Mở đường bay để thúc đẩy dịch vụ resort nghỉ dưỡng: Câu chuyện "hồi sinh" Berjaya Air từ vị tỷ phú "láng giềng" Malaysia

11/07/2019 08:41 AM | Kinh doanh

Trước Vingroup, tập đoàn Berjaya của tỷ phú giàu thứ 24 Malaysia – Vincent Tan cũng tìm cách thúc đẩy hoạt động tại các bất động sản nghỉ dưỡng bằng việc “hồi sinh” hãng hàng không Berjaya Air.

Berjaya Hotels & Resorts là tập đoàn bất động sản với những khu nghỉ dưỡng kết hợp giải trí cao cấp trải rộng khắp Malaysia: khu resort trên đảo Langkawi, Tioman và Redang, các khách sạn tại thủ đô Kuala Lumpur, cũng như Johor Bahru và Penang; rồi cả resort ở vùng cao nguyên Bukit Tinggi. Không chỉ thế, tập đoàn này còn "xuất ngoại" bằng việc thành lập các khách sạn và khu nghỉ dưỡng quốc tế tại các khu du lịch nổi tiếng ở Philippines, Sri Lanka, quốc đảo Seychelles và cả Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, tiềm năng của những resort này không được khai thác hết do việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là tại Redang. Để đến hòn đảo này, người ta phải đi hai giờ phà cùng với một chuyến bay nội địa ngắn từ Kuala Lumpur.

Để giải quyết vấn đề, vào năm ngoái, tập đoàn Berjaya Hotels & Resorts đã chính thức đưa vào kinh doanh trở lại Berjaya Air sau hơn 4 năm dừng hoạt động (từ năm 2014) bằng việc công bố mua lại hai chiếc ATR 42- 500. Hai máy bay này được sử dụng cho các chuyến bay hàng ngày từ sân bay Subang của Kuala Lumpur đến đảo Renang từ tháng 6/2018 và sẽ được kết nối với các dịch vụ của Redang Island Resort và Taara Beach & Spa Resort.

Có thể thấy, mục đích "hồi sinh" Berjaya Air đã khác trước: Không phải là ngành kinh doanh độc lập, mà sẽ phối hợp hàng không với các dịch vụ du lịch khác. Như CEO của Berjaya đã nói: "Mục đích chính của chúng tôi vẫn là kinh doanh khách sạn và khu resort cao cấp."

Mở đường bay để thúc đẩy dịch vụ resort nghỉ dưỡng: Câu chuyện hồi sinh Berjaya Air từ vị tỷ phú láng giềng Malaysia - Ảnh 1.

Tập đoàn này cũng dự định nối lại các chuyến bay từ Singapore đến Redang trong năm nay, sau khi sân bay thay thế tại Singapore Seletar được khai trương. Trước đó, sân bay này chỉ phục vụ hai hãng hàng không khác của Malaysia là Firefly và Malindo Air.

Mở đường bay để thúc đẩy dịch vụ resort nghỉ dưỡng: Câu chuyện hồi sinh Berjaya Air từ vị tỷ phú láng giềng Malaysia - Ảnh 2.

Đảo Redang

Được đánh giá có triển vọng phát triển, tuy nhiên vào thời điểm mới bắt đầu, có rất nhiều những nghi ngại về kế hoạch này. Ngoài vấn đề như độc quyền vận tải và sử dụng máy bay nhỏ (chỉ với 36 chỗ ngồi), tập đoàn này còn có vẻ không may mắn với vận tải đường không trong quá khứ.

Trước khi đình chỉ hoạt động vận tải này vào năm 2014, Berjaya đã từng phải từ bỏ đường bay từ Singapore sang Redang và cả Tioman với những lý do "trên trời".

Năm 2007, Berjaya Air đặt hàng 4 chiếc ATR 72 – 500 với 72 chỗ ngồi để thay thế Dash 7. Những chiếc ATR 72 – 500 được cho là những máy bay hiện đại và an toàn nhất thời đó cùng với thiết kế thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, Berjaya Air đã không thể sử dụng 4 chiếc máy bay này tại Redang do giới hạn tải trọng và ở Tioman do giới hạn đường băng.

Nhưng thất bại đau đớn vào năm 2014 mới là lý do quyết định cho việc tạm dừng hoạt động hãng hàng không này. Năm đó, Berjaya Air vận hành một đội bay ATR 72 - 500 và Dash 7 phục vụ tuyến bay từ Subang đến Penang và Langkawi. Mặc dù được kì vọng sẽ đánh bại Firefly và Malindo Air, kế hoạch này cuối cùng sụp đổ. Thua lỗ từ việc này kinh khủng đến mức Berjaya Air phải dừng hoạt động và bán đi hết những chiếc ATR 72.

Mở đường bay để thúc đẩy dịch vụ resort nghỉ dưỡng: Câu chuyện hồi sinh Berjaya Air từ vị tỷ phú láng giềng Malaysia - Ảnh 3.

Berjaya Air vẫn đang chú trọng vận tải đường hàng không đến các địa điểm du lịch hấp dẫn

Cho đến hiện tại, sau hơn 1 năm tiến hành, việc kết hợp kinh doanh khu nghỉ dưỡng và vận tải đường hàng không này đã cho thấy hiệu quả nhất định. Hiện tại Berjaya Air đã có mặt ở 5 sân bay, trong đó 4 sân bay nội địa Malaysia và 1 ở Singapore (sân bay quốc tế Changi).

Phong Ninh

Cùng chuyên mục
XEM