Mỗi mét vuông đất 'vàng' ở TPHCM có giá gần 1 tỷ đồng

24/11/2019 20:05 PM | Bất động sản

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nêu, cũng như TP.Hà Nội, TP.HCM có giá đất cao nhất cả nước. Mỗi mét vuông đất thuộc bất kể loại nào trên thị trường cũng có giá từ vài triệu tới khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thông tin, hiện nay, TPHCM được giao nắm giữ 209,5 nghìn ha đất đai, trong đó 114 nghìn ha là đất nông nghiệp, 94,6 nghìn ha đất phi nông nghiệp. Trong tổng diện tích nói trên, 162,3 nghìn ha đất đang được sử dụng, 47,3 nghìn ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng và đất chưa sử dụng chỉ còn 927 ha. Như vậy có thể thấy, hầu hết đất đai ở TPHCM đang được sử dụng hoặc sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Mỗi mét vuông đất vàng ở TPHCM có giá gần 1 tỷ đồng - Ảnh 1.
Khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM. Ảnh Văn Minh

Theo ông Thắng, tài chính đất đai là một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý đất đai đô thị, nhất là các đô thị lớn như TP.HCM. Giá đất quá cao, một quyết định hành chính về đất đai có thể mang lại lợi ích hoặc làm mất đi lợi ích tính tới đơn vị nghìn tỷ đồng. Một hệ thống tài chính đất đai đô thị hiệu quả phải được xây dựng trên nguyên tắc vốn hóa được đất đai, tức là đất đai quy đổi được dễ dàng thành vốn tài chính.

Một trong những yếu tố cơ bản nhất của vốn hóa đất đai là tạo nguồn thu từ đất đô thị thông qua quá trình đưa đất công vào thị trường theo cơ chế Nhà nước giao đất có thu tiền, Nhà nước cho thuê đất và thu thu, phí liên quan đến đất đai đang sử dụng trong khu vực tư nhân.

Nhiều bất cập trong quản lý đất đai

Trải qua hơn 30 năm Luật Đất đai đã qua 4 lần thay đổi (nếu tính luôn các lần sửa đổi, bổ sung thì có đến 7 lần). Đặc điểm cơ bản của Luật Đất đai các thời kỳ là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu, có sự phát triển từ sở hữu tuyệt đối sang mở rộng hơn về các quyền của người sử dụng đất, thừa nhận kinh tế thị trường….

Mỗi mét vuông đất vàng ở TPHCM có giá gần 1 tỷ đồng - Ảnh 2.
Khu đô thị mới Thu Thiêm hướng về trung tâm quận 1, TPHCM. Ảnh Văn Minh

Quá trình thay đổi có đặt ra các yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn sẽ khác nhau, đôi khi có sự mâu thuẫn và gây phức tạp cho công tác quản lý, sử dụng đất…Trong khi các điều kiện đảm bảo cho quá trình vận hành quản lý thì chưa đảm bảo, cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp, điều kiện cơ sở vật chất, dữ liệu và kể cả việc bố trí con người trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, TPHCM nêu ra một số bất cập từ thực tiễn trong công tác quản lý đất đai hiện nay. Trong đó, ông Hồng nêu thực trạng cổ phần hóa và sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay. Đó là xung đột giữa Luật Đất đai 2013 và Nghị quyết 60/2018/QH14, khi doanh nghiệp cổ phần hóa thay đổi mục đích sử dụng đất thì Nhà nước sẽ thu hồi để bán đấu giá, tuy nhiên pháp luật đất đai không quy định thu hồi đất trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Mỗi mét vuông đất vàng ở TPHCM có giá gần 1 tỷ đồng - Ảnh 3.
Khu "nhà giàu" Thảo Điền (quận 2, TP.HCM). Ảnh Văn Minh

Một thực tế khác hiện nay là đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng giá đất xác định theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (Nghị quyết TW9 - Khóa XI), lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, thực tế Nhà nước chưa có “kênh” quản lý phù hợp. Theo đó, trong điều kiện pháp luật hiện tại không tạo điều kiện để có thị trường minh bạch, lành mạnh được…dẫn đến việc xuất hiện thị trường ngầm, đầu cơ, thị trường bất động sản không có sàn giao dịch bất động sản nên tính công khai không có.

Hạn chế giao dịch bất động sản bằng tiền mặt

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hiện nay công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn ở các địa phương. Một trong những nguyên nhân là có sự xung đột pháp lý giữa các luật, trong đó Luật Đất đai không theo kịp với thực tiễn. Theo ông Chính, trong nguyên tắc xây dựng Luật Đất đai có nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên từ Luật Đất đai 2013, nguyên tắc thị trường ngày càng xa rời, trong khi đó biện pháp hành chính gần như sử dụng nhiều hơn.

Theo ông Chính, về phương pháp định giá đất hiện nay cũng cho thấy thấp hơn thị trường rất nhiều (chỉ bằng 30-35% giá trị thị trường). Thực trạng này nói lên vì sao hiện nay tồn tại tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Mặc khác, hiện nay pháp luật về đất đai chưa giải quyết được câu chuyện chia sẻ lợi ích 3 bên gồm nhà nước – doanh nghiệp – người dân có đất bị thu hồi.

Ông Chính cho rằng, cần phải có một sàn giao dịch bất động sản và hướng tới việc giao dịch mua bán bất động sản không dùng tiền mặt mà qua chuyển khoản. Việc này không chỉ giúp thị trường bất động sản minh bạch, rõ ràng nhằm không tạo ra các cơn sốt đất ảo cũng như chống được nạn đầu cơ, rửa tiền và cả tham nhũng.

Cần có sàn giao dịch bất động sản

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM kiến nghị, cần hình thành sàn giao dịch bất động sản, trong tương lai có thể phát triển thành trung tâm giao dịch bất động sản. Khi đó thị trường bất động sản sẽ phát triển minh bạch, có sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Dòng tiền đầu tư vào bất động sản cũng sẽ được kiểm soát. Bởi hiện nay, dòng tiền đầu tư vào bất động sản chủ yếu từ ngân hàng – có giá đất, nhưng không phản ánh đúng quy luật cung cầu. Do đó cần có sự kiểm soát của Nhà nước ở tầm vĩ mô, tránh bong bóng thị trường bất động sản.

TPHCM "không hài lòng" khi tiền thu từ đất đai quá ít

Tại TP.HCM, năm 2019 dự toán thu từ đất là gần 15.000 tỷ đồng nhưng ước tính thu được chỉ 11.000 tỷ đồng (chỉ đạt 73,83%). So với năm 2016, dự toán thu là 16.500 tỷ đồng và thực thu được là 17.100 tỷ đồng (đạt 103,64%). So với tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 (ước tính tổng thu 5 năm là 1.872.922 tỷ đồng), tổng thu từ đất đai chỉ chiếm 3-5% tổng thu ngân sách địa phương. Số thu từ đất như vậy quá khiêm tốn so với tiềm năng có thể thu từ đất đai tại TPHCM.


Theo VĂN MINH - HUY THỊNH

Cùng chuyên mục
XEM