Môi trường không trọng lực khiến máu của phi hành gia chảy ngược, hiện tượng này rất nguy hiểm

20/11/2019 20:06 PM | Công nghệ

Các cục máu đông có thể gây tử vong nếu chúng tiếp tục di chuyển đến phổi.

Môi trường không trọng lực ngoài vũ trụ có thể gây ra những tác động kỳ lạ và đáng sợ lên cơ thể con người. Một trong số đó là hiện tượng máu chảy ngược.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, các nhà khoa học đã phát hiện hai phi hành gia, một nam một nữ có máu chảy ngược trong tĩnh mạch cảnh. Dòng máu chảy ngược đã tạo điều kiện cho những cục máu đông nhỏ hình thành – một điều kiện có thể dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, rất may mắn là cả hai phi hành gia của chúng ta vẫn an toàn và khỏe mạnh. Họ đã được cho uống thuốc làm loãng máu để đánh tan cục máu đông.

Nghiên cứu này cũng khởi động một chương trình sàng lọc sức khỏe cho nhiều phi hành gia đã từng thực hiện nhiệm vụ trên không gian và trở về Trái Đất. Nếu phát hiện các cục máu đông hình thành do hiện tượng máu chảy ngược, họ cũng sẽ cần được theo dõi và điều trị.

Tĩnh mạch cảnh là một trong hai tĩnh mạch có ở vùng cổ của nhiều loài động vật, bao gồm cả con người. Nó có nhiệm vụ nhận máu từ đầu và cổ nhập với các tĩnh mạch dưới đòn rồi đổ vào tĩnh mạch chủ trước về tim.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã tìm thấy dòng máu chảy ngược trong tĩnh mạch cảnh trong trái của một số phi hành gia. Đó là một trong hai con đường di chuyển của máu ra khỏi đầu khi chúng ta nằm xuống.

Khi chúng ta đứng thẳng, tĩnh mạch cảnh gần như bị đóng lại để ngăn quá nhiều máu chảy ra khỏi đầu dưới tác động của trọng lực. Dòng máu khi đó phải lưu thông qua một con đường khác vòng vèo hơn, với nhiều sức cản hơn.

Trên Trái Đất, thỉnh thoảng các bác sĩ vẫn phát hiện một ai đó có máu chảy ngược trong tĩnh mạch cảnh trái. Trường hợp này sẽ xảy ra nếu một bệnh nhân có những điểm tắc nghẽn bên dưới cổ, chẳng hạn như một khối u đang phát triển trong lồng ngực.

Môi trường không trọng lực trước đây đã từng được biết đến với tác động làm thay đổi lưu lượng máu trong hệ tuần hoàn của phi hành gia. Vì vậy, tiến sĩ Karina Marshall-Goebel, một nhà nghiên cứu đến từ công ty KBR ở Houston và các đồng nghiệp đã tự hỏi: Liệu môi trường không trọng lực có tác động đến sự lưu thông máu trong tĩnh mạch cảnh hay không?

Họ đã thực hiện các phép đo và siêu âm mạch máu ở 11 phi hành gia, bao gồm 9 nam và 2 nữ trước khi họ lên đường thực hiện nhiệm vụ của mình. Các phép đo tương tự được lặp lại ở thời điểm họ đã lên Trạm vũ trụ quốc tế, sau ngày thứ 50 và ngày thứ 150 trong chuyến hành trình.

Kết quả cho thấy hai phi hành gia có hiện tượng máu chảy ngược trong tĩnh mạch cảnh – một tác động của môi trường không trọng lực khiến các cơ quan trong ngực trôi nổi và gây áp lực lên các tĩnh mạch thấp hơn, tiến sĩ Marshall-Goebel nói.

Cô lưu ý thêm rằng tĩnh mạch cảnh rất nhạy cảm với áp lực và nó vẫn thường bị chặn bởi vị trí đặc biệt của nó trong cơ thể.

 Môi trường không trọng lực khiến máu của phi hành gia chảy ngược, hiện tượng này rất nguy hiểm - Ảnh 1.

Tĩnh mạch cảnh rất nhạy cảm với áp lực và nó vẫn thường bị chặn bởi vị trí đặc biệt của nó trong cơ thể.

Ngoài hai phi hành gia có máu chảy ngược, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện 5 thành viên khác của phi hành đoàn có máu bị ứ đọng trong tĩnh mạch cảnh. Một phi hành gia thậm chí còn phát triển một cục máu đông.

"Đó là tình trạng đáng báo động", Marshall-Goebel cho biết. Các cục máu đông có thể gây tử vong nếu chúng tiếp tục di chuyển đến phổi, vì vậy phi hành gia này ngay lập tức được cho sử dụng thuốc làm loãng máu để phá vỡ nó.

Sau phát hiện bất ngờ này, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Marshall-Goebel cũng đã yêu cầu một cuộc tổng sàng lọc kết quả siêu âm của một nhóm phi hành gia khác đã trở về Trái Đất.

Kết quả là một phi hành gia cũng được phát hiện với cục máu đông trong người. Tiến sĩ Marshall-Goebel cho biết hai phi hành gia này có một nam và một nữ. Cô lưu ý rằng các phi hành gia nữ có thể dùng một biện pháp để hạn chế các cục máu đông, đó là ngừng việc uống thuốc tránh thai để kìm hãm kinh nguyệt.

Đối với các phi hành gia là nam giới, họ được cho thử nghiệm một thiết bị trên Trạm vũ trụ Quốc tế. Thiết bị này yêu cầu phi hành gia chui vòng trong, đưa phần thân dưới của vào một buồng có áp suất không khí thấp hơn trong một giờ. Áp suất thấp sẽ hút thêm máu xuống chân để mô phỏng lại hiệu ứng trọng lực như ở dưới mặt đất.

Tuy nhiên, phương pháp này hiện chưa tỏ ra hiệu quả. Trong khi 10 phi hành gia đã cho thấy sự cải thiện lưu lượng máu, hai người trong số 17 phi hành gia thử nghiệm thiết bị này lại lưu thông máu kém hơn.

 Môi trường không trọng lực khiến máu của phi hành gia chảy ngược, hiện tượng này rất nguy hiểm - Ảnh 2.

Môi trường không trọng lực có thể là tác nhân khiến máu chảy ngược trong tĩnh mạch cảnh của phi hành gia.

"Con người đã bay vào vũ trụ được hơn 50 năm, nhưng đây là báo cáo đầu tiên về những cục máu đông trong tĩnh mạch của phi hành gia trên các chuyến bay vũ trụ", các tác giả nghiên cứu viết.

Phát hiện này yêu cầu các nhà khoa học phải thực hiện nhiều nghiên cứu theo dõi về hiện tượng máu chảy ngược và vón cục trong những chuyến bay không gian. Đó là những biện pháp kiểm an toàn cần thiết, giúp chúng ta tiến tới các chuyến bay dài ngày trong tương lai, chẳng hạn như nhiệm vụ đổ bộ Sao Hỏa.

Theo Zknight

Cùng chuyên mục
XEM