Mời bạn đi ăn bít tết nhưng chỉ ăn hết một nửa, người đàn ông đã làm 1 việc khiến đầu bếp cúi đầu kính nể

23/06/2020 22:08 PM | Sống

Việc làm của người đàn ông thật đáng để người khác phải học hỏi.

1. Người khác tôn trọng bạn là bởi vì họ là người ưu tú

Cách đối đãi tốt nhất giữa người với người chính là: Ở vị trí cao thì không kiêu ngạo, ở vị trí thấp thì không hèn mọn. Cần tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác.

Đây là thái độ chuẩn mực của mỗi một người, cũng là cơ sở để một người lập thân.

Một lần doanh nhân nổi tiếng Matsushita Konosuke người Nhật Bản bị ốm, có vài người bạn đến thăm ông.

Ông cùng bạn bè đến nhà hàng ăn cơm. Ông gọi cho mỗi người một suất bít-tết. Mọi người đều dùng bữa rất ngon miệng, chỉ mình ông là ăn hết có một nửa.

Giám đốc nhà hàng rất lo lắng, nghĩ là bít-tết xảy ra vấn đề.

Tới khi thanh toán, Masushita nhờ phục vụ gọi đầu bếp ra và nói với anh ta: Bít-tết rất ngon, có điều dạ dày tôi không khoẻ nên không ăn hết. Anh không cần phải lo, không phải anh làm không ngon đâu, mong là giám đốc sẽ không trách anh.

Nghe xong lời này, đầu bếp cảm động cúi gập người trước Masushita.

Một danh nhân từng nói: Tôi tưởng rằng người khác tôn trọng tôi là bởi tôi rất tài giỏi. Rồi dần dần tôi đã nhận ra rằng, người khác tôn trọng tôi là bởi người đó rất tài giỏi. Người giỏi càng hiểu rằng cần tôn trọng người khác.

Masushita là một trong những doanh nhân vĩ đại nhất của Nhật Bản, ông đối xử bình đẳng với từng người, không coi thường người khác vì thân phận của họ.

Ông không coi chuyện của người đầu bếp là chuyện nhỏ, ông ấy coi trọng việc của người khác, quan tâm đến họ một cách chân thành, tránh gây ra những rắc rối cho họ.

Có tôn trọng những nhân vật nhỏ bé thì mới xứng đáng được gọi là nhân vật lớn. Tôn trọng người khác là lý do khiến con người trở nên cao thượng.

2. Tôn trọng người khác khiến mình trở nên ưu tú hơn

Trong "Li Lâu chương cú hạ" của Mạnh Tử có viết: Kẻ biết tôn trọng người khác thì luôn được tôn trọng. Chỉ khi biết tôn trọng thì mới nhận lại được sự tôn trọng.

Một người ăn xin quần áo rách rưới bước vào cửa hàng bánh ngọt buôn bán rất đắt khách. Khách quanh đó đều bịt mũi, ra vẻ chê bai nhưng cửa hàng vẫn nhiệt tình phục vụ người ăn xin này.

Người ăn xin dè dặt lấy từ túi ra một ít tiền lẻ, lí nhí nói với chủ cửa hàng: Tôi mua một cái bánh, loại nhỏ nhất ấy.

Chủ cửa hàng chọn trong tủ được một chiếc bánh kem rất nhỏ nhưng rất tinh xảo đưa cho anh ta, còn cúi người cảm ơn anh ta đã ghé tới.

Sau khi người ăn xin đi, cháu trai của ông chủ thắc mắc, không hiểu tại sao ông nội mình lại niềm nở với một người ăn xin như thế.

Ông nói: Tiền của anh ta là từng đồng đi xin về tích cóp lại, còn vất vả hơn người khác nữa. Anh ta chịu đến mua bánh của chúng ta thì hẳn là thích cửa hàng nhà ta lắm.

Cháu trai nói: Vậy tại sao ông còn nhận tiền của anh ta?

Ông nói: Anh ta nói là đến mua thì tất nhiên ông phải tôn trọng anh ta. Nếu không lấy tiền thì lại là sỉ nhục người ta đấy.

Về sau cửa hàng bánh ngọt này làm ăn ngày càng phát đạt. Khi chủ cửa hàng nghỉ hưu, ông đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng khắp vùng.

Trong "Kinh Dịch" có nói: Không nịnh kẻ trên, không khinh kẻ dưới.

Đối xử với người mạnh hơn mình thì không nên nịnh nọt, với người yếu hơn mình thì không nên khinh thường. Đây điều tốt đẹp trong lòng mỗi con người, cũng là nhân cách và thái độ chuẩn mực của mỗi người.

Biết tôn trọng sẽ giúp mỗi người học được cách đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ.

Biết tôn trọng sẽ giúp mỗi người nâng cao chỉ số thông minh cảm xúc của bản thân.

Biết tôn trọng sẽ giúp mỗi người nâng cao trình độ của chính mình.

Người tài giỏi biết tôn trọng người khác. Có tôn trọng người khác thì mới trở nên tài giỏi hơn.

Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM