Mặt trái của tính cách hướng ngoại: Áp lực của kẻ luôn phải “say yes” và lời kêu cứu của một người hướng ngoại điển hình

04/06/2019 08:04 AM | Sống

Được gắn mác tính cách hướng ngoại đồng nghĩa với việc luôn phải sẵn sàng với mọi thứ, kể cả những lời mời khiếm nhã hay những người bạn khó ưa.

Nhìn chung, các cách hiểu về tính cách hướng nội hay hướng ngoại đã bị hiểu sai rất nhiều khiến chúng ta đều cảm thấy khó sống hơn với bản chất của mình. Nhìn quanh mà xem, ⅔ chúng ta có sự pha trộn giữa hai tính cách này chứ không mấy ai quá cực đoan về hướng nội hay hướng ngoại.

Đôi khi tôi cảm thấy tủi thân khi có đến hàng nghìn bài viết về những người hướng nội với các định nghĩa như sâu sắc, thông minh, biết suy nghĩ… Và cũng có những định hướng sống cũng như lời khuyên rất có ích cho họ giữa cuộc sống đầy chông gai này. Vậy những người hướng ngoại như tôi thì sao? À chúng tôi bị gắn mác là "ruột để ngoài da", quá dễ dãi dễ nắm bắt nên chẳng cần phải được thông cảm nữa thì phải. Bất công quá đúng không? Đúng là những người hướng ngoại nói nhiều, đôi khi là quá đà về bản thân mình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng như hàng tỷ cá nhân khác với những suy nghĩ phức tạp ẩn sâu và cần được ai đó thấu hiểu.

Những người hướng ngoại đơn giản là những người phải tìm đến các tác nhân khách quan và hoạt động bên ngoài để có động lực và kích thích suy nghĩ cũng như làm việc hơn mà thôi. Người hướng ngoại thường sẵn sàng nhấn mình vào áp lực và rắc rối hơn, vì đó là cơ chế hoạt động của não họ, chứ không phải họ thích thú hay vui vẻ theo kiểu những kẻ gây rối.

Mặt trái của tính cách hướng ngoại: Áp lực của kẻ luôn phải “say yes” và lời kêu cứu của một người hướng ngoại điển hình - Ảnh 1.

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng những người hướng ngoại luôn trong tình trạng “turn on” với mọi vấn đề. Bị gắn mác hướng ngoại, mỗi khi tôi nói không trước một lời đề nghị, mọi người sẽ ngạc nhiên và cho rằng tôi đang khó chịu hay muốn tránh mặt. Đúng là những người hướng ngoại chẳng cần đến những khoảng lặng yên tĩnh kéo dài như những người hướng nội để nạp năng lượng, nhưng không có nghĩa là chúng tôi không cần thời gian để suy nghĩ trước mọi quyết định.

Thực ra, dù mang tính cách hướng nội hay hướng ngoại thì chúng ta đều có thể trở thành người tự tin, chỉ là cách thể hiện khác nhau mà thôi. Sự tự tin không chỉ nằm ở việc bước vào một căn phòng và bắt chuyện được với bất cứ ai bạn muốn. Chính vì thế, rắc rối của người hướng ngoại chính là sự tự tin của họ đôi khi bị hiểu thành sự khoe mẽ ồn ào. Hay sự cởi mở, thân thiện đôi khi khiến tôi rơi vào những mối quan hệ chẳng đâu vào đâu. Sẽ có những người cảm thấy thân thiết với tôi một cách dễ dàng, trong khi tôi chỉ lịch sự với họ mà thôi.

Có những lúc ngồi suy nghĩ, tôi thấy mình thật cô đơn vì dường như bạn bè chỉ cần đến tôi khi họ muốn lấp đầy chỗ trống im lặng trong một cuộc trò chuyện. Hay ông sếp chỉ cần đến tôi cho một cuộc gặp gỡ đối tác vui vẻ với chút pha trò nhẹ nhàng. Còn hàng ngàn ý tưởng và suy nghĩ trong tôi muốn được thể hiện thì thường bị coi là nông cạn và bị xếp xó. Dẫn đầu về giao tiếp xã hội đôi khi lại là vật cản khiến bạn khó được người khác công nhận về năng lực.

Mặt trái của tính cách hướng ngoại: Áp lực của kẻ luôn phải “say yes” và lời kêu cứu của một người hướng ngoại điển hình - Ảnh 2.

Và sẽ thật kinh khủng nếu tôi phải trải qua những suy nghĩ và sự cô độc trên một mình. Tính cách hướng ngoại trong tôi luôn gào thét được chia sẻ và cảm thông. Nếu phải đơn độc chống lại những áp lực tứ phía, tôi sẽ lo lắng, gắt gỏng và chán nản. Sự cô đơn kéo dài thậm chí có thể làm tê liệt và tàn phá cuộc sống của những người hướng ngoại cực đoan.

Vì vậy, dù được gắn mác là một người hướng ngoại với rất nhiều lợi thế lớn để tiến đến thành công, chúng tôi cũng có những vấn đề của riêng mình. Cuộc sống của người hướng ngoại là một bức tranh mới nhìn thì tràn ngập những màu sắc vui vẻ, nhưng hãy dẹp bỏ những định kiến để bước đến gần hơn nhé, bạn sẽ bất ngờ trước những góc khuất trong cuộc đời của một người hướng ngoại.

Bùi Thảo

Cùng chuyên mục
XEM