“Mê hồn trận" giá thực phẩm chức năng

12/12/2016 08:45 AM | Xã hội

​​Chỉ cần bước vào cửa hàng thuốc, siêu thị hay lên mạng internet người tiêu dùng có thể lạc vào “mê hồn trận” thực phẩm chức năng (TPCN) với đủ loại sản phẩm như hỗ trợ giảm đau xương khớp, hỗ trợ điều trị các loại bệnh nan y như ung thư hay thực phẩm giảm cân, trẻ hóa, tăng cường nội tiết tố, sức khỏe tình dục, với giá cả cũng như… “mê hồn trận”.

Mua 1 bán 10

Dạo quanh một số cửa hàng, siêu thị, đại lý thuốc trên phố Láng Hạ, Chùa Láng, Thái Thịnh (Hà Nội)... mới thấy sự phong phú về chủng loại và giá cả của một số loại TPCN được quảng cáo có nguồn gốc nhập khẩu đang được bán trên thị trường.

Cùng một mặt hàng, cùng một loại sản phẩm nhưng giá mỗi nơi mỗi khác, từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng/hộp. Chẳng hạn như TPCN hỗ trợ xương khớp R., được ghi sản xuất tại Mỹ, giá bán ở một hiệu thuốc phố chùa Láng là 340.000 đồng/lọ, song tại siêu thị thuốc ở Láng Hạ lại có giá 310.000 đồng/lọ; trong khi đó giá nhập khẩu của sản phẩm này theo tìm hiểu của phóng viên là 7 USD (khoảng hơn 150.000 đồng). Hay như sản phẩm Nhau thai cừu Bi... giá bán trên thị trường ở mức 900.000 đồng, trong khi giá nhập khẩu là 2,7 đô Úc (hơn 40.000 đồng).

Theo tìm hiểu hiện nhu cầu sử dụng các loại TPCN liên quan tới làm đẹp như Nhau thai cừu đang được nhiều phụ nữ tin dùng, theo đó giá cả của những sản phẩm này cũng ở mức "trên trời". Chẳng hạn như sản phẩm nhau thai cừu Gol... rao bán với giá từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/lọ và giá nhập khẩu là 15,81 USD (khoảng 300.000 đồng), gấp 5-6 lần. Nhau thai cừu Sheep P... giá bán trên thị trường là 700.000- 800.000 đồng/lọ trong khi đó giá khai báo hải quan là 8 đô Úc (khoảng 120.000 đồng); hay sản phẩm TPCN giảm cân Om... (có chứa Vitamin) do Mỹ sản xuất được bán trên thị trường với giá 250- 300.000 đồng, trong khi đó giá nhập khẩu là 1,56 USD (khoảng hơn 20.000 đồng), gấp hơn 10 lần.

Sản phẩm liên quan đến hỗ trợ trí nhớ cũng đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm và tìm kiếm, kéo theo đó sản phẩm này cũng được đà hét giá. TPCN Boni... rao bán tại các cửa hàng thuốc ở mức 400.000 đồng và giá khai báo hải quan là 1,2 USD (khoảng 25.000 đồng).

Qua đây có thể thấy, giá thực tế mà DN đã bán ra với giá khai báo thường chênh nhau khoảng 3-4 lần, cá biệt có những sản phẩm chênh nhau 20 lần (như sản phẩm Bios... giá nhập khẩu chỉ 40.000 đồng nhưng bán với giá gần 1 triệu đồng).

Với những người muốn sử dụng TPCN để hỗ trợ điều trị bệnh như ung thư, xương khớp, tim mạch, vô sinh... thì giá cả còn cao hơn nhiều, như sản phẩm được quảng cáo hỗ trợ chữa bệnh ung thư Vit.., nhập khẩu từ Cuba, có giá tới 6 triệu đồng/lọ 30ml; hay sản phẩm Sun G... của Hàn Quốc, được giới thiệu là chữa ung thư tốt nhất, cũng lên tới 2-3 triệu đồng/lọ 180 viên; TPCN Ag... được quảng cáo hỗ trợ điều trị ung thư có nơi rao bán với giá 1,2 triệu đồng nhưng cũng có nơi rao bán chỉ từ 700.000-800.000 đồng/hộp. Với mức giá chênh lệch như vậy, nhiều người không khỏi giật mình. Liệu, chất lượng sản phẩm có như quảng cáo?

Nhiều chiêu trò làm giả, đẩy giá

Theo tìm hiểu phóng viên được biết, hiện mức chiết khấu cho việc phân phối sản phẩm TPCN quá cao khiến giá bán bị thổi lên gấp nhiều lần so với giá của công ty nhập khẩu và phân phối, có nơi mức chiết khấu ở mức 30-40% trên từng sản phẩm. Đó còn chưa kể các chi phí quảng cáo, tổ chức sự kiện, chiêu trò PR... nên khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thường có mức giá "trên trời" như hiện tại. Đó còn chưa kể, dù được bán với giá cao song chất lượng của các loại TPCN này có tương xứng, có đúng với giá trị thật không hay lại bị "phù phép" từ thực phẩm kém chất lượng thành TPCN là điều lo lắng hoàn toàn chính đáng khi thời gian vừa qua, liên tục các vụ việc kinh doanh TPCN giả bị cơ quan chức năng phát hiện.

Sở dĩ có tình trạng "loạn giá" nêu trên, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, do lợi nhuận, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng TPCN rất lớn nên đã cố tình sản xuất TPCN giả, nhập khẩu TPCN từ Trung Quốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của Mỹ, Canada, Nhật, Úc… Cùng đó do nhiều người tiêu dùng không hiểu biết đầy đủ về TPCN nên các tổ chức, doanh nghiệp đã tuyên truyền, phát tán nhiều tài liệu quảng cáo TPCN không đúng với tác dụng của sản phẩm, quảng cáo TPCN chữa được các loại bệnh.

Đồng thời, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế sẽ tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý vi phạm; xử lý nghiêm, rút giấy phép đối với các cơ sở vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, tên sản phẩm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của TPCN trên địa bàn; công khai tên các cơ sở, sản phẩm TPCN có sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng; tuyên truyền để người dân hiểu đúng và sử dụng đúng về TPCN, không sử dụng TPCN tùy tiện.

Với tình trạng rối loạn về giá, chất lượng TPCN như hiện nay người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những thông tin được quảng cáo trên các trang mạng xã hội; nên có kiểm chứng và cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học trước khi quyết định mua/sử dụng sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, tránh lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Theo D.Ngân

Cùng chuyên mục
XEM