Mỗi năm có đến hơn 200 nghìn lễ hội, tại sao Nhật Bản vẫn không tụt hậu?

04/05/2016 10:32 AM | Kinh tế vĩ mô

Nếu không có các lễ hội, Nhật mất đi một yếu tố khiến hàng triệu người phải tiêu tiền, nói cách khác, lễ hội có thể coi như một chương trình kích cầu quan trọng.

Lễ hội là dịp kiếm tiền quan trọng của nhiều doanh nghiệp địa phương

Những ngày tháng Sáu nóng nực tại Kyoto không ngăn được anh Akira Matsumoto, con trai gia đình làm đậu phụ nổi tiếng ở Kyoto lao vào bếp suốt ngày. Anh và những thành viên trong gia đình mình rất trông chờ vào mùa bán hàng dịp lễ này bởi hàng chục nghìn du khách sẽ đến Kyoto trong dịp lễ Gion rất nổi tiếng tại Kyoto cũng như trên phạm vi toàn nước Nhật.

Năm ngoái, doanh thu từ việc bán hàng trong một tháng có lễ hội này bằng đến gần 40% tổng doanh thu cả năm của gia đình anh. Vì vậy sự chuẩn bị cần thiết về nguồn hàng, nhân lực là vô cùng quan trọng.

Ngoài sản phẩm đậu phụ truyền thống của gia đình, anh cũng tranh thủ nhập thêm một số sản phẩm đặc sản khác của địa phương để bán cho du khách. Công việc kinh doanh thuận lợi giúp đảm bảo việc làm cho cả trăm lao động.


Một cảnh trong lễ hội Gion tại Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: Kyoto.jp.

Một cảnh trong lễ hội Gion tại Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: Kyoto.jp.

Đó là những ngày nắng ấm, vào mùa đông, dù thời tiết có dưới âm độ nhưng chị Natsuyo Kasumata vẫn tất bật dậy sớm chuẩn bị đồ ăn để bán hàng cho khách.

Mùa đông Hokkaido vô cùng khắc nghiệt nhưng đi kèm với nó là những lễ hội tuyết với khách đến từ khắp nơi trên nước Nhật cũng như có nhiều khách nước ngoài. Ước tính có đến hàng triệu khách du lịch từ các nơi đổ xô đến Hokkaido trong các dịp lễ hội tuyết hàng năm.

Doanh thu từ những tháng có lễ hội tuyết như thế này là đủ cho họ sống cả năm mà không cần phải quá lo lắng nếu những ngày thường chẳng may ế khách.

Nhật là một trong những đất nước có lịch làm việc căng thẳng nhất thế giới, số lượng người tử tử mỗi năm vì công việc quá áp lực lên đến hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn người.

Thế nhưng cùng lúc đó, Nhật cũng là những nước có nhiều lễ hội nhất thế giới, đến cả 200 nghìn lễ hội. Làm một phép tính chia trung bình thì Nhật có khoảng hơn 190 nghìn đền chùa và các điểm sinh hoạt tôn giáo khác, mỗi nơi này một năm có ít nhất 1 lễ hội.

Nhật có lễ hội lửa, lễ hội tuyết, lễ hội bắn cung, hội thu hoạch nông phẩm, lễ hội đua thuyền, lễ hội búp bê, lễ hội võ thuật, lễ hội phục trang, lễ hội đêm tối...rất nhiều loại lễ hội tùy theo tập quán sinh hoạt văn hóa, lịch sử của từng vùng.

Chỉ riêng lễ hội rước dương vật và âm vật cầu mong cho hạnh phúc gia đình và sinh đẻ nhiều con cái thì Nhật cũng có cả trăm lễ hội kiểu như vậy trên tại khắp các tỉnh vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm.

Vậy là ngay trong nội tại nước Nhật, hiệu quả làm việc vẫn cao, cùng lúc đó lễ hội vẫn được tổ chức liên tục, thậm chí cùng một mùa đông thì đồng loạt hàng chục lễ hội tuyết diễn ra ở khắp nơi trên cả nước. Và không ai chỉ trích ai rằng lễ hội dẫn đến năng suất, lao động kém, đất nước đi lùi không phát triển.

Cả chính phủ và doanh nghiệp đều thích lễ hội

Cho đến nay, chưa có một con số thống kê chính thức nào về nguồn lợi kinh tế mà nước Nhật thu được từ các lễ hội. Thế nhưng trong góc nhìn của doanh nghiệp Nhật, đó là một cơ hội quảng bá hình ảnh và làm kinh tế quan trọng.


Lễ hội Hollyhock ở Kyoto. Ảnh: Inside Japan.

Lễ hội Hollyhock ở Kyoto. Ảnh: Inside Japan.

Chẳng thế mà doanh nghiệp Nhật coi hàng chục nghìn lễ hội ở Nhật như cơ hội để quảng bá sản phẩm vô cùng quan trọng. Từ những lễ hội ở miền quê nước Nhật cho đến các lễ hội ở thành phố, tên của các doanh nghiệp được xuất hiện rất nổi bật trong các sản phẩm quảng bá hình ảnh cho lễ hội.

Còn tại tất cả các địa điểm công cộng cũng như các trang tin quảng bá về du lịch Nhật, người Nhật quảng cáo rộng rãi về các lễ hội, thậm chí các điều hành tour còn khuyến khích khách đến vào mùa có nhiều lễ hội bởi như vậy sẽ có nhiều cái để xem.

Đó có thể là những chương trình du lịch đến Kyoto vào tháng 7 để tham dự lễ hội Gion kéo dài hơn 1 tháng có lịch sử đã hơn 1 nghìn năm, chương trình đến Tokyo để tham gia lễ hội Sanja tại ngôi đền Asakusa nổi tiếng đã được tổ chức suốt 4 thế kỷ qua, chương trình đèn lồng Chichibu tại tỉnh Saitama vào tháng 12.

Và theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn ăn uống tại Nhật, doanh số bán hàng của họ trong các tháng có lễ hội có thể tăng từ 3 đến 5 lần. Ngoài ra, cũng thêm hàng trăm, hàng nghìn người có thêm việc làm và thêm thu nhập khi họ tham gia vào các lễ hội và sản xuất các sản phẩm bán trong lễ hội.

Đối với người Nhật, lễ hội không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa, tinh thần mà còn được coi như những chương trình kích cầu quy mô nhỏ. Vào năm 2000, trong bối cảnh kinh tế Nhật liên tiếp tăng trưởng yếu, chính phủ Nhật thậm chí còn điều chỉnh ngày của một số dịp lễ hội gần với các ngày thứ Bẩy, Chủ Nhật để người dân dễ có những kỳ nghỉ dài cùng với gia đình. Ngoài ra, một số dịp lễ hội từng có ngày không cố định, chính phủ điều chỉnh lịch cho nó thành ngày cố định để người dân có kế hoạch sắp xếp kỳ nghỉ từ trước đó rất lâu.

Cách người Nhật ứng xử với lễ hội: Văn minh, chuẩn mực

Vậy người Nhật ứng xử với lễ hội như thế nào? Câu chuyện ngôi đền Kanda ở Tokyo sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào cách người Nhật đi lễ hội. Ngôi đền Kanda được xây dựng từ cách đây khoảng 13 thế kỷ và những lễ hội gắn với ngôi đền cũng có lịch sử dài như vậy.

Những thập niên gần đây, ngôi đền trở nên đặc biệt phổ biến với giới doanh nhân Nhật. Ước tính trong khoảng 2,3 ngày làm việc đầu năm mới, có đến 2 nghìn đại diện chủ doanh nghiệp Nhật đến đây cầu khấn trong lễ hội cầu may của năm mới để mong cho doanh nghiệp họ làm ăn phát đạt.

Và cần đến thời gian như vậy nên đơn giản họ chấp nhận xin nghỉ phép, mất đi một phần ngày phép trong năm của mình chứ không bao giờ nghỉ giấu giếm để đi đến lễ hội đầu năm mới, và thường thì với doanh nhân trong nội bộ Tokyo, các cuộc đến thăm đền chỉ gói gọn trong một buổi sáng hoặc chiều.

Ngoài ra, hiếm khi thấy tình trạng chen lấn xô đẩy nhau đến dúi dụi trọng các lễ hội ở Nhật bởi thường họ đến từ rất sớm và dù đông cũng rất trật tự. Các thùng rác ở khắp nơi, ý thức người dân cao nên cũng không có tình trạng ngập ngụa rác sau mỗi lần lễ hội kết thúc.

Về phía các nhà tổ chức, lễ hội không được tổ chức chỉ vào ban ngày mà luôn có những chương trình cả vào ban đêm, kéo dài thậm chí đến cả 11,12 giờ đêm. Chính vì thế những ai vì lý do công việc mà không tham dự được vào ban ngày thì cũng có thể đến vào buổi tối để tham gia các cuộc rước hoặc trò chơi trong lễ hội.

Nhìn từ góc độ sản phẩm địa phương, nếu không có các dịp lễ hội, chắc chắn sẽ có nhiều sản phẩm hoặc món ẩm thực địa phương của Nhật chẳng bao giờ được người chính nước Nhật hay người nước ngoài biết tới. Doanh số bán các sản phẩm địa phương nhờ vậy có thể tăng gấp 3 lần.

Năm 2014, để ước tính về nhu cầu đối với ấm thực địa phương của du khách tại các lễ hội Nhật, trang web nổi tiếng về du lịch Nhật Gadget Tsushin đã tiến hành cuộc khảo sát với khoảng 1 nghìn người trên khắp các địa điểm du lịch của Nhật. Kết quả cho thấy hơn 50% trong số họ cho biết chắc chắn sẽ tiêu tiền cho các dịch vụ ăn uống, mua sắm.

Chỉ riêng lễ hội tuyết ở Hokkaido mỗi năm thu hút hơn 2 triệu du khách Nhật và quốc tế, với tỷ lệ trên thì ít nhất 1 triệu người đã chi tiêu thêm và tạo ra thêm công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người khác. Cả nước Nhật mỗi năm có hàng chục lễ hội quy mô lớn như vậy, thử hỏi nếu không có lễ hội, lấy gì để có một sự kiện khiến cả triệu người phải tiêu tiền.

Câu chuyện của người Nhật cho chúng ta thấy việc có nhiều lễ hội bản thân nó không phải là điều xấu mà chính là cách chúng ta ứng xử với lễ hội.

Bản thân lễ hội không hề khuyến khích người dân xả rác, buôn thần bán thánh hay bỏ việc để đi lễ hội, vậy nên khi đi tìm nguyên nhân của năng suất lao động thấp và tình trạng đất nước tụt hậu, nên quan tâm đến nhiều lý do khác chứ không phải chỉ biết đổ lỗi cho những lý do không thuộc về bản chất.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM