Mối hiểm họa tiềm tàng sau 26 năm tăng trưởng liên tiếp của Australia

04/10/2017 10:17 AM | Kinh tế vĩ mô

Kể từ đầu thập kỷ này, Australia chưa có bất kỳ cuộc cải cách kinh tế nào lớn. Bất kỳ nỗ lực thay đổi nào cũng gặp phải cản trở về chính trị hoặc bị đảo ngược.

Xét về thời gian tăng trưởng dài nhất, Hà Lan vẫn giữ kỷ lục thế giới với 28 năm tăng trưởng liên tiếp. Tuy nhiên, vị thế này đang bị Australia đe dọa khi nước này đã có 26 năm chưa hề suy giảm và từ ngân hàng trung ương đến các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Hà Lan sớm hay muộn cũng sẽ mất vị trí đầu bảng.

Năm 2016, Australia có mức tăng trưởng 2,5%, bao gồm 1,5% nhờ tăng trưởng dân số và 1% từ xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên sang các nền kinh tế Châu Á khác.

Mặc dù vậy, sự tăng trưởng dài hơi này của Australia vẫn ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

Mối hiểm họa tiềm tàng sau 26 năm tăng trưởng liên tiếp của Australia - Ảnh 1.

Tăng trưởng của Australia và 1 số nước phát triển trong quý I/2012 và quý I/2017

Những thách thức sau chuỗi ngày tăng trưởng

Đầu tiên, sự phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư đang khiến cơ sở hạ tầng của nước này cũng như các dịch vụ công bị quá tải. Trong khi đó, ngành xuất khẩu khoáng sản, tài nguyên chỉ đem lại lợi ích cho những người giàu có và các cổ đông nhưng chỉ giúp ích một phần rất nhỏ cho đại đa số người dân Australia.

Ngoài ra, mức lương tại Australia hầu như không tăng còn nợ hộ gia đình lại thuộc hàng nhiều nhất thế giới, ở mức 194% tổng thu nhập, cao hơn mức 104% của Mỹ. Chính điều này đã khiến người tiêu dùng ngại rút ví, qua đó ảnh hưởng ngược lại doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tiêu cực khi mảng tiêu dùng chiếm tới hơn 50% GDP nước này.

Tồi tệ hơn, tăng trưởng năng suất lao động từ các cuộc cải cách kinh tế thập niên 1980, 1990 của nước này đã chấm dứt.

Kể từ đầu thập kỷ này, Australia chưa có bất kỳ cuộc cải cách kinh tế nào lớn. Bất kỳ nỗ lực thay đổi nào cũng gặp phải cản trở về chính trị hoặc bị đảo ngược. Chính điều này đã khiến Australia bắt đầu có những dấu hiệu rủi ro, rõ ràng nhất là khi nước này cần những yếu tố mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì sự suy giảm về giáo dục và sáng tạo cho thấy mức sống tại đây có thể đang giảm sút.

Mối hiểm họa tiềm tàng sau 26 năm tăng trưởng liên tiếp của Australia - Ảnh 2.

Tăng trưởng dân số của Australia

Theo hãng Aberdeen Standard Investment, Australia chưa có một ngành kinh tế nào đủ mạnh để thay thế được mảng khai khoáng, vốn là yếu tố tạo nên sự bùng nổ kinh tế cho nước này.

Trong khi những nước phát triển khác bắt đầu có sự khởi sắc sau thời gian khó khăn, Australia lại đang lâm vào hoàn cảnh có nguy cơ giảm tốc. Từ vị thế dẫn đầu tăng trưởng so với nhiều nước phát triển trong quý I/2012, Australia đã thụt lùi xuống sau Mỹ, Anh, Canada và Đức trong quý I/2017.

Chỉ trong vòng 5 năm từ năm 2007, những bất ổn về đường lối chính sách và chính trị đã khiến Australia trải qua 5 đời thủ tướng. Nhiều chính trị gia dân túy nhằm thu hút phiếu bầu đã phản đối các cuộc cải tổ kinh tế và chính điều này đang kéo đà đi lên của cả đất nước.

Điển hình của sự vụ lợi này là việc giá điện tại Australia thuộc hàng cao nhất thế giới bất chấp nước này có trữ lượng than đá cũng như khí đốt lớn nhất hành tinh. Trong khi đó, việc nâng cấp hệ thống Internet đã lỗi thời, thậm chí còn chậm hơn nhiều nước Đông Âu, bị các nhà chính trị đá qua đá lại, tranh cãi nhau về vấn đề chi phí cũng như trì hoãn tiến độ thi công.

Các báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ sở hữu nhà ở trong giới trẻ Australia thuộc hàng thấp nhất trong nhiều năm qua do chính phủ thất bại khi cố gắng cải cách hệ thống thuế bất động sản.

Theo nhiều chuyên gia, Australia hiện nay cần phải làm rất nhiều thứ trước khi quá muộn để có thể duy trì đà tăng trưởng như hiện nay. Ngoài việc cải cách hệ thống thuế nhằm thúc đẩy khởi nghiệp cũng như đầu tư, chính phủ Australia cũng cần có những biện pháp nhằm mở cửa thị trường, gia tăng cạnh tranh nhằm thúc đẩy năng suất.

Mối hiểm họa tiềm tàng sau 26 năm tăng trưởng liên tiếp của Australia - Ảnh 3.

Tăng trưởng bình quân đầu người tại Australia (trắng) và tại các nước thu nhập cao so sánh với ngày 31/12/2009.

Hơn nữa, hệ thống giáo dục và công nghệ cũng cần được đầu tư phát triển nhằm hướng tới sự tăng trưởng dài hạn trong tương lai. Australia cũng cần phải cố gắng thích nghi hơn với sự trỗi dậy của các nước láng giềng Châu Á, qua đó tận dụng được làn sóng tăng trưởng.

Hiện nay, nhiều mảng thị trường của nước này bị chi phối bởi các công ty độc quyền, qua đó kìm kẹp những nhà khởi nghiệp cũng như khả năng sáng tạo. Trong khi đó, các cuộc khảo sát cho thất rất ít người Australia thực sự hiểu rõ về Châu Á. Khoảng 2/3 số giám đốc của những công ty thuộc ASX 200 có kinh nghiệm kinh doanh ở các nước làng giềng trong khu vực.

Trong Bảng chỉ số cạnh tranh toàn cầu, Auatralia chỉ đứng thứ 21, sau cả Bỉ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Nguyên nhân chính của tình trạng này là do Australia có quá nhiều các quy định rườm rà trên thị trường lao động cùng mức thuế quá cao.

Tại Bảng chỉ số sáng tạo toàn cầu, Australia thụt lùi từ mức 19 xuống 23, sau cả Trung Quốc, Iceland. Ngoài ra, tỷ lệ học sinh nước này học tiếng nước ngoài đã giảm từ 40% vào thập niên 1960 xuống 10% hiện nay. Thậm chí, kết quả PISA cho thấy học sinh Australia đang thụt lùi trong các môn toán, khoa học trước học sinh Việt Nam, Hàn Quốc, Slovania.

Mối hiểm họa tiềm tàng sau 26 năm tăng trưởng liên tiếp của Australia - Ảnh 4.

Một mỏ khai thác than tại Australia

Tia sáng le lói

Bất chấp những khó khăn trên, tình hình Australia hiện nay vẫn tốt hơn cuộc suy thoái gần đây nhất đầu thập niên 1990 khi tỷ lệ thất nghiệp cao tới 11%. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Australia chỉ hơn 5% trong khi làm phát được giữ dưới 2%.

Trong mảng du lịch, Australia đã thu hút được 1,2 triệu du khách Trung Quốc năm 2016 và dự kiến con số này sẽ còn nhiều hơn trong năm nay.

Tại mảng giáo dục, dù có nhiều bất cập nhưng việc kinh doanh du học, liên thông với các trường khác để thu lợi nhuận của Australia vẫn đem về khá nhiều ngoại tệ cho đất nước.

Đặc biệt, việc chính phủ nước này đang cố gắng làm thặng dư ngân sách sau 1 thập niên thâm hụt cho thấy sự cố gắng của các nhà chính trị. Dẫu vậy, Australia cần nhiều hơn thế để có thể lấy lại đà tăng trưởng hoặc tồi tệ hơn là tránh được một cuộc khủng hoảng.

BT

Cùng chuyên mục
XEM