MIT chế tạo ra nội tạng nhân tạo, có thể tháo lắp gọn vào bảng mạch như linh kiện điện tử

15/03/2018 14:00 PM | Công nghệ

Các nhà nghiên cứu của MIT mới đây đã chế tạo ra được nội tạng nhân tạo, có thể tháo và lắp vào bảng mạch như linh kiện điện tử để dùng cho các thử nghiệm thuốc thay cho việc dùng chuột thí nghiệm hiện nay.

Hiện nay, khi muốn thử nghiệm tác dụng của một loại thuốc tân dược nào đó, các nhà khoa học có rất ít lựa chọn. Đa phần đều sẽ chỉ thí nghiệm trên chuột và những kết quả thí nghiệm này đôi khi không chính xác hoặc không thể dùng làm quy chuẩn để đối chiếu với tác dụng lên con người.

Để giúp giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu tại MIT, Hoa Kỳ, đã sáng chế ra một bộ thiết bị mới mang tên "Body on a chip". Đây thực chất là một thiết bị có cấu tạo tương đối giống với một bảng mạch điện tử. Trên đó có thể được gắn vào 10 cơ quan nội tạng nhân tạo mô phỏng lại hệ cơ quan trong cơ thể người.

Có thể hiểu nôm na rằng việc thí nghiệm thuốc trên chuột sẽ không cho được kết quả một cách chính xác bởi chúng không phải là con người. Thế nhưng, với bộ nội tạng nhân tạo mới được lắp ghép lại với nhau trên một bảng mạch như thế này, các nhà khoa học có thể thí nghiệm và ghi chép lại kết quả, ảnh hưởng của thuốc đối với các cơ quan trong cơ thể người một cách đồng bộ.

Đã từng có những loại nội tạng nhân tạo được sáng chế ra với mục đích là thử nghiệm dược phẩm nhưng như chúng ta đã biết thì các cơ quan trong cơ thể người đều có mối liên quan với nhau chứ chúng không hoạt động riêng lẻ.

Vì vậy nếu như các nhà nghiên cứu chỉ dùng một lá gan nhân tạo để thử thuốc và cho kết quả khả quan thì cũng không thể kết luận được rằng liệu loại thuốc đó có thực sự an toàn đối với các cơ quan khác hay không. Chính vì vậy mà sự ra đời của hệ cơ quan nội tạng nhân tạo được lắp đồng bộ trên một bảng mạch như thế này thực sự sẽ giúp các nhà nghiên cứu dược phẩm có thể thử nghiệm và đánh giá mức độ ảnh hưởng của thuốc một cách kĩ lưỡng hơn.

MIT chế tạo ra nội tạng nhân tạo, có thể tháo lắp gọn vào bảng mạch như linh kiện điện tử - Ảnh 1.

Để cải thiện quá trình thử nghiệm thuốc, bộ thiết bị này đã được các nhà nghiên cứu tại MIT lắp đặt tới 10 cơ quan nội tạng riêng rẽ, mô phỏng lại hệ cơ quan trong cơ thể người.

Dù rằng được đặt tên là "Body on a chip" nhưng trong nghiên cứu được xuất bản trên Science Advances, các nhà khoa hộc tại MIT đã gọi đây là một "Hệ vi sinh"

Thực tế thì việc sáng chế ra bộ thiết bị này không chỉ đơn giản là kết nối những cơ quan nội tạng nhân tạo có sẵn với nhau mà hệ thống này cần phải đảm bảo được sự ổn định để hoạt động trao đổi chất giữa các cơ quan diễn ra liên tục trong nhiều tuần thí nghiệm. Hiện tại chưa có một bộ cơ quan nhân tạo nào trên thế giới có thể làm được điều này.

MIT chế tạo ra nội tạng nhân tạo, có thể tháo lắp gọn vào bảng mạch như linh kiện điện tử - Ảnh 2.

Theo thông tin chia sẻ từ nghiên cứu của MIT thì bộ thiết bị nhân tạo mới này sẽ bao gồm các cơ quan như: gan, phổi, ruột, dạ con, não, tim, tụy, thận, da, cơ và xương. Như vậy, khi tiến hành thí nghiệm, các nhà khoa học có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng của thuốc tới gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể người. Và những kết quả này sẽ có tính ứng dụng thực tiễn cao hơn hẳn so với thí nghiệm trên động vật như hiện nay.

"Một trong những lợi thế của hệ thống do chúng tôi chế tạo ra đó là bạn có thể mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi thí nghiệm tùy ý. Ví dụ như thử nghiệm với các loại thuốc khác nhau, có thể tính toán để đo mức độ ảnh hưởng trên hệ 3 cơ quan hay 4 cơ quan nội tạng. Từ đó giúp giảm chi phí thí nghiệm và thông tin thu được về cũng có giá trị hơn." Tác giả của nghiên cứu tại MIT, Linda Griffith cho biết.

Hệ cơ quan nội tạng nhân tạo có thể tháo lắp như một bảng mạch điện tử này thực sự se giúp mở ra rất nhiều cơ hội mới để phát triển nghiên cứu trong ngành dược phẩm của nhân loại trong tương lai.


Thế Anh

Cùng chuyên mục
XEM