Một quốc gia châu Mỹ tăng nhập khẩu “hạt vàng” của Việt Nam hơn 4.000% trong 5 tháng đầu năm, gấp hơn 23 lần so với cả năm 2022 cộng lại

28/06/2023 17:05 PM | Kinh tế vĩ mô

Chỉ trong 5 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu gạo sang quốc gia này gấp 23 lần so với cả năm 2022 cộng lại.

Một quốc gia châu Mỹ tăng nhập khẩu “hạt vàng” của Việt Nam hơn 4.000% trong 5 tháng đầu năm, gấp hơn 23 lần so với cả năm 2022 cộng lại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2023 cả nước xuất khẩu 724.609 tấn gạo, tương đương 390,58 triệu USD, giảm 30,6% về lượng và giảm 28,5% về kim ngạch so với tháng trước đó. Giá xuất khẩu đạt 539 USD/tấn, tăng nhẹ 3% so với tháng 4/2023. So với tháng 5/2022, xuất khẩu gạo tăng 2% về lượng và tăng 12,5% về kim ngạch.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm, sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 3,62 triệu tấn, tương ứng với 1,92 tỷ USD, tăng mạnh 30,7% về lượng và 41,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Xét về thị trường, Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt với 1,53 triệu tấn, tương đương với 772,43 triệu USD, chiếm tỉ trọng về lượng và kim ngạch lần lượt là 42,3% và 40,3%. Như vậy xuất khẩu vào thị trường Philippines trong 5 tháng đầu năm tăng 20,6% về lượng và tăng 31% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên xét về mức tăng, bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu về mức tăng nhập khẩu gạo Việt với hơn 16.000% trong 5 tháng đầu năm, Chile là thị trường tiềm năng của Việt Nam khi ghi nhận mức tăng hơn 4.121%.

Một quốc gia châu Mỹ tăng nhập khẩu “hạt vàng” của Việt Nam hơn 4.000% trong 5 tháng đầu năm, gấp hơn 23 lần so với cả năm 2022 cộng lại - Ảnh 2.

Cụ thể, xuất khẩu gạo Việt sang Chile trong 5 tháng đầu năm đạt 6.289 tấn với kim ngạch đạt hơn 2,8 triệu USD, tăng 4.121% về lượng và tăng hơn 2.840% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Với 6.289 tấn gạo, xuất khẩu gạo sang Chile tăng gấp 42 lần so với 149 tấn của cùng kỳ năm 2022 và gấp 23 lần so với tổng sản lượng 262 tấn trong cả năm 2022, là thị trường đứng thứ 2 về mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên xét về tỉ trọng, thị trường này chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng sản lượng xuất khẩu của gạo Việt.

Một quốc gia châu Mỹ tăng nhập khẩu “hạt vàng” của Việt Nam hơn 4.000% trong 5 tháng đầu năm, gấp hơn 23 lần so với cả năm 2022 cộng lại - Ảnh 3.

Hai nước Việt Nam và Chile có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và cả hai đều là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với lợi thế này, trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của hai nước gia tăng đáng kể. Việt Nam có thế mạnh trong việc xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, nông sản, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa như máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, nguyên vật liệu cho ngành dệt may...

Thị trường Chile vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam do đây là thị trường mở, thuế nhập khẩu trung bình xếp vào loại trung bình thấp của thế giới, dưới 2%. Dự báo đây sẽ tiếp tục là một thị trường tiềm năng cho hạt gạo Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.

Theo Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM