Mẹo kiếm 'bộn tiền' bạn có thể dùng ngay học từ các thầy bói và nhà chiêm tinh đại tài

12/09/2016 19:30 PM | Sống

Tất cả những gì bạn cần làm là nói cho mọi người một câu rất chung chung về tính cách của họ và bộ não sẽ đánh lừa họ tin vào lời tiên đoán sâu sắc đó.

Đã bao giờ bạn không tiếc thời gian đọc những bài viết về cung hoàng đạo, lá số tử vi để khám phá về cuộc đời mình? Xin chúc mừng vì bạn không đơn độc mà có hàng tỷ người trên thế giới này hành động giống bạn.

Ngay cả những nhà lãnh đạo trên thế giới cũng không thoát khỏi cám dỗ của những lời tiên tri của các nhà chiêm tinh học. Ngay cả tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng thích tư vấn những việc liên quan đến chiêm tinh, để cho các nhà chiêm tinh học tác động đến đời sống chính trị, bao gồm quyết định thời gian của hội nghị quốc tế, những tuyên bố của tổng thống và lịch trình bay của chuyên cơ Không lực một.

Vậy tại sao nhiều người tin vào chiêm tinh học đến vậy?

Hiệu ứng Barnum

Đầu tiên hãy đọc hết đoạn mô tả sau và xem bạn có nghĩ đó là lời mô tả khá chính xác về tính cách của mình hay không:

"-Bạn mong muốn người khác yêu thích và ngưỡng mộ bạn và bạn có xu hướng chỉ trích bản thân. Dù bạn có một vài điểm yếu nhưng nhìn chung bạn vẫn có thể bù đắp lại. Bạn có những khả năng chưa được dùng đến mà bạn không biến nó thành lợi thế cho mình.

- Bên ngoài, bạn thể hiện là người có kỷ luật và kiểm soát bản thân, nhưng nội tâm bạn co xu hướng lo lắng và bất an. Có lúc bạn thật sự băn khoăn về việc liệu quyết định mình đưa ra hay việc bạn làm có đúng đắn hay không. Bạn thích một số sự thay đổi và đa dạng và không thoải mái khi bị bao vây bởi những giới hạn và hạn chế.

- Bạn cũng tự hào mình là người tư duy độc lập và không chấp nhận ý kiến của người khác mà không có bằng chứng thỏa đáng. Nhưng bạn cũng nhận ra rằng không hề khôn ngoan và quá thẳng thắn khi thể hiện bản thân với người khác. Đôi khi bạn hướng ngoại, niềm nở và hòa đồng, có lúc lại hướng nội, thận trọng và dè dặt. Một số tham vọng của bạn có xu hướng phi thực tế."

Bạn có thấy đúng như phần lớn người tham gia vào thí nghiệm do giáo sư tâm lý học Bertram Forer từng thực hiện. Ông sắp xếp cho các sinh viên trong lớp nhập môn tâm lý học của mình hoàn thành bài kiểm tra tính cách. Sau đó một tuần mỗi sinh viên được phát một tờ giấy và cho biết rằng tờ giấy có một đoạn mô tả ngắn về tính cách của họ dựa trên điểm kiểm tra. Ông yêu cầu họ đọc đoạn mô tả và xác định độ chính xác bằng cách chấm điểm từ 0-5, sau đó giơ tay nếu nghĩ rằng bài kiểm tra đã đánh giá đúng tính cách của họ. Và hầu như tất cả các sinh viên đều giơ tay.

Điều thú vị là tất cả các sinh viên đều nhận được cùng bản mô tả tính cách - là đoạn bạn vừa đọc trên. Đoạn mô tả này không dựa trên điểm số bài kiểm tra mà được giáo sư Forer lấy từ một cuốn sách chiêm tinh ông từng mua. Forer chọn ra khoảng 10 hoặc hơn 10 câu từ các mục chiêm tinh và xếp chúng lại thành bản mô tả đặc biệt này.

Kết quả trên khiến ông nhận ra rằng Chiêm tinh học không thực sự cần PHẢI chính xác để ĐƯỢC coi là chính xác. Thay vào đó, tất cả những gì bạn cần làm là nói cho mọi người một câu rất chung chung về tính cách của họ và bộ não sẽ đánh lừa họ tin vào lời tiên đoán sâu sắc đó. Sau này, nhà tâm lý học Paul Meehl đặt tên cho phát hiện này là “Hiệu ứng Barnum”.

Phần lớn mọi người đều dễ mắc hiệu ứng này kể cả người già và người trẻ, nam giới và nữ giới, người tin vào chiêm tinh học lẫn người hoài nghi. Một lý do khiến mọi người tin vào những lời tiên đoán trên vì chúng đúng với số đông. Và những câu tiên đoán kiểu Barnum chính xác vì hầu hết hướng suy nghĩ và cư xử của mọi người đều dễ dự đoán. Chúng có vẻ cụ thể nhưng có thể đúng với một tỷ lệ lớn dân số.

Hiệu ứng xu nịnh

Theo giải thích của giáo sư tâm lý học Richard Wiseman thuộc trường địa học Herfordshire, đa phần mọi người đều rất muốn tin vào bất cứ điều gì khiến họ có suy nghĩ tích cực, vì thế họ dễ chấp nhận những lời tiên đoán rằng họ có khả năng tiềm ẩn rất lớn hoặc những người có tư duy độc lập. Hiệu ứng này giải thích vì sao một nửa dân số tin vào chiêm tinh học.

Mười hai cung hoàng đạo được chia thành 6 cung “tích cực” (Bạch Dương, Song Tử, Sư Tử, Thiên Bình, Nhân Mã và Bảo Bình) và 6 cung “tiêu cực” (Kim Ngưu, Cự Giải, Xử Nữ, Bọ Cạp, Ma Kết và Song Ngư). Các đặc trưng liên quan tới những cung tích cực có xu hướng được ưa thích hơn những cung tiêu cục. Ví dụ người sinh vào cung Thiên Bình được xem là những người tìm kiếm sự yên bình và cái đẹp trong khi những người thuộc cung Kim Ngưu lại được coi là thực dụng hơn và dễ buồn phiền.

Một nhà tâm lý học khác là Margaret Hamiton cho biết những người sinh ở các cung “tích cực” tin vào chiêm tinh học nhiều hơn đáng kể so với những người sinh ở các cung “tiêu cực”.

Những giải thích về tâm lý học trên cho thấy mặc dù không chính xác nhưng chiêm tinh học cũng có vai trò phần nào củng cố sự tự tin, tinh thần tích cực cho người xem. Và điều quan trọng nhất dù bạn sinh ra ở cung hoàng đạo nào đi nữa, cuộc đời này là của chính bạn, hãy chủ động nắm lấy nó thay vì nghĩ mọi chuyện đã được an bài và buông xuôi.

(*) Nội dung bài viết tham khảo từ cuốn sách Tâm lý học hài hước của tác giả Richard Wiseman.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM