy theo tải trọng).

Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình) với chiều dài hơn 30 km được phép thu phí tháng 10/2015. Đây là dự án nâng cấp, cải tạo nằm trong dự án với tổng vốn 2.942 tỷ đồng.

Một dự án khác là cải tạo nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1 có chiều dài 29 km, mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn là 6.731 tỷ đồng). Đây là dự án tận dụng đường cũ với bề rộng nền đường là 25 m, để cải tạo thành đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Dự án này đã hoàn thành và thu phí vào tháng 10/2015 với giá vé 10.000 đến 180.000 đồng/vé/lượt phương tiện, tùy theo đoạn tuyến…

Giai đoạn 2 của dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ có mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, bao gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe; bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ được đưa vào khai thác đầu năm 2018.

K.L

Cùng chuyên mục
XEM