Mất cân bằng lớn giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội trong xuất khẩu điện tử

29/11/2017 14:18 PM | Kinh tế vĩ mô

Mặc dù ngành công nghiệp điện tử có bước phát triển đột phá trong nhiều năm qua, làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu của cả nước nhưng cán cân kim ngạch xuất khẩu giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội vẫn còn chênh lệch lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngành công nghiệp điện tử được xem là ngành chiếm tỷ trọng lớn, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, cán cân kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn quá lớn. Theo đó, 95% kim ngạch xuất khẩu đến từ khu vực doanh nghiệp FDI. Trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu năm 2016 trị giá 34,3 tỷ USD, các doanh nghiệp FDI chiếm 99,8% trị giá 34,2 tỷ USD. Tính từ năm 2012 đến tháng 11/2017, Hàn Quốc chiếm tới 71,6% cơ cấu vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Về vấn đề này, đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương ông Cao Bảo Anh cho biết ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều tồn đọng. Việc phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển không có chiến lược, thị trường điện tử mất cân đối nghiêm trọng. Sản phẩm có thị trường lớn và kinh doanh sôi động nhất hiện nay là hàng điện tử dân dụng như thiết bị nghe nhìn, các phương tiện, giải trí... Trong cơ cấu sản xuất, sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% với doanh số chiếm khoảng 30% tổng doanh thu ngành.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm mà chưa thực hiện các công đoạn "chế biến sâu" trong chuỗi giá trị ngành. Giá trị gia tăng (VA) rất thấp trong khi giá trị sản xuất (GO) liên tục tăng cao càng làm tỷ trọng VA/GO có xu hướng ngày càng xấu.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết hiện nay có một số ít doanh nghiệp sản xuất linh kiện đơn giản như biến áp nguồn, thạch anh, cuộc dây cho các thiết bị điện tử trên dây truyền công nghệ thấp. Công nghiệp sản xuất linh kiện không đáng kể vì cần có vốn đầu tư lớn. Hơn nữa trong cả một thời gian dài thuế nhập khẩu linh kiện (5%) lại thấp hơn thuế nhập khẩu vật tư để sản xuất linh kiện nên mất cân đối giữa lắp ráp và sản xuất phụ tùng linh kiện càng gia tăng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn FDI có nền tảng công nghệ lâu năm từ các công ty, tập đoàn sản xuất vật tư linh kiện phụ trợ cho các hãng điện tử lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này có lợi thế về vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, lãi suất ngân hàng từ các nền kinh tế khác thấp hơn so với mặt bằng lãi suất trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI chủ yếu sản xuất tận dụng nhân công trong nước giá rẻ, không tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ tại Việt Nam. Ngoài ra, họ còn có một lợi thế không nhỏ đến từ chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

"So với doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ như đất đai, thuế", bà Thúy Hương cho hay.

Để giải quyết khó khăn này, ông Cao Bảo Anh đề xuất cần xây dựng và đào tạo đội ngũ nghiên cứu thiết kế và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, có hàm lượng trí tuệ lớn, tận dụng lợi thế về thiết kế, tích hợp hệ thống và khả năng lập trình. Bên cạnh đó, các bên liên quan cần hoàn thiện các công trình hạ tầng phát triển ngành như trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, khu công nghệ cao...

Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp điện tử có nhiều bước phát triển đột phá. Với sự xuất hiện của Samsung, ngành điện tử trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và thay đổi cơ cấu xuất khẩu của cả nước. Giai đoạn 2005-2014, số lượng các doanh nghiệp điện tử tăng từ 256 lên 1.021 doanh nghiệp. Số lượng việc làm trong ngành công nghiệp điện tử tăng 7 lần trong vòng 8 năm từ 46.000 lao động năm 2005 lên 327.000 vào năm 2013 vào khoảng 500.000 năm 2016.

Từ năm 2015, Viêt Nam là nước xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam dự kiến vượt ngưỡng 70 tỷ USD, tương đương 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng.

Theo Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM