Mắt ti hí, mũi diều hâu, mặt lưỡi cày...: Khách hàng luôn định kiến về ngoại hình khi mới quen, nếu không hiểu khách hàng nghĩ gì về mình, sales cầm chắc thất bại!

01/07/2017 15:23 PM | Kinh doanh

Với nhiều người sales, kỹ năng bán hàng sẽ quyết định nhiều đến thành công nhưng theo chuyên gia Đỗ Xuân Tùng, việc đầu tiên dân sales cần chú ý là hình ảnh mình trong mắt khách hàng hiện lên thế nào.

Người Việt Nam vẫn hay có câu “trông mặt bắt hình dong”, điều này tưởng chừng không liên quan lắm đến nghề sales nhưng theo chuyên gia bán hàng Đỗ Xuân Tùng, ấn tượng ban đầu đối với dân sales sẽ khiến khách hàng ra quyết định có nên tiếp tục cuộc trò chuyện nữa không.

Chia sẻ trong chương trình Cafe 8 số thứ 8 trên fanpage CafeBiz vừa qua, ông Tùng cho biết một điểm thú vị trong nghề bán hàng đó là ngay từ những giây đầu tiên tiếp xúc, khách hàng sẽ xét đoán dân sales để đưa ra một loạt định kiến phía sau. Và chỉ trong tích tắc, họ sẽ quyết định người sales có thú vị hay không, có nên dành thời gian để tiếp tục lắng nghe hay không.

Vị chuyên gia lấy ví dụ trước đây anh từng đào tạo một “chiến tướng” là nữ, người này có răng khểnh, miệng cười tươi, khi nói chuyện, bất kể già, trẻ, lớn, bé đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

“Rõ ràng khi khách hàng gặp cô ấy, chả cần biết có mua bán được gì hay không nhưng người ta thấy vui, lần sau người ta sẽ lại muốn gặp”.

Ông Tùng cho biết trong khoảng 2-3 giây tiếp xúc đầu tiên, khách hàng đã có cơ sở để phán đoán người sales nên trong bán hàng, trước khi học các kỹ thuật bên ngoài, “cần biết trong mắt người khác bạn hiện lên như thế nào”. Rõ ràng, nếu tiếp xúc với một người mặt mũi tươi tỉnh, sáng sủa, khách hàng sẽ thấy tin tưởng hơn, muốn mua hàng hơn nếu so với một người lúc nào cũng nghiêm trọng, căng thẳng.

Tuy nhiên tại Việt Nam, phần lớn mọi người nói chung khá “ngơ ngác” về vấn đề này vì từ trước đến nay, chỉ được dạy phán đoán người khác thế nào chứ không bao giờ dạy mình thế nào trong mắt người khác. Chuyên gia Tùng khẳng định kỹ năng phán đoán người khác cũng cần thiết nhưng trước hết mỗi người sales nên biết trong mắt người khác mình đang hiện lên thế nào.

Tôi không cần biết bạn tốt hay xấu, tôi chỉ cần biết cái đầu tiên bạn tạo ra là cảm giác gì ở phía khách hàng. Cái cảm giác ấy rất quan trọng. Nếu bạn điều chỉnh cảm giác ấy tốt lên thì cuộc bán hàng thành công, còn cái cảm giác đã tệ sẵn rồi, bạn không điều chỉnh thì nó càng ngày càng tệ hơn”.

Chuyên gia lấy ví từ trường hợp của bản thân. Vì ngày xưa ngủ ít nên mặt ông bị sụp mí, nhìn vào không có cảm giác linh hoạt như người khác. Thứ hai là lông mi thẳng đuột, không cong được nên khi nhìn thấy mọi người hay có cảm giác lờ đờ. Hồi còn đi học, câu nói ông hay được nghe từ thầy cô giáo là “Tùng có nhìn thấy không con, có cần lên bàn đầu ngồi không” trong khi thực tế ông vẫn đang tỉnh táo, mắt tinh nên cũng không cần dùng đến kính.

Vì biết điểm yếu này nên chuyên gia tìm cách tự khác phục bằng giọng nói, tức là điều chỉnh để giọng nói biến đổi nhiều hơn, lúc nói to, lúc nói nhỏ. Trong khi trò chuyện, sử dụng linh hoạt động tác tay để người nói chuyện quên đi cảm giác “lờ đờ” của đôi mắt.

Cũng theo chuyên gia, người Việt Nam thường có nhiều định kiến liên quan đến ngoại hình, ví dụ mắt ti hí là mắt gian. Khi nói chuyện với khách hàng, giả sử người sales không chú ý đến điểm này, mà cứ thao thất bất tuyệt thì khách hàng lại càng không tin, càng cảm thấy nghi ngại. Vậy nên việc dân sales cần làm là điều chỉnh hình ảnh của mình để từ đó thay đổi cảm giác từ phía khách hàng, sau đó mới chuyển sang phần trình bày về sản phẩm.

“Nhắc đi nhắc lại là chúng ta phải chiến đấu với định kiến của khách hàng rất nhiều nên nghề sales là nghề làm dâu trăm họ, mình phải chấp nhận định kiến xấu cũng như tốt của người ta để điều chỉnh sao cho phù hợp. Có như vậy mới ghi điểm được”, ông Đỗ Xuân Tùng kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM