Một năm thực hiện Nghị quyết 35: Còn rất nhiều việc phải làm phía trước đang chờ Chính phủ kiến tạo

17/05/2017 09:25 AM | Kinh tế vĩ mô

Phát biểu khai mạc Hội nghị sáng nay, Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Một năm sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, sáng nay "Hội nghị Diên Hồng" giữa Thủ tướng và Doanh nghiệp diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi "Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Pari"; chí sĩ Lương Văn Can "việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy"... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Những động thái quyết liệt của Chính phủ

Theo tổng kết của Báo điện tử Chính phủ, về đóng góp tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực tư nhân: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.485 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 557,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 579,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 39% và tăng 9,7%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 347,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,4%. Như vậy, mục tiêu này bước đầu đạt được so với mục tiêu năm 2020, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tinh thần quyết tâm thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp của Thủ tướng Chính phủ không chỉ được các cơ quan nhà nước, địa phương hưởng ứng mạnh mẽ mà đã lan toả sang cả khu vực tư nhân. Trong năm 2016, hàng trăm hội nghị, hội thảo, sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức; 28 không gian làm việc chung và sáng tạo ra đời, đa số của tổ chức tư nhân; mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân cho khởi nghiệp bắt đầu được hình thành; nhận thức của cả xã hội về khởi nghiệp đã được nâng lên đáng kể.

Về các chính sách, biện pháp hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã được rà soát, đánh giá và đề xuất lồng ghép vào Luật Hỗ trợ DNNVV. Việc sửa đổi, bổ sung chức năng và nhiệm vụ của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… đang được các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp, khẩn trương xây dựng để tằng cường nguồn vốn cho DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được thực hiện. Các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai. Các địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Điện Biên, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Cần Thơ, Sóc Trăng… đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp một cách tích cực. Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xin ý kiến để sớm trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các nội dung về khởi nghiệp đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đưa vào chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg theo hướng tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, dự kiến đến 2020 chỉ còn 103 DNNN, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực: quốc phòng an ninh, xổ số, truyền tải điện, in đúc tiền, công ích, xuất bản.... Quyết định nêu rõ 137 doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020, trong đó bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: sản xuất, kinh doanh bán lẻ điện, hóa chất cơ bản, thuốc lá, khai thác khoáng sản quy mô lớn, dịch vụ viễn thông, tài chính ngân hàng. Việc thực hiện quyết liệt công tác cổ phần hoá DNNN sẽ mở ra thị trường, nhường chỗ cho khu vực tư nhân tham gia.

Còn rất nhiều việc phải làm

Hôm nay, có khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…

"Điều này cân đối với vai trò và số lượng của khu vực tư nhân với nền kinh tế. Hiện cả nước chỉ còn khoảng 300 doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta đặt mục tiêu tới năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp thì cũng chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Nói tới doanh nghiệp thì vai trò, số lượng chủ yếu vẫn là doanh nghiệp tư nhân", ông Lê Mạnh Hà Phó Chủ nhiệm VPCP, cho biết.

Dù chiếm số lượng lớn nhưng Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Phạm Thu Hằng cho rằng tỷ lệ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ có xu hướng tăng. "Có đến trên hai phần ba các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp siêu nhỏ, dưới 10 lao động. Họ không muốn lớn", bà Hằng nói.

Thực tế cho thấy, Chính phủ đã ra nhiều văn bản, nghị quyết nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, nhưng đà rút lui của các doanh nghiệp khỏi thị trường không chững lại với hơn 31.000 doanh nghiệp 4 tháng đầu năm nay, và hơn 60.000 doanh nghiệp trong năm ngoái, so với gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới bốn tháng đầu năm nay và 110.000 doanh nghiệp thành lập mới năm ngoái.

Dưới góc độ người làm thực tế, ông Hoàng Quang Đông - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu (Hưng Yên) cũng chia sẻ: Trong những năm qua, số lượng các DN tư nhân ngày càng tăng mạnh, song vòng luẩn quẩn nhỏ lẻ, nguồn lực hạn chế, dẫn đến khó tiếp cận vốn, đất đai đang khiến quy mô nhiều DN tư nhân giậm chân tại chỗ, khó đầu tư sản xuất lớn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng có 5 vấn đề mấu chốt nhất để phát triển kinh tế tư nhân cần được gấp rút thực hiện bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, gỡ bỏ những gì là rào cản, vướng mắc với doanh nghiệp. Nhiều quy định hiện hành vẫn không phù hợp với cơ chế thị trường, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, từ đó không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nhũng nhiễu.

Thứ hai, cần đẩy mạnh chống tham nhũng. Bởi chi phí không chính thức đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp. "Trên thị trường, nhiều khi chỉ hơn kém 0,5% chi phí thôi đã đủ tạo nên sự khác biệt lớn về khả năng cạnh tranh. Trong khi đó tại Việt Nam, gánh nặng chi phí không chính thức vẫn rất lớn", ông Thành nói.

Thứ ba, cần giảm lãi suất vay vốn. Trong khi ở nhiều nước, lãi suất chỉ ở mức 2-3% thì ở Việt Nam, lãi suất phổ biến hiện nay vẫn ở mức 9-10%, nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Thứ tư, có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration – SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ. Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thì sẽ giúp xem xét ý tưởng khởi nghiệp đó có khả thi không, có trùng với các ý tưởng khác không… để tránh đi vào con đường người khác đã đi.

Thứ năm là tăng cường đào tạo, có thể thông qua các lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ cho các doanh nhân. Điều này đòi hỏi một chiến lược, kế hoạch đào tạo tổng thể của nhà nước và có sự tham gia của các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu….

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM