Mọi người đã không còn quan tâm tới ăn kiêng nữa, nhưng cũng không biết ăn thế nào cho lành mạnh

13/07/2016 14:53 PM | Kinh tế vĩ mô

Một cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy khoảng 94% số người Mỹ không thực hành chế độ ăn kiêng. Tồi tệ hơn, khoảng 77% số người được hỏi cho rằng các sản phẩm ăn kiêng không tốt cho sức khỏe như quảng cáo và có đến 61% cho rằng các sản phẩm này thậm chí có hại cho người dùng.

Trong nhiều năm qua, người Mỹ đã say mê với những thương hiệu thực phẩm dành cho người ăn kiêng mà theo các hãng sản xuất, chúng sẽ đảm bảo khiến người dùng giảm cân.

Với yếu tố này, hàng loạt những hãng thực phẩm dành cho người ăn kiêng như Jenny Craig, Weight Watchers và Lean Cuisine với các sản phẩm có hàm lượng calo thấp, ít béo đã thu được lợi nhuận vô cùng lớn.

Ngay cả những hãng nước ngọt có ga như Coca Cola hay Pepsi cũng phải cuốn theo trào lưu này khi tung ra loạt sản phẩm ít béo “Diet”.

Tuy nhiên, có lẽ thời hoàng kim của ngành thực phẩm ăn kiêng đã qua. Theo giáo sư Susan Robert, một chuyên gia dinh dưỡng, trào lưu ăn kiêng đang trên đà thoái trào. Người tiêu dùng hiện nay đều hiểu rằng ăn kiêng đồng nghĩa với việc hấp thu ít chất dinh dưỡng hơn và họ cũng hiểu được rằng phương pháp này không tốt cho sức khỏe.

Công ty nghiên cứu thị trường Mintel mới đây cho biết ngày càng ít người Mỹ mua các sản phẩm dành cho người ăn kiêng. Một cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy khoảng 94% số người Mỹ không thực hành chế độ ăn kiêng. Tồi tệ hơn, khoảng 77% số người được hỏi cho rằng các sản phẩm ăn kiêng không tốt cho sức khỏe như quảng cáo và có đến 61% cho rằng các sản phẩm này thậm chí có hại cho người dùng.

Theo Mintel, người tiêu dùng Mỹ hiện nay đã không còn ăn kiêng theo kiểu truyền thống trước đây, nghĩa là theo một chương trình ăn kiêng nào đó hoặc sử dụng các sản phẩm ăn kiêng theo một chế độ cụ thể nào. Hơn nữa, xã hội ngày nay ngày càng chấp nhận các kích cỡ cơ thể khác nhau cũng như thừa nhận vẻ đẹp một cách đa dạng hơn, qua đó làm giảm vị thể của hình thể eo thon cũng như việc giảm cân.


Người mẫu béo Iskra Lawrence đang ngày càng nổi tiếng nhờ trào lưu béo khỏe béo đẹp

Người mẫu béo Iskra Lawrence đang ngày càng nổi tiếng nhờ trào lưu "béo khỏe béo đẹp"

Những yếu tố trên thực sự đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến ngành ăn kiêng. Trong khoảng 2014-2015, doanh số của hãng sản xuất đồ đông lạnh nạc cho người ăn kiêng đã giảm từ 700 triệu USd xuống 600 triệu USD, tương đương mức giảm 15%.

Trong khi đó, những hãng thực phẩm ăn kiêng khác như Weight Watchers, Medifast và Jenny Craig cũng có doanh thu suy giảm vài năm trở lại đây. Doanh số của sản phẩm thuốc giảm cân hay những dược phẩm cho người ăn kiêng tại Mỹ cũng giảm 20% trong năm 2015.

Giáo sư Robert cho biết nhiều người Mỹ đã mua những loại sản phẩm trên và thực hành theo các loại chương trình ăn kiêng nhưng chẳng đem lại kết quả đáng kể nào, qua đó làm xói mòn niềm tin vào những lời quảng cáo của công ty. Mỗi lần thất bại trong chế độ ăn kiêng sẽ làm người dùng hoài nghi hơn về sản phẩm cho đến khi họ từ bỏ hoàn toàn.

Chuyên gia tâm lý Jean Fain của trường Harvard Medical School nhận định các chương trình ăn kiêng như của Weight Watchers chỉ có tác dụng ngắn hạn và thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng về dài hạn.

Mặc dù việc kiểm soát calo trong chế độ ăn uống vẫn phổ biến đối với những người ăn kiêng, nhưng ngày nay họ cũng lưu ý hơn đến một chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn là ăn kiêng vô tội vạ để giảm cân.

Trước đây những người ăn kiêng cho rằng họ cần kiểm soát và đo lường chế độ dinh dưỡng để giảm cân và đây là yếu tố thúc đẩy những sản phẩm của Weight Watchers hay những mặt hàng ít béo như “Diet Coca”.

Tuy nhiên, ngày nay nhiều người dùng đã từ bỏ việc hạn chế calo trong dinh dưỡng khi họ thấy không hiệu quả, qua đó làm giảm doanh số của các sản phẩm nước ngọt có ga ít béo. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều người Mỹ nhận ra các chế độ ăn kiêng thậm chí có hại cho sức khỏe của họ và thực tế chất béo hay đường cũng là những chất cần thiết cho cơ thể.

Ngoài ra, người dân Mỹ hiện đến các phòng tập gym không còn chỉ để giảm cân mà còn để đảm bảo sức khỏe, như duy trì một quả tim tốt, dưỡng da hay kích thích các hóc môn có lợi cho cơ thể.

Hiện vẫn có rất nhiều người Mỹ muốn giảm cân nhưng thay vì tìm kiếm các sản phẩm ăn kiêng thì họ lại chuyển hướng sang các thực phẩm cân bằng về dinh dưỡng và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Theo hãng phân tích thị trường Morningstar, người tiêu dùng Mỹ hiện nay đang thiên hướng về một chế độ ăn và dinh dưỡng thực tế, khỏe mạnh và mang tính khoa học nhiều hơn là phong trào ăn kiêng vô tội vạ như trước đây.

Yếu tố này đã tác động mạnh đến ngành ăn kiêng cũng như ngành thực phầm, đồ uống trên toàn cầu. Hiện những sản phẩm tươi và tự nhiên mới là xu thế trên thị trường.

Nhập nhằng chất lượng thực phẩm

Mặc dù vậy, một vấn đề mới nảy sinh trên thị trường hiện nay là định nghĩa về chế độ ăn lành mạnh, cân bằng. Khảo sát của Mintel cho thấy 50% người Mỹ không biết thế nào là thực phẩm dinh dưỡng cũng như chế độ ăn thế nào thì tốt cho sức khỏe.

Thậm chí, chính phủ liên bang Mỹ cũng không thể chắc chắn về phân loại các thực phẩm tự nhiên bày bán trên thị trường. Người tiêu dùng Mỹ hiện đang bối rối với hàng loạt các thuật ngữ như “không có gluten- Gluten Free”, “sản phẩm cho người ăn chay- Vegan”, “sản phẩm không biến đổi gen- Non GMO”...

Những khái niệm này dù có thể dễ dàng tìm hiểu và có luận điểm riêng về dinh dưỡng, nhưng lại không có bất kỳ bằng chứng khoa học nhất quán nào chứng tỏ những sản phẩm này là 100% lành mạnh cho sức khỏe con người cũng như hiệu quả cho việc giảm cân.

Giáo sư Robert nhận định các công ty thực phẩm hiện nay đang lợi dụng mong muốn giảm cân và ăn uống hợp lý của người tiêu dùng nhằm tạo ra sự hỗn loạn. Hàng loạt những sản phẩm với nhãn hiệu “không có gluten”, “ít đường” hay “không có Cholesterol” đang tràn ngập trên thị trường và chúng khiến người dùng không biết phải chọn lựa như thế nào.

Những sản phẩm của Weight Watchers được quảng cáo là từ các thành phần tự nhiên nhưng chúng vẫn bị chế biến trong các nhà máy trước khi đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm của Weight Watchers cũng có hàm lượng muối cao và ít chất xơ, một điều không thể chấp nhận với các sản phẩm được gắn mác “tự nhiên”.

Công ty Lean Cuisine gần đây cũng cho biết sẽ gắn thêm một số nhãn mới trên sản phẩm dù không thay đổi công thức. Ngoài những nhãn cũ như “không có gluten” hay “ít Cholesterol”, hãng sẽ thêm một số nhãn mới như “không chất bảo quản” hay “không chứa sản phẩm biến đổi gen”. Phía Lean Cuisine cho biết người tiêu dùng có nhu cầu được biết những thông tin này và đây là lý do họ in thêm nhãn mới.

Dẫu vậy, những chuyên gia như giáo sư Robert cho rằng đây là một hành vi lừa đảo khách hàng: “Họ có thể dán lại nhãn nhưng sản phẩm bên trong vẫn thế. Nếu bạn mở một hộp sản phẩm của Lean Cuisine hoặc tương tự như vậy, bạn sẽ thấy lượng rau xanh trong đó chỉ bằng 1/4 cốc. Liệu chừng đó có đủ cho một bữa ăn đủ dinh dưỡng hay không? Với tôi thì hoàn toàn không đủ.”

Giáo sư Robert cũng cảnh báo nhiều người tiêu dùng sử dụng các thực phẩm tự nhiên và thực hiện các chế độ luyện tập nhưng vẫn không giảm cân, qua đó đẩy các sản phẩm tự nhiên này đi theo lối mòn của sản phẩm ăn kiêng.

Trong khi đó, việc ăn kiêng và theo chế độ dinh dưỡng nào cho hợp lý vẫn còn đang gây tranh cãi trên thị trường. Nhiều người cho rằng chế độ ăn chậm, ít glycemic là tốt cho cơ thể. Có người nói chế độ ăn kết hợp tập luyện thể thao, giảm cân mới chính xác. Cũng có quan điểm cho rằng thả lỏng tâm trí và nhịn ăn theo chế độ thích hợp mới chuẩn.

Nói chung, chế độ dinh dưỡng thế nào là hợp lý vẫn còn chưa thống nhất, nhưng rõ ràng mỗi người dùng sẽ thích hợp với một chế độ khác nhau và không ai giống ai. Bên cạnh đó, hầu như mọi người Mỹ ngày nay đều cho rằng việc ăn kiêng bằng cách sử dụng những sản phẩm không đường hay ít béo không thực sự hiệu quả nữa.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM