[Marketing thời 4.0] Từ chối bán loại humburger đặc sản để hướng khách hàng sang mua Big Mac của đối thủ McDonald’s, tại sao Burger King vẫn được ủng hộ nhiệt liệt?

31/12/2018 08:15 AM | Kinh doanh

Hành động kỳ lạ của Burger King đã thu hút sự chủ ý của truyền thông, thậm chí còn được phía McDonald’s cảm ơn một cách kín đáo.

Burger King và McDonald’s vốn là hai đối thủ truyền kiếp trong mảng bánh burger. Nhưng tháng 11 năm ngoái, chuỗi cửa hàng Burger King ở Argentina đã làm một điều khá hiếm hoi và bất ngờ: Từ chối bán sản phẩm humburger đặc trưng là Whopper trong 1 ngày duy nhất, đồng thời khuyến khích khách sang các cửa hàng McDonald’s để mua Big Mac.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc ngày 10/11 hàng năm được các cửa hàng McDonald’s ở Argentina quy định là ngày "McHappy". Khi đó, tất cả doanh thu từ Big Mac sẽ được quyên góp để giúp đỡ trẻ em bị ung thư.

Vậy nên Burger King quyết định đóng góp một phần vào chiến dịch nhân văn này. Trong ngày 10/11 năm ngoái, tất cả 109 cửa hàng Burger King đã từ chối bán Whoppers và hướng khách hàng đến McDonald’s mua Big Mac.

Video do đơn vị truyền thông có tên gọi David thực hiện dưới đây đã ghi lại toàn bộ tiến trình đó. Thậm chí ở gần cuối, nhân vật vị vua, biểu tượng của Burger King, cũng tiến vào cửa hàng để mua Big Mac trong tiếng vỗ tay của nhiều người xung quanh.

Burger King từ chối bán Whopper và “đẩy” khách sang McDonald’s mua Big Mac

Dĩ nhiên trong video nói trên, toàn bộ phần logo hay tên gọi liên quan đến đối thủ của Burger King đã được che mờ. Ấn tượng đọng lại là hành động hào phóng của Burger King, dù đây chỉ là một cách để hãng marketing cho thương hiệu thay vì hoàn toàn có thể quyên góp trong thầm lặng.

Vậy tại sao biết là chiến dịch marketing nhưng Burger King vẫn được khách hàng ủng hộ?

"Khi Burger King giúp đỡ đối thủ làm việc tốt thì chính bản thân họ cũng đang làm điều tốt, vì thế thương hiệu của họ được yêu quý", ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch LeBros nhận xét về chiến dịch của Burger King tại hội thảo "Make Your Brand Human"- Xây dựng thương hiệu nhân văn tổ chức cách đây không lâu.

Theo ông Vinh, cách làm marketing như của Burger King cũng là cách làm marketing phổ biến trong giai đoạn hiện nay, khi các thương hiệu không nhắm đến phía doanh nghiệp như b2b (business-to-business) hay khách hàng như b2c (business-to-customer) mà mà chỉ có h2h: human-to-human. Nghĩa là một thương hiệu không nên chỉ tập trung thúc đẩy các giá trị lợi ích mà họ hứa, hay có thể mang lại cho khách hàng mà phải chỉ ra được các giá trị nhân văn, nhân bản hướng tới cộng đồng.

Ignacio Ferioli, một đại diện đến từ phía đơn vị truyền thông David tiết lộ với sự trợ giúp của Burger King, McDonald’s đã bán thêm 73.437 chiếc Big Mac so với con số được coi là kỷ lục vào năm 2016. Dù McDonald’s không có phản hồi chính thức nào, nhưng Ferioli cho biết đã có một số quản lý của McDonald’s gọi sang phía Burger King để chúc mừng chiến dịch thành công và cảm ơn họ đã hỗ trợ.

Còn về phần Burger King, thương hiệu này cũng thu hút sự quan tâm lớn từ truyền thông khi nhận về hàng triệu lượt hiển thị trên các báo điện tử hay mạng xã hội. Bởi Burger King đã chứng minh sự thấu cảm và quan tâm của mình tới cộng đồng bằng cách sẵn sàng hy sinh doanh số bán hàng để hỗ trợ một hoạt động từ thiện.

"Nếu chọn một thuật ngữ bao hàm cho chiến lược marketing h2h là gì thì tôi sẽ dùng chữ caring-sự quan tâm hoặc empathy-sự thấu cảm. Khi các thương hiệu thực sự thấu cảm, quan tâm đến khách hàng của mình thì tự nhiên họ sẽ xây dựng được những chiến dịch truyền thông theo hướng nhân bản. Và họ sẽ thành công", chủ tịch LeBros khẳng định.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM