Mỗi lao động Việt làm ra 102 triệu năm 2018, chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar

07/08/2019 14:04 PM | Xã hội

Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 37% Thái Lan và hơn 7% Singapore. Việt Nam còn nhiều thách thức để bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Tốc độ tăng nhưng chưa bắt kịp mức năng suất lao động của các nước

Sáng 7/8, chủ trì một hội nghị "Cải thiện năng suất lao động quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận năng suất lao động đóng vai trò trung tâm trong năng lực cạnh tranh và là yếu tố quyết định sự thịnh vượng của quốc gia.

Dẫn thông tin từ báo cáo của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của ước đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động), Thủ tướng nhìn nhận thực tiễn Việt Nam chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Myanmar. Với cách tính lấy quy mô GDP chia cho số lao động đang thực hiện trên cả nước, năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp.

Dù vậy, tốc độ gia tăng năng suất lao động của Việt Nam ở mức cao trong khu vực với mức tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,7%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,8%/năm. Những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách so với các nước ASEAN song  vẫn thấp hơn các nước.

Mỗi lao động Việt làm ra 102 triệu năm 2018, chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar - Ảnh 1.

Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia. Ảnh: Lê Tiên.

Đại diện Tổng cục Thống kê lưu ý khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

4 yếu tố ảnh tác động tới lao động

Lấy ví dụ về ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP nhưng lao động chiếm tỷ trọng hơn 42% toàn xã hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm và chưa thực sự hợp lý. 

Các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có bước phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn ở mức hạn chế. Cụ thể, xếp hạng các chỉ số của nước ta so với các nước trên thế giới mới chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp. Ví dụ như năm 2018, năng lực cạnh tranh đứng thứ 77, đổi mới sáng tạo đứng thứ 82. Trong đó, hợp tác đa bên trong đổi mới sáng tạo đứng thứ 92, số bằng phát minh, sáng chế đứng thứ 89, tăng trưởng của các công ty đổi mới sáng tạo đứng thứ 90...

Đất nước ta đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh, không chỉ tạo áp lực về gánh nặng phúc lợi xã hội mà còn đặt ra thách thức đối với lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế trước yêu cầu cao về chất lượng, kiến thức và kỹ năng.

Số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn thấp, doanh nghiệp khu vực FDI có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp Nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.

Theo Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM