Mặt tối của YouTube Reuploader: kiếm nghìn đô/tháng có thật dễ như lời đồn?

24/10/2016 08:31 AM | Công nghệ

Cộng đồng YouTube mà bạn thấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi. Còn rất nhiều mảng tiêu cực ẩn giấu phía sau cánh cửa đó.

Tính tới thời điểm hiện tại, có lẽ không ai trong chúng ta có thể phủ nhận sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông giải trí, phục vụ tâm lý và nhu cầu thiết yếu của mọi người trên thế giới.

Bằng chứng thuyết phục và rõ nét nhất không đơn thuần chỉ là những chương trình phát sóng quen thuộc trên TV, mà là sự hấp dẫn, thu hút của những nền tảng chia sẻ đa phương tiện được ưa chuộng trên Internet, đặc biệt là vị thế vững chắc của YouTube trong lòng cộng đồng mạng.

Với xu hướng chung của một bộ phận không nhỏ “lên Facebook thay vì đọc báo, vào YouTube thay cho xem TV” thì rất nhiều cơ hội và con đường mới được mở ra theo sau loại hình giải trí ăn khách này, trải dài trên hầu hết các lĩnh vực cùng các hot YouTuber cũng như nhiều nghệ sỹ và các nhà sản xuất nổi tiếng khác.

Thế nhưng, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi. Song song với vẻ ngoài hào nhoáng ấy là mặt tối về những người thường được gọi bằng cái tên Reuploader/Cheater cùng những khía cạnh đằng sau ít người biết đến.


“Hậu trường” ẩn giấu phía sau

Trước hết, để hiểu được một cách tường tận, những người trên thực chất vẫn hoạt động theo cơ chế upload nội dung và video lên YouTube như thông thường, nhưng thay vì tập trung quảng bá cho thương hiệu và độ phổ biến của mình thông qua những cách chính đáng, họ lại tìm đến khai thác những điểm mấu chốt đóng vai trò quan trọng trong việc thu lợi nhuận qua hệ thống quảng cáo tương tác, nhằm “đi tắt đón đầu”.

Nói cách khác, họ muốn rút ngắn thời gian và công sức đầu tư bằng cách lách luật, trong khi đó vẫn mang lại được nguồn thu nhập cũng được coi là đáng kể so với mặt bằng chung. Thậm chí, nếu đã đạt đến một giai đoạn nhất định, có khi chỉ cần bỏ chút thời gian chăm sóc kênh video cũng kiếm được cả ngàn USD/tháng.

Tất nhiên, không phải ai cũng làm được điều này, vì nếu dễ dàng như mọi người nghĩ thì có lẽ ai ai cũng đổ xô đến “mỏ vàng công cộng” như vậy rồi. Mặt khác, đi kèm với nó cũng nảy sinh thêm nhiều hậu quả và kết cục cay đắng dễ dàng bị làm ngơ vì ẩn chứa đằng sau lợi ích bay bổng trước mắt.

Vốn đã tìm hiểu khá cặn kẽ về lĩnh vực này được một thời gian, đồng thời thông qua việc tích cực đào sâu các mối quan hệ quen biết từ trước, cuối cùng tôi cũng may mắn có cơ hội được nói chuyện và tiếp xúc với anh Kiên (Long Biên, Hà Nội) - từng là một reuploader chính hiệu, hiện đang làm việc cho một công ty phụ trách kỹ thuật máy tính. Trong quá trình trao đổi, anh tỏ ra là người khá hồ hởi, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ mọi ngóc ngách, khiến cho cuộc nói chuyện phần nào cũng trở nên cuốn hút hơn.

Ngược dòng hồi ức, anh bộc bạch: “Trước đây anh tìm đến cái ‘nghề’ này cũng một phần vì là sinh viên đi học xa nhà còn đang làm quen lạ lẫm với môi trường mới, chưa kịp thích nghi và kiếm được việc làm trang trải cuộc sống, phần vì cũng tò mò và nghe được nhiều lời giới thiệu hấp dẫn từ người khác. Ban đầu thì cũng khá dễ hình dung thôi, đơn giản vì vài năm trước YouTube cũng trở nên khá phổ biến và không còn xa lạ gì với mọi người dùng Internet nữa, đặc biệt là giới trẻ, nên các thao tác và khái niệm cơ bản cũng không gây khó khăn gì.”

“Bước đầu tiên thì phải xác định là mình muốn theo hướng nào đã rồi mới tạo kênh video và phát triển nó theo mục đích ấy. Làm cái gì chả được, cứ hợp là triển khai thôi. Thích tự biểu diễn, có tài lẻ? Chỉ cần một chiếc điện thoại là đủ, quay lại, up lên và bật tính năng kiếm tiền. Hay đơn giản là đi ngoài đường gặp chuyện gì giật gân như tai nạn, xích mích… cũng được, không liên quan đến mình nhưng mình tự quay lại và tự up thì nó là của mình, chẳng có vi phạm luật bản quyền nào cả [...]”

Nói cách khác, mỗi người khi lập một kênh YouTube riêng đều sẽ phải tạo một tên thương hiệu tùy ý thích, liên quan đến nội dung mà mình định phát triển và upload. Sau đó sẽ đến bước đăng ký làm YouTube Partner, liên kết kênh đến một tài khoản kiếm tiền qua trình quảng cáo của YouTube để có thể nhận tiền.

Số tiền kiếm được là do sau khi đồng ý tham gia vào cộng đồng YouTube cũng có nghĩa bạn đồng ý cho phép YouTube hiển thị quảng cáo trên video của mình, và nếu có người click vào quảng cáo thì sẽ được tính vào tiền nhận được cho chủ video.

“Các hình thức và phương tiện kiếm tiền cho tài khoản được chia làm 2 loại: thông qua Google Adsense hoặc các Network, trong đó mỗi loại có ưu điểm và giới hạn khác nhau mà sẽ liên quan đến mục đích của từng người,” anh Kiên cho biết.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề dễ dàng như vậy, nhất là khi ai ai cũng nôn nóng có được trong tay những đồng tiền mà nghĩ là có thể dễ dàng kiếm được chỉ nhờ vài giai đoạn và thao tác hời hợt như trên.

“Nhưng các bạn khi ấy không hiểu là nếu chỉ đơn thuần làm vậy rồi nghĩ rằng để đó là video của mình sẽ dần dần thu hút view và lượt tương tác, từ đó càng tăng tỉ lệ kiếm được càng nhiều tiền thì nhầm to rồi. Xác suất như vậy nhỏ lắm, trừ khi video đó bất ngờ là ngoại lệ bỗng nổi lên như một hiện tượng mạng, còn không thì đến vài năm nữa cũng chả tích đủ tiền mua một con smartphone. Anh biết điều đấy và tất nhiên là cũng muốn kiếm tiền nhanh chóng, nên dần dà mới tìm đến những cách lách luật, dùng những mánh khóe qua mặt YouTube chứ.”

Nghỉ một chút, bật chiếc máy tính bên cạnh để tiện chỉ cho tôi dễ hiểu, anh Kiên tiếp tục chia sẻ thêm về kinh nghiệm cheat YouTube một thời của mình. Cũng phải nói thêm, cheat trên YouTube được chia ra làm 2 kiểu: reupload videoclick quảng cáo gian lần.

Tất cả đều đánh chung vào cơ chế tính tiền theo quảng cáo của YouTube, nhưng anh Kiên trước đây chỉ tập trung vào kiểu 1: Reupload lại những video hot nhiều người xem, hoặc tự tổng hợp những nội dung có sức hấp dẫn cao từ trước trên YouTube, từ đó vẫn là dựa trên tài nguyên và công sức của người khác nhưng biến nó thành của mình, và tất nhiên độ lan tỏa cũng thực sự đáng kể vì đó cũng là những nội dung được nhiều người tìm xem trên YouTube. Nhờ vậy, số lượt xem và tương tác cũng vì thế tăng một cách nhanh chóng, tỉ lệ thuận với số tiền kiếm được do lượng tương tác quảng cáo trên video cao.

Trước đây, anh lựa chọn trình quảng cáo Google Adsense để kiếm tiền chứ không qua hình thức Network (các nhà phân phối quảng cáo của chính Google Adsense đến tay người dùng). Sự khác nhau cơ bản của hai hình thức này nằm ở những điểm mấu chốt như sau:

Google Adsense Network

Ưu điểm

Hỗ trợ tối ưu

Không cắt xén % tiền kiếm được

Cập nhật nhanh chóng, dễ theo dõi

Cho phép nhận tiền kể cả khi kênh chết (tính đến thời điểm ngay trước đó)

Các video reup bị dính lỗi “!” vẫn có thể đủ điều kiện kiếm tiền (do có tính năng bảo lãnh riêng)

Mức thanh toán tối thiểu thấp (có thể xuống thấp tới 1 USD, phụ thuộc vào mỗi Network)

Nhược điểm

Những nội dung reup sẽ khó có đường sống vì thuật toán kiểm duyệt chặt chẽ

Các bước xác nhận hơi lằng nhằng và mức tiền thanh toán tối thiểu phải ở mức 100 USD - khá cao đối với những người còn “gà mờ”

Quá trình đăng ký rườm rà hơn

Bị chia tiền hoa hồng kiếm được từ quảng cáo

Thời gian thanh toán không đều đặn

Chết kênh thì sẽ không nhận được tiền nữa (đối với hầu hết Network)

Vậy tại sao với những đặc điểm trên, khi đi theo Google Adsense anh Kiên vẫn có thể tiếp tục cheat mà không sợ bị “sờ gáy”? Hóa ra anh đã có kế hoạch dự phòng cho mình, nắm rõ một số thủ thuật nhằm qua mặt những biện pháp khắc chế của Google cũng như YouTube.

Cụ thể, anh chia sẻ về trải nghiệm của mình: “Nếu bỗng một ngày vào trang quản lý kênh và thấy một dấu ‘!’ hay ‘?’ to đùng, kèm theo chú thích rằng video của bạn có nội dung giống với bên thứ 3, hoặc lặp lại bản quyền quản lý bởi một tên tuổi khác trước đó thì cứ bình tĩnh đừng vội xóa video. Về cơ bản, đó là do những thuật toán được lập trình sẵn của Google được lập trình sẵn để quét những dữ liệu âm thanh, hình ảnh, các khía cạnh khác nếu có bất kỳ sự trùng hợp và vi phạm nào xảy ra. Nhưng máy móc thì cũng chỉ là sản phẩm tạo ra bởi con người mà thôi, nên sẽ luôn có cách đánh lừa được nó.”

Thì ra, sau một vài lần sảy chân, anh cũng mày mò ra được cách để đảm bảo cho video reup của mình không bị xếp vào loại vi phạm điều luật. Chỉ cần sử dụng thêm một phần mềm chỉnh sửa video phổ biến mà hiện nay trên thị trường ứng dụng có rất nhiều, tăng giảm nhịp độ hoặc chèn những bài nhạc công cộng không có dấu bản quyền đè lên là đã có thể không phải lo nghĩ gì về mặt âm thanh.

Vậy còn nội dung hình ảnh thì sao? Cái này hơi lằng nhằng chút vì bạn sẽ phải tự xác định xem phần nào của video có đoạn hình ảnh dính lỗi bản quyền, sau đó chỉnh sửa và loại bỏ đi, hoặc có thể can thiệp vào kích thước và các đặc điểm hình thức khác của video.

Ngoài ra, còn một điều nữa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bước hoàn thiện quá trình tạo lập, reup video là cách chọn đề tài reup, đặt title, từ khóa liên quan… Để có thể tiếp cận đến người xem nhanh nhất qua các kênh tìm kiếm, gợi ý trên Google và YouTube, cần đặt tiêu đề bằng những từ khóa mà người dùng hay lựa chọn, nhưng vẫn đảm bảo độ khái quát, ngắn gọn, nếu lợi dụng để dài quá sẽ phản tác dụng, mất cảm tình với người xem. Mô tả và tag cũng vậy, bổ sung chức năng giải thích và liên hệ cho video.

Tại sao lại phải quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt như vậy trong khi đây chỉ là video reup, nội dung mới là thứ cần khai thác chính? Giải thích cho điều này, anh Kiên nhận định: “Nó cũng lại liên quan chặt chẽ đến thuật toán của YouTube. Thông thường, nếu 2 video có cùng nội dung như nhau, tiêu đề và tag cũng tương tự thì video nào có lượt like cao, tỉ lệ tương tác lớn, kênh có nhiều người subscribe thì sẽ được ưu tiên hơn trong những kết quả gợi ý vì mức độ tin tưởng dành cho kênh cao. Do đó, việc chăm chút cho từng khía cạnh một sẽ giúp chiếm cảm tình của khán giả, tăng mức độ chia sẻ và quan tâm, mang lại lợi ích về lâu về dài.”

Cũng phải nói thêm, bên cạnh những chiêu trò như trên, còn tồn tại một dạng cheat nữa trên YouTube như đã đề cập trước đó: click quảng cáo gian lần. Đây cũng là hình thức kiếm tiền được nhiều cheater cho là lý tưởng đối với thị trường như YouTube bởi họ không mất công upload nhiều video hay cần chúng trở nên phổ biến để lên top kết quả tìm kiếm cũng như lượt xem cao. Thông thường một kênh cheat chỉ tầm 4-5 hoặc nhiều là trên 10 video, cùng tần suất xem chỉ vài view/ngày là đã đủ điều kiện để tiến hành các bước tiếp theo.

Sau khi qua các bước chuẩn bị như trên, họ sẽ thực hiện khai thác khía cạnh lượt click vào quảng cáo hiển thị bởi Google trên video của mình. Giá trị quảng cáo theo lượt click phụ thuộc vào người xem ở đâu trên thế giới, chẳng hạn Anh, Mỹ… sẽ có CPC (Cost Per Click - số tiền tương ứng mỗi lẫn click) cao hơn nhiều lần so với Việt Nam.

Do đó, những cheater sẽ tìm cách fake IP máy tính sang những vùng lãnh thổ nước ngoài, một công đôi việc: vừa tăng CPC, vừa tránh Google phát hiện mình đang cố tình tự click cho video của bản thân vì trùng IP.


Hậu quả phải đánh đổi và những kết cục đi kèm

Vậy nếu mọi chuyện nghe có vẻ khá suôn sẻ như trên, tại sao anh Kiên là từ bỏ con đường này dù nếu đã gây dựng được một kênh reup đạt đến một mức ổn định như anh từng có, muốn duy trì kiếm tiền chỉ cần bỏ chút ít thời gian là ổn, thu về cả ngàn USD không thành vấn đề?

Nếu đọc những bài hướng dẫn cheat trên nhiều trang blog cá nhân, giới trẻ thường dễ bị thu hút và làm theo vì lợi ích trước mắt. Nhưng đó chỉ là yếu tố tạm thời mà thôi. Ngày ngày công nghệ càng phát triển, kéo theo động thái tất yếu của các công ty lớn, đặc biệt là với tầm cỡ như Google thì sẽ càng khó khăn hơn cho những người đang cố gắng kiếm tiền từ những công cụ không được chấp nhận như vậy.

Đối với những người lợi dụng cách tự click vào quảng cáo của mình hay nhờ người khác làm hộ, chắc chắn chỉ một thời gian ngắn sau tài khoản Adsense của họ sẽ bị vô hiệu hóa ngay lập tức. Lý do là vì Google đã phát triển nên nhiều biện pháp kiểm duyệt tân tiến, khiến cho những thủ thuật tương tự sẽ không kịp có đất sống lâu dài.

Theo chia sẻ của anh Kiên, có những cách và cơ chế phổ biến sau mà Google dựa vào để nhận biết hình thức gian lận click: Địa chỉ IP (do trùng IP click nhiều lần từ một máy); truy dấu cookie (khắc chế những máy dùng IP động); tỷ lệ click tăng đột biến so với thông thường; vị trí địa lý của những lượt click (nếu có nhiều lượt bất ngờ xuất hiện chỉ trong một phạm vi diện tích nhỏ); xét độ thành công của quá trình click (chỉ click mà không giao dịch đến cùng); và cuối cùng là những điều tra phản ứng dựa theo thói quen tiêu chuẩn (liên quan đến những dấu hiệu đáng ngờ về thời điểm click, tần suất so với những kênh và website khác, độ chênh lệch tương quan giữa lượt click và tính phổ biến…).

Hơn nữa, đó mới chỉ là những yếu tố khách quan đến từ nền tảng phát triển, còn nhiều khía cạnh phức tạp khác nữa trong cuộc sống mà những người mới “vào nghề” khó mà hiểu rõ được nếu không tự nếm trải. Đây cũng là một phần lý do tại sao anh quyết định từ bỏ nó sau 2 năm theo đuổi.

“Khi mới lập kênh, anh không làm theo click nên vẫn phải đảm bảo số view, tương tác và độ nổi tiếng của kênh cao mới có thể thu lợi nhuận. Khi ấy phải chăm từng li từng tí một, từ khâu tìm nội dung, từ khóa đến SEO cho nó nhanh tiếp cận với khán giả. Nhiều khi nản lắm, nội dung phổ biến thì nhiều người cũng làm và khó cạnh tranh nhất là khi bắt đầu muộn, còn nội dung hiếm, độc đáo, dễ thu hút đột biến thì rất khó để follow và lấy về vì nó xuất hiện ít, dễ bị đánh bản quyền ngay lập tức.”

Qua dòng hồi ức của anh, tôi mới hiểu được dù cho đây là một “nghề” không được công nhận hợp pháp nhưng nếu muốn thành công cũng chẳng đơn giản gì. Trước khi up video thì bỏ thời gian tính toán các nước đi chắc chắn. Xong xuôi rồi, nhiều khi video sau khi up lên đang trên đà thuận lợi, bỗng nhiên có hôm sáng tỉnh dậy thấy thông báo vi phạm là lại lo sốt vó, mất ăn mất ngủ tìm cách khôi phục và sửa đổi video. Không chỉ chịu tác động từ chính Google, anh còn bị áp lực từ chính cộng đồng những người cùng reup như mình, kể cả khi kênh đã khá lớn mạnh. Chỉ cần thấy một kênh reup nào đó nhiều view và tương tác là họ sẵn sàng bỏ công kêu gọi vùi dập giấu tên, report để bớt đối thủ cạnh tranh, mang lại ưu thế cho bản thân.

Vì thế, sau một thời gian suy tính thì anh cũng “rửa tay gác kiếm”, kiếm cho mình một công việc đàng hoàng khác, tuy “chưa xét đến tỷ lệ so sánh giữa công sức bỏ ra và thu nhập nhưng ít ra đó vẫn phù hợp với chuyên môn bản thân mà chẳng phải lo nghĩ mai làm gì để tránh vi phạm, để tăng tiền quảng cáo… Đỡ mệt đầu, lại thêm nhiều thời gian rảnh cho những việc khác nữa chứ. Tốt nhất là đừng bắt chước những gì anh làm, cứ tập trung phát triển những đam mê và sở thích của bản thân để có thể tự lực cống hiến bằng chính công sức của mình làm ra, chứ không cần dựa dẫm vào cái bóng của người khác hay lén lút gian lận để kiếm lợi cho riêng mình,” - những lời bộc bạch, khuyên nhủ đầy suy tư của anh Kiên muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người.

Lời kết

Nhìn tổng thể, YouTube đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một công cụ thiết yếu đóng vai trò là phương tiện truyền thông giải trí quan trọng với sức hấp dẫn không cần bàn cãi thêm ở thời điểm hiện nay và cả trong tương lai nữa.

Rất nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp khác cũng nhờ đến sự tiện dụng, linh hoạt và tính chất phổ biến của nó để có thể đạt được những bước tăng trưởng vượt bậc, tạo nên một nền kinh tế và giải trí toàn cầu ngày một toàn diện hơn. Nhờ đó, không chỉ những công ty, tổ chức được hưởng lợi từ hình thức, cơ chế hoạt động của YouTube mà ngay cả quy mô nhà sản xuất cá nhân cũng không phải là ngoại lệ.

Dù vậy, hãy luôn sáng suốt trong mỗi quyết định và lựa chọn của mình. Ghi nhớ rằng giá trị thực sự do công sức bỏ ra mới là giá trị bền vững và là tiềm năng phát triển cho tương lai, còn những cám dỗ nhất thời sớm hay muộn cũng sẽ chẳng mang lại kết quả gì tốt đẹp cả.

Hy vọng rằng cộng đồng Internet nói chung và YouTube nói riêng sẽ ngày một lớn mạnh và trong sạch, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành dịch vụ và giải trí toàn cầu với những nội dung hấp dẫn và đột biến. Cuối cùng, nếu có ý định trở thành một nhà sản xuất video chính thức, muốn được kiếm tiền từ khả năng sáng tạo và kỹ năng thực sự của bản thân thì đừng ngại ngùng gì cả mà bắt tay vào thử sức ngay thôi!

Cùng chuyên mục
XEM