Microworker: Những “chú ong” cần mẫn phục vụ cho cuộc sống số của người khác

17/08/2019 09:30 AM | Xã hội

Microworker là người thực hiện các nhiệm vụ mà máy móc không thể hoàn thành. Các nhiệm vụ này xuất hiện trong “cuộc sống số” thường xuyên hơn bạn nghĩ. Nếu không có những microworkers thì sẽ không có nhà hàng được gợi ý trên điện thoại hay danh sách nhạc được đề xuất trong các ứng dụng âm nhạc.

Họ giúp cung cấp dữ liệu cho các thuật toán machine learning, nền tảng của trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách bổ sung yếu tố con người. Microworker có thể vẽ các hộp giới hạn xung quang các đoạn đường để dạy cho những chiếc xe không người lái biết một cái cây, chướng ngại vật hoặc người di chuyển trông như thế nào, hoặc gắn thẻ vào nội dung với cảm xúc để thuật toán có thể biết bài hát “buồn” nghe như thế nào hoặc liệu một tin nhắn hay từ có dấu hiệu “đáng lo ngại”.

Loại hình lao động này bị báo chí lên án vì chúng trả lương thấp, nhưng đối với nhiều người nó lại là một giải pháp. Michelle Muñoz từng là một nha sĩ nhưng khủng hoảng kinh tế tại Venezuela đã khiến có phải đóng cửa phòng khám. Đối với cô, microworking trở thành nguồn thu nhập duy nhất. Trò chuyện với BBC, Michelle cho biết vào một ngày năng suất cô đã kiếm được 80 USD, số tiền được sử dụng để mua chiếc điện thoại thông minh hiện cô dùng để làm việc.

Vào năm 2005, CEO của Amazon Jeff Bezos đã gọi microwork là “kẻ tạo ra trí tuệ nhân tạo” khi ông cho ra mắt Amazon Mechanical Turk (MTurk), thị trường cung cấp dịch vụ đám đông đầu tiên trên thế giới. Nó được đặt tên theo một trò bịp từ thế kỷ 18, đánh lừa những người chơi cờ nghĩ rằng họ đang thi đấu với một cỗ máy, nhưng thực chất có một người chơi cờ ẩn trong một hộp gỗ lớn với một hình nộm đặt trên đỉnh hộp gỗ.

Ban đầu, Amazon sử dụng MTurk để loại bỏ hàng triệu trang trùng lặp vì máy tính không thể nhận thấy sự khác biệt trong tiểu tiết. Nhưng vì không cá nhân nào có thể làm nhiệm vụ này một mình, họ đã chia nó thành những nhiệm vụ nhỏ có thể hoàn thành bởi hàng nghìn công nhân.

Dù không có con số chính thức nào về số lượng microworker, nhưng theo ước tính, có hàng chục nghìn người đang làm việc cho MTurk mỗi tháng, với tối đa 2.500 người cùng hoạt động tại bất cứ thời điểm nào – chủ yếu là ở Mỹ và Ấn Độ.

Microworker: Những “chú ong” cần mẫn phục vụ cho cuộc sống số của người khác - Ảnh 1.

(Nguồn: BBC)

Một khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) với sự tham gia của 3.500 microworker tới từ 75 quốc gia cho thấy độ tuổi trung bình là 33 và 1/3 trong số họ là phụ nữ, mặc dù tỷ lệ này giảm xuống còn 1/5 ở các nước đang phát triển.

Microworker cũng có trình độ giáo dục: Ít hơn 18% có bằng trung học trở xuống, 37% có bằng đại học, 20% sở hữu bằng sau đại học; hơn ½ có chuyên môn trong ngành khoa học và công nghệ, 23% theo học ngành kỹ thuật và 22% có kiến thức về IT.

Đối với những người ở các quốc gia đang gặp khủng hoảng, microwork có thể đặc biệt hữu ích. Yahya Ayoub Ahmed là người Syria chạy trốn khỏi cuộc nội chiến và hiện đang ở trại tị nạn Darashakran tại Erbil, Irắc. Trong trại, tổ chức Preemptive Love đã dạy anh tiếng Anh và kiến thức CNTT cho phép anh trở thành một microworker.

Theo Ahmed, hình thức này cho phép những người như anh làm việc từ xa và kiếm thu nhập mà không cần phải nộp đơn và gửi CV. Tuy nhiên, Allen Ninous, nhân viên của Preemptive Love, cho biết có một trở ngại cho những người lao động ở các quốc gia như Irắc, vì các nhiệm vụ chủ yếu hướng tới các nước phát triển:

“Hầu hết các dịch vụ cộng đồng trực tuyến đều hạn chế người Irắc đăng ký và ngay cả khi có người làm được điều đó, họ sẽ không có phương thức nào để rút tiền lương vì tất cả các giao dịch rút tiền đều thông qua hệ thống ngân hàng trực tuyến của bên thứ 3 như PayPal.”

Do đó, họ phải đạt thỏa thuận đặc biệt với các công ty để khắc phục điều này.

Một nỗi lo khác của các microworker là người sử dụng dịch vụ quỵt tiền công. Ban đầu, Michelle cũng lo rằng mình sẽ bị lừa, nhưng hiện tại, cô sẽ để các trang web trải qua một thời gian thử thách trước khi làm việc cùng với họ.

Microwork đã bị lên án vì mức lương bèo bọt. Theo ILO, công nhân kiếm được trung bình 4,43 USD/giờ. Trong khi công nhân Mỹ kiếm trung bình 4,7 USD/giờ (vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu), thì công nhân ở châu Phi chỉ kiếm được 1,33 USD/giờ.

Microworker: Những “chú ong” cần mẫn phục vụ cho cuộc sống số của người khác - Ảnh 2.

(Nguồn: BBC)

Giáo sư Paola Tubaro của CNRS, trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp, cho biết microwork không phải là một hiện tượng tạm thời mà nó cần thiết cho sự phát triển của các công nghệ mới như AI: “Ngay cả khi máy mọc học, ví dụ như các nhận biết mèo và chó, bạn vẫn cần cho chúng biết thêm chi tiết để nhận biết.” Khi các công nghệ này phát triển, thì nhu cầu để con người cung cấp dữ liệu cũng ngày càng tăng lên.

Hiện tại không có quy định nào của chính phủ đối với các nền tảng microwork, mặc dù ILO đã kêu gọi quy định tốt hơn cho lĩnh vực này để đảm bảo mức lương tối thiểu và tính minh bạch trong thanh toán tốt hơn.

Giáo sư Tubaro cho biết: “Microwork là vô hình với nhiều người và ít thu hút sự chú ý của công chúng. Sẽ là không công bằng nếu những người này không được trả đủ lương hoặc không có bảo trợ xã hội. Nếu họ làm việc trong cùng điều kiện như các nhà máy ở thế kỷ 19, đó không phải là điều mà xã hội chúng ta chấp nhận là đúng đắn.”

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM