Mặt tối phía sau xứ cảng thơm xa hoa: 20% dân số nghèo, làm việc ít nhất 12 tiếng/ngày vẫn không đủ sống

08/01/2019 10:38 AM | Xã hội

"Tôi rất hạnh phúc khi có thể tự đứng trên đôi chân của mình mà không dựa vào trợ cấp của chính phủ… Tôi cũng sẽ làm tất cả để nuôi dạy con tôi nên người, cho dù có phải vay mượn để cho chúng đi học đi chăng nữa", anh Ah Wing tự hào nói khi phải trả mỗi tháng 3.000 HKD tiền học cho con dù vất vả kiếm tiền.

Hong Kong là một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới với hàng loạt văn phòng, trụ sở của các ngân hàng, tập đoàn. Đây cũng là nền kinh tế sôi động hàng đầu quốc tế với thị trường chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng luôn vào trạng thái nhộn nhịp.

Trớ trêu thay, Hong Kong lại là một trong những nơi có nhiều người nghèo tập trung nhất trong khu vực khi số lượng người có thu nhập dưới chuẩn nghèo khổ tại đây ngày một tăng cao.

Câu chuyện của Ah Wing

Trước khi bình mình lên, anh Ah Wing đã phải mò ra đường phố Hong Kong để tìm kiếm vật liệu phế thải có thể bán được tại các thùng rác và anh chẳng thể trở về trước nửa đêm nếu muốn kiếm đủ tiền. Hàng tháng anh Ah Wing chỉ nghỉ 1 ngày để giành thời gian cho gia đình. Người đàn ông 43 tuổi này kiếm được khoảng 18.000 Dollar Hong Kong (HKD), tương đương 2.300 USD/tháng.

Vợ của Ah Wing làm nhân viên bán thời gian cho một cửa hàng thức ăn nhanh và gia đình này kiếm được khoảng 20.000 HKD/tháng. Con số này cao hơn một chút so với chuẩn thu nhập nghèo khổ 19.900 HKD tại thành phố đắt đỏ này. Tuy nhiên, gia đình Ah Wing phải trả tới 3.300 HKD cho một căn phòng hơn 9m2 cho 4 người, bao gồm vợ chồng và 2 con sinh sống.

Mặt tối phía sau xứ cảng thơm xa hoa: 20% dân số nghèo, làm việc ít nhất 12 tiếng/ngày vẫn không đủ sống - Ảnh 1.

Trường hợp của Ah Wing chỉ là một trong vô số những người nghèo sống tại Hong Kong, một trong những nơi hoa lệ của thế giới.

Báo cáo năm 2017 của chính quyền nơi đây cho thấy khoảng 1,38 triệu công dân thành phố đang sống dưới chuẩn nghèo, mức tăng 25.000 người so với năm trước. Tỷ lệ dân số nghèo ở Hong Kong cũng tăng lên mức 20,1%, cao nhất kể từ năm 2010.

Điều đáng báo động ở đây là những người nghèo này không phải dạng thất nghiệp mà đều có nguồn thu nhập hẳn hoi, hoặc có công ăn việc làm nhưng không đủ đề bù đắp cho chi phí cao chóng mặt ở Hong Kong.

Theo các quan chức, sự lão hóa nhanh của dân số, nền kinh tế tăng trưởng nóng và tỷ lệ sinh thấp đang khiến ngày càng nhiều số hộ gia đình tại Hong Kong lâm vào cảnh khó khăn. Thông thường đó là những hộ neo người mà chỉ có 1 thành viên duy nhất trong gia đình phải làm việc để nuôi cha mẹ già.

"Những lao động trình độ thấp là một điểm yếu của Hong Kong. Họ vẫn nghèo dù phải làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày", Giáo sư Paul Yip Siu Fai của trường đại học Hong Kong nhận định.

Đối với những người như anh Ah Wing, việc làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt là điều không thể tránh khỏi khi hầu hết những ngành nghề tại Hong Kong đều cần bằng cấp xịn hoặc vốn liếng để kinh doanh.

"Con gái của tôi thỉnh thoảng than phiền việc tôi làm việc suốt ngày mà không chơi đùa hay dùng bữa cùng chúng, nhưng tôi chẳng có lựa chọn nào khác khi phải kiếm tiền để nuôi gia đình", anh Ah Wing trần thuật.

Công việc nặng nhọc cũng khiến anh Ah Wing mắc các chứng bệnh về cột sống.

Mặt tối phía sau xứ cảng thơm xa hoa: 20% dân số nghèo, làm việc ít nhất 12 tiếng/ngày vẫn không đủ sống - Ảnh 2.

Tỷ lệ hộ nghèo tại Hong Kong trước (vàng) và sau (lam) khi nhận trợ cấp từ chính phủ

Giấc mơ tan vỡ

Rất nhiều người Trung Quốc đại lục đổ xô đến Hong Kong nhằm mơ ước đổi đời. Họ hy vọng rằng nền kinh tế phát triển này sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn, tương tự như việc di cư đến Mỹ hay những nước Phương Tây.

Trớ trêu thay, cuộc sống đắt đỏ tại đây không dành cho những lao động tay nghề thấp. Trung tâm tài chính này chỉ cần những nhân viên có trình độ, trong khi các công việc tay chân được trả lương không tương xứng với chi phí sinh hoạt.

Chính quyền Hong Kong cũng đã có một số biện pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo tại đây như thuê ngoài các công việc dọn dẹp, xây dựng ở các công trình đầu tư công… cho người nghèo. Tuy nhiên, phần lớn những công việc này bị ăn chặn bởi những nhà môi giới việc làm hoặc trung gian, khiến số tiền những người nghèo nhận được chẳng đáng là bao.

Số liệu của năm 2017 cho thấy tỷ lệ hộ nghèo của những hộ gia đình nhập cư vào Hong Kong vào khoảng 36,2%, cao gấp đôi so với những nền kinh tế có cùng mức tổng dân số.

Trên thực tế Hong Kong cũng có chính sách trợ cấp hay an sinh xã hội nhưng điều kiện để được hưởng chính sách này khá khó khăn, nhất là khi nhiều lao động từ Trung Quốc đại lục nhập cư vào đây để làm trái phép nhiều ngành nghề. Ví dụ như anh Ah Wing, việc nhặt rác bán phế liệu của anh trên thực tế không được luật pháp Hong Kong công nhận và gia đình anh cũng không đủ điều kiện để nhận trợ cấp.

Mặt tối phía sau xứ cảng thơm xa hoa: 20% dân số nghèo, làm việc ít nhất 12 tiếng/ngày vẫn không đủ sống - Ảnh 3.

Đáng sợ hơn, cái nghèo tại Hong Kong bám dai dẳng qua nhiều thế hệ khi những đứa trẻ sống trong cảnh bần hàn khó lòng vươn lên. Báo cáo năm 2017 cho thấy tỷ lệ trẻ em sống trong cảnh nghèo ở Hong Kong đã tăng 0,1 điểm phần trăm lên 23,1%.

Chủ tịch hội đồng An sinh xã hội Hong Kong, ông Chua Hoi Wai cảnh báo áp lực tài chính cũng như định kiến của xã hội khiến việc giáo dục trẻ em nghèo trở nên khó khăn, qua đó khiến cái nghèo lay lắt qua từng thế hệ.

Thống kê chính thức cho thấy số tiền trợ cấp hàng tháng để các hộ nghèo thoát nghèo tại Hong Kong đã tăng từ 3.900 HKD năm 2009 lên 5.800 HKD năm 2017, mức cao nhất kể từ khi thống kê số liệu.

Trớ trêu thay, ngân sách chi cho trợ cấp xã hội tại Hong Kong lại tăng. Năm tài khóa 2018-2019, Hong Kong dự chi tới 79,8 tỷ HKD cho an sinh xã hội, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Giáo sư Yip của đại học Hong Kong, khoản ngân sách này rõ ràng không hiệu quả khi chính phủ chỉ chú trọng đến số tiền chi cho người nghèo mà quên đi nguyên nhân gây ra cái nghèo. Giáo sư Yip cho rằng chính thị trường lao động mới là lý do khiến hàng loạt gia đình tại Hong Kong phải sống trong cảnh nghèo.

Tiêu chuẩn quá khắt khe của thị trường lao động và thiếu những việc làm cho nhân công trình độ thấp khiến rất nhiều cư dân tại Hong Kong không bắt kịp được với tốc độ phát triển kinh tế.

Bất chấp những thách thức như vậy, người nghèo Hong Kong vẫn rất lạc quan và tin tưởng vào tương lai. Hong Kong vẫn có sức hấp dẫn khi có nền kinh tế tăng trưởng tốt, hệ thống y tế, giáo dục và chất lượng sống tốt hơn nhiều vùng của Trung Quốc đại lục. Đối với họ, con cái và giáo dục luôn là những ưu tiên hàng đầu của các bậc cha mẹ.

"Tôi rất hạnh phúc khi có thể tự đứng trên đôi chân của mình mà không dựa vào trợ cấp của chính phủ… Tôi cũng sẽ làm tất cả để nuôi dạy con tôi nên người, cho dù có phải vay mượn để cho chúng đi học đi chăng nữa", anh Ah Wing tự hào nói khi phải trả mỗi tháng 3.000 HKD tiền học cho con dù vất vả kiếm tiền.

Mặt tối phía sau xứ cảng thơm xa hoa: 20% dân số nghèo, làm việc ít nhất 12 tiếng/ngày vẫn không đủ sống - Ảnh 4.

Bất chấp khó khăn, nhiều người nghèo vẫn cố bám trụ ở Hong Kong với hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn

AB

Cùng chuyên mục
XEM