Microsoft đã "đánh cắp" hạt nhân phát triển của Apple như thế nào?

29/06/2017 22:21 PM | Công nghệ

Microsoft đang tiến hành sản xuất cả phần cứng lẫn phần mềm cho các dòng sản phẩm của mình - tương tự như cách Apple thực hiện để vươn lên vị thế hiện tại.

Microsoft có vẻ như đang trỗi dậy như một thế lực sáng tạo đáng gờm.

"Nếu chúng tôi có thể tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời khi sử dụng phần mềm, người tiêu dùng sẽ mua các thiết bị phần cứng để trải nghiệm chúng." - Phó Chủ tịch mảng thiết bị của Microsoft - Panos Panay - trả lời TIME trong một cuộc phỏng vấn gần đây, khi đang thảo luận về quyết định ra mắt Surface Pro. Surface Pro là chiếc laptop đầu tiên của Microsoft, sau nhiều năm công ty này chuyên bán máy tính "lai" (gồm màn hình và bàn phím rời, cho phép máy vừa có thể hoạt động như laptop vừa như máy tính bảng). "Khi hai yếu tố này (phần cứng và phần mềm) hoạt động trơn tru cùng nhau, sự tinh tế sẽ được thiết lập" - Panos cho biết thêm.

"Nếu chúng tôi có thể tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời khi sử dụng phần mềm, người tiêu dùng sẽ mua các thiết bị phần cứng để trải nghiệm chúng." - Phó Chủ tịch mảng thiết bị của Microsoft - Panos Panay.

Kết hợp sức quyến rũ từ vẻ ngoài bóng bẩy của thiết bị như một cách thu hút người dùng trải nghiệm phần mềm - bạn có cảm thấy cách tiếp cận này "nghe có vẻ quen quen"? Trên thực tế, từ trước tới nay, chính Apple mới là công ty vẫn thường tự hào về cách thức phần cứng và phần mềm của họ hoạt động cùng nhau. "Những ai thực sự nghiêm túc về phần mềm nên tự sản xuất thêm phần cứng." - Steve Jobs trích lời nhà khoa học máy tính lừng danh Alan Kay khi giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên năm 2007. Đó vừa là một tuyên ngôn, vừa là một nhân tố thúc đẩy, giúp khẳng định sự gắn kết không thể tách rời giữa hình dáng và chức năng của các sản phẩm Apple.

Do đó, việc Microsoft chuyển hướng sang xây dựng "từ đầu chí cuối" những thiết bị giống như dòng máy Surface chứng tỏ công ty này đang chọn hướng-đi-theo-kiểu-Jobs. Những người theo dõi đã khẳng định điều này trong nhiều tháng, thậm chí là hàng năm vừa qua. Nếu để ý kỹ hơn bạn sẽ thấy cựu CEO Microsoft Steve Ballmer đã bắt đầu gửi đi những tín hiệu kiểu-Apple từ năm 2012.

Tuy nhiên, ý tưởng này mới chỉ đạt đến bước ngoặt với sự trỗi dậy của Surface Laptop và Surface Studio - những máy tính mới nhất từ Microsoft. Chiếc Surface Laptop ít nhiều gợi lại hình ảnh một sản phẩm của Apple - từ cách phần nắp được thiết kế tinh tế để có thể nâng lên chỉ bằng một ngón tay, tới cách chiếc logo Windows bóng bẩy bằng nhôm được khắc lên phía sau máy. Microsoft đảm bảo chắc chắn các điểm nhấn này được chú ý khi ra mắt chiếc laptop vào tháng năm: "Họ (đội ngũ phát triển Surface Laptop) luôn đặt hết trái tim và tâm huyết tới từng chi tiết nhỏ", Panay phát biểu. "Bất kể đó chỉ là một khớp nối hay là cả một dòng sản phẩm mới."

Tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ là nguyên lý thiết kế cốt lõi của Apple. Jobs đã từng rất nổi tiếng vì sự khắt khe của ông đối với các sản phẩm của "Táo khuyết". Ông thậm chí đã từng tạo ra một màu be của riêng mình cho chiếc máy tính Apple II, chỉ để đảm bảo mọi thứ phải chuẩn xác.

Giống như Apple, Microsoft cũng nhắm tới phân khúc giá cao cho dòng Surface của mình. Ngay cả chiếc Surface Laptop, vốn nhắm tới đối tượng sinh viên, cũng có giá thấp nhất là 999 USD. "Đó là mức giá thấp nhất chúng tôi quyết định lựa chọn" - Panay cho biết - "Microsoft có rất nhiều đối tác tuyệt vời và không muốn chỉ lắp ráp lại một chiếc laptop giá 400 USD."

Tuy nhiên, những điểm tương đồng giữa hai công ty có thể sẽ còn sâu xa hơn giá cả và chất lượng. Bằng việc kiểm soát hình thức của các thiết bị chạy Windows, Microsoft có thể tiến hành thử nghiệm các thiết bị đầu vào tự do hơn. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc Microsoft ra mắt chiếc Surface Studio 28 inch cuối năm ngoái và giới thiệu phụ kiện mới đi kèm: Surface Dial - nút xoay có thể được sử dụng trực tiếp trên màn hình hoặc sử dụng kèm như một chuột máy tính. Thiết bị này hỗ trợ những tương tác đầy mới mẻ và trực quan, ví dụ như như phóng to, xoay hình, hay thay đổi màu vẽ chỉ bằng một cú xoay nhẹ.

Surface Dial vẫn phải chiến đấu để thu hút người tiêu dùng. Thế nhưng sản phẩm này đã thể hiện thái độ sẵn sàng thử nghiệm nhiều phương pháp tương tác, nhằm tạo lập những trải nghiệm máy tính hoàn toàn mới của Microsoft. Việc Apple vươn lên và trở thành một thế lực, để rồi một lần nữa "bật" lên sau một khoảng thời gian dài khủng hoảng sáng tạo là một minh chứng cho cách tiếp cận này: máy Macintosh đời đầu và chiếc iPhone đầu tiên được đánh giá cao một phần nhờ giao diện làm việc rất trơn tru, với các "điểm sáng" như chuột máy tính hay công nghệ cảm ứng đa điểm. Apple không phát minh ra màn hình cảm ứng hay chuột máy tính, thế nhưng nhờ vào khả năng thiết kế cả phần cứng lẫn phần mềm của iPhone hay máy Macintosh, công ty này dễ dàng tạo ra được những trải nghiệm trực quan nhất. Microsoft đang đi trên con đường tương tự khi đưa những ý tưởng như Dial song hành với việc phát triển dòng máy Surface của mình.

Những khác biệt sâu sắc giữa hai gã khồng lồ công nghệ vẫn tồn tại. Một trong số đó là việc Apple duy trì kiểm soát hoàn toàn đối với quy trình sản xuất phần cứng và phần mềm; trong khi Microsoft lại dựa vào hệ sinh thái gồm rất nhiều đối tác để phát triển và bán máy tính Windows. Tuy vậy, J.P.Gownder, phó chủ tịch đồng thời là nhà phân tích chính tại Forrester, lập luận rằng Microsoft có phần vượt trội so với Apple ở khả năng sản xuất phần cứng: "Cảm nhận chung là, khi bạn muốn tìm kiếm xem sản phẩm nào đang dẫn đầu thị trường và có khả năng khiến bạn phải sửng sốt bởi những điều mới mẻ, thú vị, câu trả lời sẽ là dòng Surface của Microsoft."

Trên thực tế, với những chiếc máy tính dòng Surface và thiết bị trải nghiệm thực tế ảo HoloLens, Microsoft có vẻ như đang trỗi dậy như một thế lực sáng tạo đáng gờm. Ngoại trừ việc giới thiệu thêm thanh cảm ứng OLED, Apple chưa đưa ra thay đổi lớn nào với chiếc Macbook thương hiệu kể từ khi dòng máy 12 inch trình làng vào năm 2015. Công ty này cũng ko đưa ra bất kỳ một sản phẩm phần cứng nào tập trung vào các công nghệ đang “hot” như thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường; mặc dù trước đó cũng đã giới thiệu một số công cụ mới cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng AR.

CEO Tim Cook của Apple có thể lập luận về sự khác biệt giữa những "cải tiến đem lại sự thay đổi" và "cải tiến giúp cho mọi thứ trở nên tốt hơn". Thế nhưng ông đã bỏ lỡ một khác biệt cũng không kém phần quan trọng: đó là khác biệt giữa việc "ngủ quên" trong hào quang quá khứ và việc không ngừng phát triển để ngày một tốt hơn. Những nước đi quả cảm và đầy tham vọng gần đây của Microsoft đã thể hiện mong muốn phát triển của gã khổng lồ này.

Theo Việt Anh Spiderum

Cùng chuyên mục
XEM