Mới bước chân vào VN, startup 4 tháng tuổi này đã khiến các sàn TMĐT ở Việt Nam phải dè chừng

11/01/2017 13:16 PM | Kinh doanh

Không ồn ào trên truyền thông, lặng lẽ bước vào Việt Nam một cách bình thản song startup non trẻ này đã có những bước đi khiến không ít DN cùng lĩnh vực phải dè chừng.

Shopee là một sản phẩm của công ty Garena – nhà cung cấp nền tảng Internet hàng đầu tại Singapore.

Dù thương mại điện tử không phải là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn nhất cho doanh nghiệp này, nhưng theo số liệu từ Garena, tính tới tháng 2/2016, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) hàng năm qua Shoppee đạt mức 346 triệu USD (khoảng 26,9 triệu mỗi tháng), tăng 60 lần so với tháng 6/2015.

Mới ra mắt cách đây 4 tháng tại Việt Nam, nhưng đơn vị này đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 3 triệu lượt tải về, đứng top đầu ứng dụng mua sắm tại Việt Nam với trên 3 triệu sản phẩm được đăng bán (trong khi Tiki từng công bố có 300.000 sản phẩm).

Theo TechinAsia, đơn vị chống lưng cho Shopee là Garena vừa nhận được những khoản đầu tư khổng lồ. Vòng gây vốn mới nhất nâng tổng giá trị của hãng lên tới 3,75 tỷ USD, trở thành startup có giá trị cao nhất Đông Nam Á.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Điều này phần nào hiểu được động thái của Shopee khi tung ra một loạt chương trình khuyến mại như không thu bất cứ một chi phí gì từ cộng đồng người sử dụng. Thậm chí mới đây, startup Singapore công bố sẽ miễn phí hoàn toàn phí vận chuyển cho người dùng từ ngày 3/1/2017 và chưa có thời gian kết thúc tại Việt Nam.

Có thể tính đến thời điểm hiện tại, đây là đơn vị có giá vận chuyển cũng như mức giá ưu đãi nhất so với các đơn vị khác.

Hiện Lazada và Tiki đều tính phí vận chuyển theo nhiều gói như giao hàng nhanh (chi phí đắt), gói giao hàng tiết kiệm (thời gian lâu) và thường chỉ ưu đãi cho các đơn hàng ở Hà Nội và TP HCM – nơi thị trường mua sắm online chiếm tới 90%.

Trong khi đó, Shopee áp dụng miễn phí theo gói giao hàng nhanh (1-2 ngày) áp dụng không chỉ 2 thành phố lớn mà toàn quốc.

Ông Pine Kyaw, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết, những chính sách này nằm trong mục tiêu đưa Shopee trở thành một trong những sàn thương mại điện tử tốt nhất tại Việt Nam.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Tài chính và Vận hành Shopee Việt Nam cho biết, trên thế giới, sàn thương mại điện tử thường có vài cách để đạt được doanh thu: quảng cáo, chiết khấu từ người bán, hoặc cung cấp dịch vụ gia tăng. Tuy nhiên, doanh thu không phải mục tiêu chính của DN trong thời gian này, mà là “chứng minh được giá trị của dịch vụ cũng như của cộng đồng Shopee tại thị trường Việt Nam”.

Trong khi hàng loạt sự ra đi của beyeu, deca, fab, cucre và những bước đi chưa rõ ràng của các sàn thương mại điện tử có nguồn vốn lớn ở Việt Nam, ông Tuấn Anh khẳng định, hướng đi khác của Shopee sẽ quyết định thành công của đơn vị này.

Theo ông, bản chất của sàn Shopee là mô hình C2C (Customers to Customers: khách hàng tới khách hàng), kết hợp tối ưu các tính năng tương tác trực tiếp để trở thành một cộng đồng mua bán trực tuyến sẽ phù hợp với tâm lý người Việt mà chính các DN nội địa đang bỏ ngỏ.

Dù không tiết lộ con số cụ thể về mức tăng trưởng năm 2016, song ông Tuấn Anh hé lộ sự phát triển tại thị trường Việt Nam thời gian qua đã vượt ngoài mong đợi.

Mới đây, đơn vị này đã gửi một bản tổng hợp dữ liệu vui tặng người dùng, song nhìn vào số liệu của Shopee chắc hẳn không ít DN nội địa cũng nóng lòng.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM