Mẹ mù, cha tâm thần, bé gái 9 tuổi làm "hoa tiêu" dẫn đường cho mẹ, mưu sinh nuôi cả gia đình

26/07/2016 08:39 AM | Sống

Mỗi ngày, hai mẹ con dậy trước 6h sáng, khi ánh đèn đường còn chưa tắt để vào cuộc mưu sinh. Người mẹ đặt tay lên vai con gái, cô bé như một hoa tiêu dẫn đường cho mẹ.

Hơn 1 năm nay, người dân phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM) đã quen thuộc với hình ảnh một bé gái 9 tuổi dẫn theo người mẹ mù lòa đi bán vé số .

Cô bé ấy tên Nguyễn Thị Trúc Vy (9 tuổi), vừa học hết lớp 3 tại trường tiểu học Hiệp Bình Chánh, còn mẹ là cô Nguyễn Thị Kim Phụng (35 tuổi, quê Bình Phước).

Hơn 14 năm trước, chị Phụng xuống Sài Gòn làm công nhân và lập gia đình với người đàn ông cùng công ty. Cách đây 8 năm, khi bé Vy được hơn 1 tuổi, chị Phụng bị tai nạn trên đường về quê, chấn thương ở vùng đầu. "Vài ngày sau bác sĩ cho xuất viện, được nửa năm tôi đột nhiên thấy mắt tôi mờ dần rồi mù hẳn", chị Phụng nhớ lại.

Khi đi khám, bác sĩ kết luận do ảnh hưởng của dây thần kinh khiến thị lực giảm, phải mổ hết 30 triệu đồng. Nhưng do không có tiền nên chị Phụng đành bất lực nhìn hai mắt mờ dần cho đến khi mù hẳn. "Khoảng thời gian ấy tôi rất khó chịu, hay cáu gắt vì bị như vậy, không làm được gì cho gia đình", chị chia sẻ.

Khi cuộc sống chị phải bầu bạn với bóng tối cũng may có người chồng hết lòng yêu thương, một tay gồng gánh gia đình với nghề công nhân, giữ xe, bảo vệ. Thế rồi, cách đây 3 năm, trong một lần chở khách đi xe ôm, cha bé Vy bị tai nạn chấn thương sọ não. Không nguy hiểm đến tính mạng nhưng người chồng lại bị vấn đề thần kinh. "Khi tỉnh anh ấy hay nói nhảm, lúc lên cơn thì đánh đập vợ con, không thể làm được việc gì nữa nên phải mang ông ấy về quê", chị Phụng nói.

Thế rồi, mọi gánh nặng bỗng dưng đặt lên vai cô bé Vy bé bỏng. Thời gian đầu, chị Phụng đưa bé đi những nhà người quen trong xóm xin ve chai. Thu nhập chẳng có bao nhiêu nên hơn 1 năm nay, Vy đi bán vé số.

Mỗi ngày, hai mẹ con dậy trước 6h sáng, khi ánh đèn đường còn chưa tắt để mưu sinh. Người mẹ đặt tay lên vai con gái, cô bé như một hoa tiêu dẫn đường cho mẹ.

Mọi việc buôn bán, lấy vé số ở đại lý, chào khách...đều do Vy thực hiện. Trong khi đó, cô Phụng chỉ đi theo cho con gái khỏi buồn và để giữ tiền. "Tôi biết đi theo bé sẽ cực hơn nhưng để đứa nhỏ một mình ngoài đường tôi không an tâm. Cũng có khi bé than "sao con khổ thế mẹ" khiến tôi áy náy lắm", chị Phụng chia sẻ.

Hai mẹ bán từ sáng đến 10h rồi tiếp tục bán từ 5h chiều cho đến khoảng 10h tối. Thời gian còn lại, Vy đi học.

Mỗi ngày, hai mẹ con ráng sức bán được 100 tờ vé số nhưng cũng có ngày ế, không thể bán hết được. "Lúc đầu con thấy mình cực quá, trong khi bạn bè được đi chơi. Nhưng con biết nhà mình nghèo nên phải cố gắng, giờ đi bộ nhiều vậy cũng quen rồi, không còn mỏi chân như trước nữa", bé Vy chia sẻ.

Trung bình, mỗi ngày hai mẹ con đi bộ chừng 20km. Chị Phụng chỉ cho bé bán vòng quanh những con hẻm, đường nhỏ ở quanh chợ Hiệp Bình, không dám ra đường lớn, sợ bị tai nạn. Vậy mà cũng có vài lần hai mẹ con bị xe va quẹt vào.

Câu chuyện hai mẹ con Vy được nhiều người dân trong chợ Hiệp Bình biết đến. Không những mua vé số ủng hộ, nhiều người còn cho thêm chút tiền, trái cây, đồ ăn biếu hai mẹ con. Trong ảnh, Vy đang xách bịch cháo mà người bán tặng.

Hai mẹ con ở trọ trong căn phòng trọ nhỏ xíu ở số nhà 23, đường 48, P.Hiệp Bình Chánh. Căn nhà đơn sơ, chẳng có vật dụng gì quý ngoài chiếc ti vi. Đến chiếc bàn học hoàn chỉnh cũng chưa sắm được, khi đọc truyện hay học tập Vy chỉ có thể đặt xuống nền nhà hoặc trên ghế nhựa.

Điều kiện gia đình khó khăn nhưng cô bé có sức học tốt, mỗi năm đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Khó khăn là thế nhưng thấy Vy ham học nên chị Phụng không muốn con nghỉ học, bởi học cũng chính là tương lai của bé. Thời gian nghỉ hè, sau khi phụ mẹ bán vé số thì Vy quanh quẩn trong nhà, làm bạn với ít đồ chơi người đi đường tặng hoặc chơi game trên chiếc điện thoại "đập đá".

Dịp hè này, Vy đang tập đi xe đạp thuần thục để sang năm học mới không phải đi bộ đến trường.

Mỗi ngày, hai mẹ con chỉ nấu một bữa ăn trưa duy nhất, buổi tối thì hai người ăn hủ tiếu gõ hoặc cơm bụi. Dù mắt không còn thấy đường nhưng chị Phụng vẫn có thể tự nấu nướng, làm việc nhà.

Nhưng việc nấu nướng đều phải dùng nồi cơm điện để đảm bảo an toàn. Bữa ăn của hai mẹ con đạm bạc, với chỉ một món ăn duy nhất.

Vy thường phụ mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.

Chị Phụng cho biết, đã đăng ký nhận giác mạc, chỉ chờ một ngày nào đó, vận may sẽ gọi tên mình. Ước mơ duy nhất của Vy lúc này là đôi mắt của mẹ có thể sáng trở lại, để mẹ được nhìn thấy em, để em được nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của mẹ.

Theo Hương Thu

Cùng chuyên mục
XEM